Trung Quốc so tay đôi với Hoa Kỳ: Chiến tranh ủy nhiệm ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Chiến tranh ủy nhiệm sẽ được lột tả xuất sắc nhất như là một ván cờ địa chính trị. Ván cờ này đang tiến triển về bản chất, theo ông Candace Rondeaux, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Tương lai của Chiến tranh, và ông David Sterman, nhà phân tích chính sách cao cấp tại New America.
Họ định nghĩa chiến tranh ủy nhiệm hiện đại “là sự viện trợ của các lực lượng thông thường hoặc không chính thức, nằm ngoài trật tự hiến pháp của các quốc gia.”
Điển hình như tại Trung Đông và vùng ngoại vi của khu vực này, nơi mà “nhiều quốc gia đã áp dụng các chiến lược chiến tranh hạn chế dựa trên các cơ cấu chỉ huy ngầm, vốn cho phép các quốc gia tài trợ và quốc gia được ủy nhiệm vượt qua lằn ranh đỏ và bẻ cong các quy tắc pháp lý quốc tế.” Xung đột ủy nhiệm giữa Iran và Israel là ví dụ rõ ràng nhất, với việc cả hai quốc gia này đều sử dụng các nước như Syria và Lebanon làm chiến trường trong cuộc xung đột không hồi kết của họ.
Trong khi đó, tại Á Châu, Trung Quốc và Ấn Độ đã sử dụng Nepal để tham gia vào các cuộc so tài đấu sức chiến lược. Điều khá ngạc nhiên là, Ấn Độ dường như đang giành chiến thắng.
Thay vì vật lộn để chống chọi lại Ấn Độ, Trung Cộng đã chuyển tầm mắt của mình sang quốc đảo lớn nhất thế giới là Indonesia. Tuy nhiên, quốc gia Đông Nam Á này lại có một nước hậu thuẫn khác: Hoa Kỳ. Liệu Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden đã sẵn sàng tham gia vào một trận so tài của riêng họ chưa? Có đầy đủ lý do để tin là như vậy.
Tại sao Indonesia lại quan trọng?
Với dân số khoảng 276 triệu người và đang trên đà tăng lên, cho đến nay Indonesia là thị trường lớn nhất tại Đông Nam Á. Mặc dù quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới này hiện vẫn đang phải gồng mình để kiềm chế [sự lây lan của] COVID-19, nhưng nền kinh tế này vẫn vững vàng. Trên thực tế, trong năm nay, Indonesia là nền kinh tế lớn thứ 10 trên thế giới, có thể kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong hơn 25 năm qua. Từng là quốc gia đồng nghĩa với nghèo đói, Indonesia “đã đạt được những thành tựu to lớn trong việc xóa đói giảm nghèo,” theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới. Năm 1999, hơn một nửa [dân số] quốc gia này đã sống trong cảnh nghèo đói; hiện tại số người nghèo đã xuống dưới mức 10%. Đất nước này cũng tự hào vì có dân số trẻ. Mặt khác, cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều đang phải gồng mình chống chọi với những tác động của việc dân số bị già hóa nhanh chóng.
Trong bốn thập niên vừa qua, độ tuổi trung bình của dân số Trung Quốc đã tăng 91%, và hiện là 38.4 tuổi. Độ tuổi trung bình tại Hoa Kỳ là 38.1 tuổi. Trong khi đó, Indonesia tự hào với độ tuổi trung bình chỉ ở khoảng 29.7 tuổi.
Những mặt tích cực không chỉ có vậy. Theo như Ngân hàng Thế giới lưu ý, kể từ năm 2005, Indonesia đã “chứng kiến tầng lớp trung lưu trong dân số tăng từ 7% lên 20%, hiện có đến 52 triệu người Indonesia thuộc tầng lớp này.” Cùng với việc ngày càng có nhiều công dân giàu có hơn, hiện Indonesia đã chuẩn bị sẵn sàng để bước vào cuộc phân chia địa chính trị tầm cỡ.
Viên ngọc quý trên vương miện Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Trong một bài viết cho trang tin Insider.com, tác giả Benjamin Brimelow đã thảo luận về căng thẳng đang gia tăng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, “nơi mà sự tăng trưởng kinh tế và hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc đã thu hút sự chú ý và lo ngại của các chính trị gia và các quan chức quốc phòng trong khu vực và trên thế giới.”
Hiện tại, trong bối cảnh Trung Quốc và Hoa Kỳ đang tranh giành “ảnh hưởng trong khu vực,” họ đã để mắt đến Indonesia, “một quốc gia từ trước đến nay luôn chống lại việc can dự vào các vấn đề ngoại giao,” theo ông Brimelow.
Ông Brimelow nhấn mạnh, Indonesia là quê hương của hơn 17,000 hòn đảo “nằm rải rác trong khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương,” do vậy mang lại cho quốc gia này “một địa thế mang tính quyết định trên Eo biển Malacca trọng yếu và các cách tiếp cận hàng hải truyền thống để đến Úc.”
Trong ván cờ địa chính trị này, Indonesia có thể chứng tỏ mình là một bá vương, đặc biệt là khi ngày càng có ít quốc gia hơn nguyện ý chọn phe trong cuộc xung đột leo thang giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Trong một bài viết mới đây cho tờ Chính sách Ngoại giao, ông Bruce W. Jentleson, một giáo sư chính sách công cộng và khoa học chính trị tại Đại học Duke, đã thảo luận về thực tế này. Ông viết: “Khi được khảo sát ý kiến về vị thế của Nhật Bản trong cuộc xung đột Hoa Kỳ-Trung Quốc, 58% người dân Nhật Bản mong muốn làm việc vì sự hợp tác quốc tế hơn là chọn một bên, chỉ 20% ưu tiên bang giao với Mỹ.” Cần phải lưu ý rằng, chỉ 1% những người được khảo sát “ưu tiên bang giao với Trung Quốc.” Ông Jentleson cũng đề cập đến hội nghị thượng đỉnh lần thứ 34 của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, diễn ra vào năm 2019. Khi bàn đến vấn đề lựa chọn bên nào trong cuộc xung đột Hoa Kỳ-Trung Quốc, thông điệp của hội nghị thượng đỉnh rất rõ ràng: đừng bắt chúng tôi phải lựa chọn.
Hơn nữa, ông Jentleson cũng cảnh báo rằng “nhóm G7, NATO và EU sẽ không đi xa như chính phủ ông Biden mong muốn” trong việc chống lại mối đe dọa đang gia tăng từ Trung Quốc. Trong khi đó, các nước như Ả Rập Xê-Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, “tất cả những nước nhận viện trợ quân sự lớn từ Hoa Kỳ,” cũng có những thỏa thuận với Trung Quốc. Israel, một đồng minh trung thành của Hoa Kỳ, cũng đã ký một thỏa thuận với “Tập đoàn Cảng biển Quốc tế Thượng Hải để điều hành cảng Haifa.” Thỏa thuận này đã đạt được bất chấp lời cầu khẩn từ Hoa Kỳ.
Với việc ngày càng có ít quốc gia hơn sẵn sàng chọn đứng về một phía, hãy chú ý đến những diễn biến tại Indonesia, một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới này. Nếu Hoa Kỳ có thể chiến thắng trong việc thuyết phục được Indonesia, thì đây có thể là một đòn trí mạng đối với Trung Cộng. Hãy xắn tay áo lên, Tổng thống Biden, và chuẩn bị tinh thần cho tất cả những cuộc đọ sức đỉnh cao này. Indonesia, một viên ngọc quý trên vương miện Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, rất đáng để tranh giành.
Ông John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Tác phẩm của ông đã được xuất bản bởi những tờ báo như New York Post, Sydney Morning Herald, The American Conservative, National Review, The Public Discourse, và các tờ báo có uy tín khác. Ông cũng là một ký giả chuyên mục tại Cointelegraph.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: