Trung Quốc sẽ tổ chức diễn tập hoạt động cứu nạn ở Biển Đông
Các tài liệu nội bộ của chính phủ [Trung Quốc] tiết lộ rằng trong tháng 10, Trung Quốc sẽ tiến hành một cuộc diễn tập hoạt động cứu nạn gần quần đảo Hoàng Sa, một quần đảo tranh chấp [giữa Trung Quốc, Việt Nam, Philippines] ở Biển Đông. Sự kiện này có thể làm leo thang căng thẳng ở vùng biển tranh chấp.
Theo thông báo được phát hành bởi Ủy ban Cải cách và Phát triển tỉnh Hải Nam (Hainan Province Development and Reform Commission) và nguồn tin đáng tin cậy của The Epoch Times, cuộc diễn tập dự kiến diễn ra từ 9 giờ sáng đến trưa ngày 20/10; nếu cuộc diễn tập lần đầu tiên không thành công, một cuộc diễn tập khác sẽ được tiến hành từ 9 giờ sáng đến trưa ngày 22/10.
Hải Nam là một hòn đảo ngoài khơi bờ biển phía nam của đại lục.
Cuộc diễn tập sẽ được tiến hành như sau: Chi nhánh Hải Nam của Bệnh viện Đa khoa Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) sẽ nhận được lệnh từ chỉ huy và nhanh chóng phái đi một đội y tế gồm 38 thành viên đến tàu Tam Sa 2 (Sansha No. 2) để thực hiện các hoạt động cứu nạn.
Theo báo chí Trung Quốc đưa tin, tàu Tam Sa 2 nặng 8.000 tấn là tàu tiếp tế vận tải thứ hai được đóng tại xưởng đóng tàu ở thành phố Tam Sa. Là một tàu được nâng cấp [phục vụ cho] y tế, nó cũng hoạt động như một tàu tiếp tế quân sự.
Bảy chiến hạm, một máy bay trực thăng và các đơn vị trực thuộc các cơ quan tìm kiếm cứu nạn hàng hải Trung Quốc cũng sẽ tham gia cuộc diễn tập.
Ủy ban Y tế Hải Nam đã soạn tài liệu trình chiếu hướng dẫn các hoạt động cứu nạn.
Bản trình chiếu này (The Epoch Times cũng có trong tay tài liệu này) cho thấy cuộc diễn tập sẽ thực hành cách điều trị y tế từ xa, vận chuyển bệnh nhân bị bệnh và bị thương, và tư vấn tâm lý.
Bản trình chiếu cũng cung cấp thông tin về điều kiện khí tượng và thủy văn.
Bối cảnh
Vào tháng 8/2020, các kế hoạch cho một cuộc diễn tập hoạt động cứu nạn của tàu Tam Sa 2, còn gọi là Diễn tập cứu nạn Y tế Khẩn cấp Hàng hải Quốc gia (vùng biển Hoàng Sa) đã được hoàn tất. Kế hoạch này do văn phòng khẩn cấp của Ủy ban Y tế Hải Nam và chi nhánh Hải Nam của Bệnh viện Đa khoa PLA lập ra nhằm “kiểm tra hiệu quả khả năng ứng cứu y tế khẩn cấp theo hướng Biển Đông”.
Vào tháng 9, Ủy ban Cải cách và Phát triển Hải Nam đã soạn thảo một danh sách các dự án đầu tư để đưa vào ngân sách của Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 nhằm thúc đẩy cải cách và xây dựng cảng thương mại tự do ở tỉnh [Hải Nam], theo yêu cầu của cơ quan cấp trên là Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung ương Trung Quốc.
Theo đó, một trong những dự án được đề xuất trong danh sách là xây dựng Căn cứ Cứu nạn Y tế Khẩn cấp Hàng hải Quốc gia và Căn cứ Cứu nạn Y tế Hàng không Quốc gia. Đề xuất này nhằm “xây dựng một mạng lưới điều trị [y tế] hàng hải có căn cứ trên đất liền, một lực lượng dự bị cứu nạn, một nền tảng hỗ trợ căn cứ cứu nạn khẩn cấp, một hệ thống điều trị và chuyển tiếp người bị bệnh và bị thương bằng đường biển, đường bộ và đường hàng không”.
Các tài liệu khác của chính quyền Hải Nam cho biết hai căn cứ này nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho việc “duy trì chủ quyền và đối phó với các tình huống khẩn cấp ở Biển Đông”.
Bình luận viên Trung Quốc ông Li Linyi lưu ý rằng điều này báo hiệu rằng Trung Quốc đang chuẩn bị cho khả năng xảy ra các xung đột quân sự ở Biển Đông.
Tập trận quân sự Hoa Kỳ
Theo Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, vào ngày 7/10 hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan đã thực hiện một cuộc diễn tập ứng phó thương vong hàng loạt ở Biển Đông.
[Ông] Li nói rằng cuộc tập trận ngày 7/10 là biện pháp đối phó hiệu quả nhất mà Hoa Kỳ từng thực hiện để chống lại hành động xâm lược quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tranh chấp Biển Đông
Các đảo, các bãi đá và các đá trên tuyến đường biển chiến lược này đều bị nhiều quốc gia tuyên bố chủ quyền trong đó có Brunei, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam.
Bắc Kinh đã sử dụng “đường chín đoạn” để tuyên bố chủ quyền đối với 90% vùng Biển Đông, bất chấp phán quyết hợp pháp của Liên Hợp Quốc vào năm 2016 bác bỏ tuyên bố của Bắc Kinh.
Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã tìm cách củng cố các tuyên bố của mình bằng cách xây dựng các tiền đồn quân sự trên các đảo nhân tạo và các bãi đá trong khu vực này. Họ cũng đã khai triển các tàu tuần duyên và tàu đánh cá Trung Quốc để đe dọa các tàu thuyền nước ngoài, chặn đường vào các tuyến đường biển và chiếm giữ các bãi cát ngầm và các bãi đá.
Trong vài tháng qua, chính quyền này đã tiến hành nhiều cuộc tập trận quân sự hơn trên tuyến đường biển này. Hành động này đã vấp phải sự chỉ trích của Hoa Kỳ.