Trung Quốc sẽ không dám cắt đứt quan hệ với Hoa Kỳ và Âu Châu vì xung đột Nga-Ukraine
Bắc Kinh từ lâu đã được hưởng lợi từ hội nhập toàn cầu; cắt đứt quan hệ với Hoa Kỳ và Âu Châu sẽ khiến nhà cầm quyền này phải trả giá đắt.
Theo các nhà kinh tế, mặc dù Trung Quốc và Nga đã tuyên bố quan hệ đối tác “không có giới hạn”, với “lĩnh vực hợp tác không có vùng cấm,” Bắc Kinh khó có thể làm bất cứ điều gì gây nguy hiểm [cắt đứt quan hệ] với Hoa Kỳ và Âu Châu về kinh tế, với lý do Trung Quốc từ lâu đã được hưởng lợi từ hội nhập toàn cầu và tìm cách duy trì trật tự kinh tế thế giới mà họ hiện đang được hưởng lợi.
Hôm 02/03, Trung Quốc bỏ phiếu trắng tại Đại hội đồng Liên hợp quốc về việc Nga rút quân vô điều kiện khỏi Ukraine. Và Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng họ kiên quyết phản đối bất kỳ “biện pháp trừng phạt đơn phương bất hợp pháp nào.”
Trong khi Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu và các quốc gia khác áp đặt các biện pháp trừng phạt và hạn chế xuất cảng khác nhau đối với Nga, Trung Quốc hôm 24/02 đã chấp thuận nhập cảng lúa mì từ toàn bộ các khu vực của Nga.
Theo một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, để đối phó với thái độ không rõ ràng của Trung Quốc đối với cuộc xâm lược này, Hoa Kỳ cố gắng buộc Trung Quốc chọn một bên thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế hoặc kiểm soát xuất cảng đối với một số công nghệ tương tự như áp đặt với Nga.
Wall Street Journal đưa tin, dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao: nếu Trung Quốc “hoặc bất kỳ quốc gia nào khác muốn tham gia vào hoạt động thuộc diện chúng tôi trừng phạt, thì họ sẽ phải chịu các biện pháp trừng phạt của chúng tôi.”
Hàng xuất cảng của Trung Quốc
Một báo cáo được công bố hôm 28/02 bởi ông Neil Shearing, nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn nghiên cứu Capital Economics có trụ sở tại London, cho biết mặc dù Trung Quốc nghiêng về Nga trong chính trị, nhưng có khả năng không làm bất cứ điều gì khiến cắt đứt quan hệ với Hoa Kỳ và Âu Châu.
Ông Shearing viết: “Cắt đứt quan hệ với Hoa Kỳ và Âu Châu sẽ không có lợi cho kinh tế của Trung Quốc — việc tiếp cận thị trường tài chính toàn cầu có giá trị hơn bất cứ thứ gì mà Nga có thể cung cấp… Ông Tập có nhiều lý do mạnh mẽ hơn ông Putin để tránh sự rạn nứt hoàn toàn trong quan hệ với phương Tây.”
Trung Quốc đã thu được những lợi ích to lớn khi biến mình thành một trung tâm sản xuất toàn cầu. GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đã tăng từ mức dưới 5% của Hoa Kỳ vào năm 1990 lên gần 30% ngày nay. Hàng trăm triệu người Trung Quốc đã thoát nghèo trong quá trình này. Ngược lại, GDP bình quân đầu người ở Nga đã giảm từ mức hơn 50% của Hoa Kỳ vào năm 1990 xuống chỉ còn hơn 40% hiện nay, theo phân tích của ông Shearing.
Do đó, Trung Quốc và Nga có những lợi ích khác nhau liên quan đến hiện trạng toàn cầu. Ông Shearing viết, Bắc Kinh tìm cách “[thiết lập] thẩm quyền của mình đối với trật tự kinh tế toàn cầu thay vì phá bỏ nó,” và quyền tiếp cận thị trường tài chính toàn cầu hiện tại của họ có giá trị hơn bất cứ thứ gì Moscow có thể cung cấp.
Bloomberg đưa tin, mặc dù Moscow đã tăng cường quan hệ thương mại với Bắc Kinh trong thập kỷ qua với tư cách là một nhà cung cấp năng lượng quan trọng, nhưng trọng lượng kinh tế của Nga lại kém hơn so với các nước phương Tây. Các quốc gia phương Tây là khách hàng xuất cảng lớn hơn nhiều của Trung Quốc, các nguồn cung cấp công nghệ và đầu tư lớn, đồng thời kiểm soát khả năng tiếp cận hệ thống USD quốc tế của Trung Quốc.
Theo báo cáo của Bloomberg, Nga chỉ nhận được 2% xuất cảng của Trung Quốc vào năm 2021, thấp hơn nhiều so với 17% của Hoa Kỳ.
Công nghệ
Trong lĩnh vực công nghệ, Trung Quốc phụ thuộc vào ASML, một nhà cung cấp thiết bị sản xuất vi mạch bán dẫn (chip) của Hà Lan, để sản xuất vi mạch bán dẫn trong nước. Tuy nhiên, vào năm 2020, vì lý do an ninh quốc gia chính phủ của ông Trump đã chặn ASML bán các hệ thống in thạch bản EUV (cực tím cực mạnh) của hãng này – các thiết bị cần thiết để tạo ra các vi mạch tiên tiến – cho Trung Quốc. Chính phủ của ông Biden đã thực hiện các nỗ lực này, tiếp tục lập trường của Tòa Bạch Ốc thời ông Trump.
Theo Nikkei Asia, trong lĩnh vực xe hơi, Trung Quốc hiện là thị trường xe hơi lớn nhất thế giới về cả sản xuất và bán hàng, với khoảng 80% vi mạch bán dẫn cần thiết cho động cơ và hộp số xe hơi phụ thuộc vào nhập cảng. Trong lĩnh vực hàng không, Trung Quốc hoàn toàn dựa vào vi mạch bán dẫn do nước ngoài sản xuất cho máy bay khu vực ARJ21 và máy bay C919 lớn hơn, cả hai loại máy bay này đều sử dụng động cơ nhập cảng. Đối với máy công cụ được điều khiển bằng số máy tính (CNC) – rất quan trọng đối với sản xuất tiên tiến—Trung Quốc dựa vào nhập cảng cho 90% nhu cầu công nghệ của mình.
Hôm 25/02, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã đáp trả cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine bằng cách thực hiện một loạt các biện pháp kiểm soát xuất cảng nhằm hạn chế việc Nga tiếp cận công nghệ và các mặt hàng khác để duy trì khả năng quân sự hiếu chiến của nước này. Các biện pháp kiểm soát này chủ yếu nhắm vào các lĩnh vực quốc phòng, hàng không, và hàng hải của Nga, bao gồm chất bán dẫn, máy tính, viễn thông, thiết bị thông tin phục vụ an ninh, laser, và cảm biến.
Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo nói với The New York Times rằng các công ty Trung Quốc bất chấp các hạn chế của Hoa Kỳ để xuất cảng sang Nga có thể bị cắt đứt khỏi [việc mua] thiết bị và phần mềm Mỹ mà họ cần để sản xuất sản phẩm— một cảnh báo nghiêm khắc khác đối với các công ty Trung Quốc.
Công ty viễn thông Huawei có trụ sở tại Trung Quốc đã trực tiếp hứng chịu các lệnh trừng phạt tương tự của Hoa Kỳ. Chính phủ của ông Trump vào năm 2020 đã cắt Huawei khỏi nguồn cung cấp vi mạch bán dẫn toàn cầu và các thiết bị điện tử khác được sản xuất bằng công nghệ của Hoa Kỳ, làm tê liệt các doanh nghiệp di động và băng thông rộng đang phát đạt và mở rộng trên toàn thế giới.
SWIFT
Nền kinh tế và thương mại của Trung Quốc cũng chủ yếu dựa vào hệ thống thanh toán bù trừ tài chính của Hoa Kỳ. Hầu hết các tổ chức tài chính trên toàn thế giới, bao gồm cả các ngân hàng thương mại nhà nước ở Trung Quốc, đều thực hiện giao dịch thông qua SWIFT, một hệ thống chuyển tiền quốc tế có trụ sở tại Bỉ. Mặc dù SWIFT thuộc quản lý của Liên minh Âu Châu, Hoa Kỳ có đòn bẩy đáng kể đối với nó do sự thống trị của đồng USD. Nếu Trung Quốc phải chịu các lệnh trừng phạt tài chính của Hoa Kỳ, SWIFT có thể loại trừ các ngân hàng Trung Quốc, khiến Bắc Kinh không thể giải quyết các giao dịch nước ngoài.
Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu, Canada, Pháp, Đức, Ý và Vương quốc Anh đã công bố Một lệnh cấm SWIFT hôm 26/02 để đáp trả cuộc tấn công quân sự của Nga vào Ukraine. Hôm 28/02, đồng rúp của Nga đã giảm gần 30% so với USD.
Hôm 28/02, tỷ giá hối đoái của đồng rúp Nga so với USD đã giảm mạnh gần 30%, trong khi người dân ở Moscow đứng xếp hàng dài để rút tiền mặt từ các máy ngân hàng.
Theo một báo cáo năm 2020 từ công ty chứng khoán Trung Quốc Guotai Junan, nếu Trung Quốc bị loại khỏi SWIFT, nước này có thể mất 300 tỷ USD thương mại mỗi năm, hơn 90 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 80 tỷ USD vốn FDI ra nước ngoài mỗi năm.
Đi dây thăng bằng
Hôm 28/02, ngày thứ tư Nga xâm lược Ukraine, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có bài phát biểu bằng video tại cuộc họp kỷ niệm 50 năm thành lập Thông cáo Thượng Hải. Ông Wang nói, “Vì cánh cửa quan hệ Trung – Mỹ đã mở, nên không nên đóng lại”, báo hiệu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không muốn cắt đứt quan hệ với Hoa Kỳ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã sử dụng thuật ngữ “bối cảnh lịch sử phức tạp” khi đề cập đến cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine, trong khi ông Vương nói rằng Trung Quốc “tôn trọng chủ quyền của tất cả các nước.”
Bắc Kinh đã tiếp tục có thái độ thận trọng về xung đột Nga-Ukraine, tìm cách duy trì mối quan hệ với Moscow nhưng không sẵn sàng công khai quay lưng với bất cứ bên nào, hy vọng tránh làm rạn nứt quan hệ với Hoa Kỳ và Âu Châu.
Hôm 02/03, cơ quan quản lý ngân hàng của Trung Quốc cho biết họ sẽ không tham gia vào các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.
Ông Guo Shuqing, Chủ tịch Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc, tuyên bố rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga “không có nhiều cơ sở pháp lý.”
Tuy nhiên, hôm 03/03, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) do Trung Quốc hậu thuẫn đã quyết định “tạm dừng” mọi hoạt động liên quan đến Nga và Belarus do cuộc chiến ở Ukraine. ĐCSTQ là cổ đông lớn nhất của AIIB, với hơn 30% cổ phần, theo trang web chính thức.
Với việc nắm giữ 26.5% quyền biểu quyết, Trung Quốc có quyền phủ quyết đối với các quyết định lớn của bên cho vay đa phương, vốn yêu cầu đa số [đồng thuận] là 75%.
Bà Jenny Li đã đóng góp cho The Epoch Times từ năm 2010. Bà đã đưa tin về các vấn đề chính trị, kinh tế, nhân quyền và quan hệ Mỹ – Trung. Bà đã phỏng vấn sâu rộng các học giả, nhà kinh tế, luật sư và các nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc ở Trung Quốc và ngoại quốc.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: