Trung Quốc ‘sẵn sàng làm việc’ để thúc đẩy đàm phán thăm dò dầu với chính phủ mới của Philippines
Các quan chức cho biết hôm thứ Năm (23/06), Trung Quốc đang tìm cách khôi phục các cuộc đàm phán về thăm dò dầu khí chung với “chính phủ mới của Philippines”, trong bối cảnh hai quốc gia đang tiếp tục giải quyết các vấn đề khác biệt trên biển liên quan đến Biển Đông/Biển Tây Philippines đang tranh chấp.
Trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh hôm thứ Năm, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân (Wang Wenbin) nói rằng “Trung Quốc sẵn sàng làm việc phối hợp với chính phủ mới của Philippines để thúc đẩy các cuộc đàm phán về phát triển chung và cố gắng thực hiện sớm các bước thực chất để mang lại lợi ích cụ thể cho cả hai quốc gia và dân tộc.”
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra bình luận trên sau khi Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. thông báo rằng các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Philippines liên quan đến kế hoạch thăm dò dầu khí chung ở Biển Tây Philippines đã bị chấm dứt theo lệnh của Tổng thống Rodrigo Duterte.
Cả Trung Quốc và Philippines đều đã đấu tranh vì chủ quyền hàng hải trong nhiều thập niên, với việc Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ khu vực mà họ tin là trong vùng đặc quyền kinh tế của mình thuộc Biển Đông, đây cũng là nơi có khoảng 11 tỷ thùng dầu chưa khai thác và 190 ngàn tỷ feet khối khí tự nhiên, theo Hội đồng Quan hệ Ngoại giao.
Trong những năm gần đây, Bắc Kinh được cho là đã xây dựng các cảng và xây dựng các cơ sở quân sự và đường băng ở các khu vực tranh chấp, bao gồm cả trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời quân sự hóa các khu vực khác như đảo Phú Lâm (Woody), nơi họ khai triển chiến đấu cơ và hỏa tiễn hành trình.
ĐIều này xảy ra bất chấp Tòa Trọng tài Thường trực tại La Haye đã ra phán quyết vào năm 2016 rằng Bắc Kinh không có “quyền lịch sử” đối với vùng biển tranh chấp trong một vụ kiện do Manila đưa ra.
Trung Quốc từ chối công nhận phán quyết đó.
Phản đối về ngoại giao
Trong khi đó, the Diplomat đưa tin, Philippines, quốc gia phụ thuộc hoàn toàn vào nhập cảng nhiên liệu, đã không thể tiến hành quá trình nghiên cứu và phát triển theo kế hoạch của mình ở vùng biển tranh chấp, và đã đệ trình hơn 300 công hàm ngoại giao phản đối việc Trung Quốc tiếp tục xâm phạm chủ quyền được cho là của quốc gia này.
Bất chấp tranh chấp đang diễn ra, năm 2018, hai nước vẫn cam kết thăm dò tài sản dầu khí trong khu vực biển tranh chấp và vào năm 2020, ông Duterte cũng tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm thăm dò dầu khí tự nhiên kéo dài sáu năm tại Bãi Cỏ Rong (Reed Bank), trong một nỗ lực để tránh kích động thêm Bắc Kinh.
Lệnh cấm đó đã có từ năm 2014, trước chính phủ của ông, và việc dỡ bỏ nó đã bị chỉ trích rộng rãi vì bác bỏ phán quyết của tòa án La Haye năm 2016 liên quan đến “quyền lịch sử” vô căn cứ của Trung Quốc đối với vùng biển tranh chấp này.
Nhưng hồi tháng Tư năm nay, Bộ Năng lượng Philippines đã ra lệnh đình chỉ các hoạt động thăm dò dầu khí trong khu vực biển tranh chấp, với lý do “tác động chính trị, ngoại giao, và an ninh quốc gia của bất kỳ hoạt động nào” trong vùng biển này.
Ông Locsin Jr. hôm thứ Năm (23/06) cho biết các cuộc đàm phán đã bị chấm dứt vì các vấn đề về chủ quyền và các ràng buộc về hiến pháp.
Ông nói thêm, đề cập đến cam kết năm 2018: “Các nhà lãnh đạo của hai nước đã đạt được hiểu biết chung quan trọng về vấn đề này. Hai chính phủ đã ký Biên bản Ghi nhớ (MOU) về Hợp tác Phát triển Dầu Khí và đã tích cực theo đuổi các cuộc đàm phán và đạt được những tiến bộ quan trọng trong khuôn khổ này.”
“Tổng thống đã nói… các cuộc thảo luận về dầu khí đã chấm dứt hoàn toàn. Không có gì đang chờ giải quyết; mọi thứ đã kết thúc,” ông Locsin nói. “Ba năm trôi qua và chúng tôi vẫn chưa đạt được mục tiêu phát triển các nguồn tài nguyên dầu khí rất quan trọng đối với Philippines — nhưng không phải là với cái giá của chủ quyền; thậm chí không phải là một li của nó.”
Tuy nhiên, với việc ông Duterte trong tháng này chuẩn bị trao lại quyền lực cho Tổng thống đắc cử Ferdinand Marcos Jr., hay còn gọi là “Bongbong”, sau chiến thắng vang dội của ông trong cuộc bầu cử hồi tháng Năm, các cuộc đàm phán giữa hai quốc gia có vẻ sẽ tiếp tục.
Ông Marcos Jr. đã nói với các phóng viên hồi tháng Năm rằng ông sẽ tiếp tục “nói chuyện với Trung Quốc bằng một giọng nói kiên quyết” về các vùng biển đang xảy ra tranh chấp nhưng nói thêm, “Chúng tôi không cần được bất kỳ ai chỉ bảo cách điều hành đất nước của chúng tôi” và rằng, “Không có chỗ cho đàm phán ở đó.”
Cô Katabella Roberts là một phóng viên hiện đang sống và làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cô đưa tin tức nói chung và tin kinh doanh cho The Epoch Times, tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ.