Trung Quốc: Quỹ bảo hiểm y tế từ chối thanh toán cho xét nghiệm COVID hàng loạt, chuyển trách nhiệm cho chính quyền địa phương
Tính đến hôm 07/06, ít nhất 10 đô thị của Trung Quốc, mỗi đô thị có dân số hơn 10 triệu người, đã yêu cầu xét nghiệm acid nucleic thường xuyên để tìm những người dân bị nhiễm COVID-19. Công chúng hiện đang đặt câu hỏi về chi phí phát sinh cũng như ai sẽ trả những chi phí đó.
Xét nghiệm acid nucleic để phát hiện COVID-19 còn được gọi là xét nghiệm PCR. Việc xét nghiệm thường xuyên, như chính sách zero COVID của Trung Quốc yêu cầu, hiện quy định người dân phải cho xem kết quả xét nghiệm PCR âm tính đã thực hiện trong vòng 48 hoặc 72 giờ để được đi tàu điện ngầm hoặc vào một cơ sở công cộng. Nói cách khác, hầu hết mọi người phải thực hiện 1 đến 3 xét nghiệm acid nucleic mỗi tuần để duy trì cuộc sống bình thường.
Đã có những lời bàn tán trên mạng xã hội Trung Quốc nói rằng quỹ bảo hiểm y tế của Trung Quốc đã đang chi trả chi phí đó. Tuy nhiên, China Business News tiết lộ trong một bài báo ra ngày 25/05 rằng Cục Quản lý An ninh Chăm sóc Sức khỏe Quốc gia gần đây đã ban hành một thông báo chính thức cho các cơ quan quản lý bảo hiểm y tế tỉnh và thành phố, nói rằng việc thực hiện xét nghiệm COVID-19 hàng loạt sử dụng các quỹ bảo hiểm y tế không tuân theo các chính sách bảo hiểm y tế hiện hành, và cần được điều chỉnh ngay lập tức.
Những người trong cuộc nói với China Business News rằng tại một số khu vực nhất định, nơi quỹ bảo hiểm y tế có đủ số dư, chính quyền địa phương cho phép các quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí xét nghiệm cho những người được bảo hiểm chi trả, và với những cá nhân không được bảo hiểm chi trả, thì chi phí đó sẽ do chính quyền địa phương chịu trách nhiệm hỗ trợ tài chính.
Tương tự, theo Tân Hoa Xã, việc chích ngừa COVID hàng loạt ở Trung Quốc đã được chi trả bởi các quỹ bảo hiểm y tế và kho bạc chính phủ.
Dữ liệu chính thức cho thấy đến cuối năm 2021, số dư tích lũy của bảo hiểm y tế cơ bản (bao gồm cả bảo hiểm thai sản) là 3,612 tỷ nhân dân tệ (tương đương 542 tỷ USD). Số dư này chủ yếu tập trung ở các tỉnh tương đối giàu có và các khu vực tập trung đông dân cư.
Chi phí khổng lồ khi xét nghiệm hàng loạt trở thành tiêu chuẩn
Trung Tân Kinh Vĩ (Zhongxin Jingwei), một phương tiện truyền thông về tài chính liên kết với Tân Hoa Xã, gần đây đã sử dụng các con số của Bắc Kinh để tính toán chi phí xét nghiệm acid nucleic thường xuyên là bao nhiêu khi công chúng dựa vào kết quả xét nghiệm âm tính để có một cuộc sống bình thường.
Theo bài báo của Trung Tân Kinh Vĩ, hôm 03/05 giá của xét nghiệm COVID đơn mẫu đã giảm từ 24.9 nhân dân tệ (khoảng 3.72 USD) xuống còn 19.7 nhân dân tệ (2.94 USD). Đối với các xét nghiệm đa mẫu, nhà chức trách đã giới hạn giá ở mức 3.4 nhân dân tệ (khoảng 0.51 USD).
Đến cuối năm 2021, không tính lao động nhập cư, dân số Bắc Kinh là 21.886 triệu người. Trong trường hợp yêu cầu xét nghiệm hàng tuần và kế hoạch xét nghiệm đa mẫu — với các mẫu của từ mười người trở lên trong cùng một ống nghiệm — thì Bắc Kinh sẽ cần xét nghiệm ít nhất 320,000 mẫu mỗi ngày, và tổng chi phí sẽ lên tới 298 triệu nhân dân tệ (khoảng 44 triệu USD) một tháng. Trong trường hợp xét nghiệm đơn mẫu thì tổng chi phí sẽ là 862 triệu nhân dân tệ (khoảng 129 triệu USD) một tháng.
Một báo cáo nghiên cứu gần đây do Viện Nghiên cứu Chứng khoán Soochow của Trung Quốc công bố cũng ước tính rằng, nếu tất cả các thành phố hạng nhất và hạng hai ở Trung Quốc (với tổng dân số là 505 triệu người vào năm 2021) thực hiện xét nghiệm thường xuyên trong tương lai, dựa trên dữ liệu dân số vào năm 2021, thì tổng chi phí hàng tháng cho 505 triệu người ở các thành phố này sẽ là 121.2 tỷ nhân dân tệ (khoảng 18.1 tỷ USD), và chi phí hàng năm là khoảng 1.45 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 220 tỷ USD).
Các quỹ bảo hiểm y tế đang cạn kiệt
Quỹ bảo hiểm y tế là “tiền cứu mạng” đối với người dân Trung Quốc. Với việc các thành phố của Trung Quốc yêu cầu xét nghiệm hàng loạt thường xuyên lần lượt từng thành phố, thì công chúng rất lo ngại rằng quỹ bảo hiểm y tế chung sẽ sớm cạn kiệt.
Health Literacy Bureau, một nền tảng thông tin trong lĩnh vực y tế và sức khỏe của Trung Quốc, đã tiết lộ trong một bài báo đăng ngày 26/05 rằng các quỹ bảo hiểm y tế ở nhiều tỉnh và thành phố đang có nguy cơ cạn kiệt.
Mặc dù Cục Quản lý Bảo hiểm Y tế Quốc gia đã ban hành một văn bản mới vào ngày 25/05 giới hạn giá xét nghiệm đa mẫu không quá 3.5 nhân dân tệ (khoảng 52 cent) một người, nhưng Health Literacy Bureau chỉ ra rằng không phải tất cả các tỉnh đều có đủ tiền để chi trả cho việc xét nghiệm hàng loạt thường xuyên.
Theo Health Literacy Bureau, đối với Bắc Kinh và Thượng Hải, số dư bảo hiểm y tế có thể chi trả chi phí trong hơn 600 ngày; trong khi ở các tỉnh có dân số đông như Sơn Đông và Hà Nam, thì số dư hiện tại chỉ có thể hỗ trợ khoảng 70 ngày xét nghiệm.
“Điều đó có nghĩa là, ở những nơi này, nếu các quỹ bảo hiểm y tế được tích lũy một cách công phu thông qua mua sắm tập trung, thương lượng giá, v.v., được sử dụng để chi trả cho việc xét nghiệm acid nucleic quy mô lớn thường xuyên, chúng sẽ cạn kiệt trong nhiều hơn hai tháng một chút,” bài báo cho biết. “Theo tiêu chuẩn dự phòng quỹ bảo hiểm y tế được quốc tế chấp nhận, thì quỹ bảo hiểm y tế phải đủ chi trả ít nhất 15 tháng mới được coi là một quỹ ổn định. Nếu tất cả kinh phí được sử dụng cho việc xét nghiệm acid nucleic, thì nó đã đi chệch hướng so với mục đích ban đầu của việc thành lập hệ thống quỹ bảo hiểm y tế.”
Lợi nhuận khổng lồ cho các công ty tham gia xét nghiệm COVID
Mặc dù là một cơn ác mộng đối với công chúng, nhưng đại dịch đã trở thành một cơ hội vàng cho những người tham gia lấy mẫu và xét nghiệm COVID. Ngay sau khi xét nghiệm PCR trở thành một nhiệm vụ thường xuyên, thì các công ty sản xuất bộ kit xét nghiệm và nhân sự có kỹ năng lấy mẫu đã được săn đón.
Tính đến ngày 11/05/2022, đã có khoảng 2,400 tổ chức tham gia xét nghiệm COVID ở Trung Quốc, trong đó gần 40% đã được thành lập trong vòng ba năm qua. Những đối thủ lớn nhất gồm có Shengxiang Bio, Zhijiang Bio, Jinyu Medical, Mingde Bio, Wanfu Bio, Daan Gene, BGI, Oriental Bio, và Mike Bio.
Shengxiang Bio, một nhà sản xuất bộ kit xét nghiệm COVID, đã đạt được mức tăng khổng lồ 65.3 lần trong lợi nhuận ròng từ năm 2019 đến năm 2020, và nhanh chóng có mặt trong Ban Đổi mới Khoa học và Công nghệ trong vòng 177 ngày kể từ khi ra mắt quy trình niêm yết. Theo danh sách 400 Người giàu nhất Trung Quốc năm 2020 của Forbes, thì chủ tịch Đới Lập Trung (Dai Lizhong) của Shengxiang Bio xếp thứ 210 với giá trị tài sản ròng là 17.62 tỷ nhân dân tệ (khoảng 2.645 tỷ USD).
Doanh thu của Adicon Medical Laboratory Co., Ltd. đạt 2.742 tỷ nhân dân tệ (khoảng 412 triệu USD) vào năm 2020 và 3.38 tỷ nhân dân tệ (khoảng 507 triệu USD) vào năm 2021. Xét nghiệm PCR chiếm 2.157 tỷ nhân dân tệ (khoảng 324 triệu USD) trong doanh thu của công ty này trong hai năm đó.
Doanh thu của Wanfu Bio trong quý đầu năm nay là 2.625 tỷ nhân dân tệ (khoảng 394 triệu USD), với lợi nhuận ròng là 904 triệu nhân dân tệ (khoảng 136 triệu USD), tăng 4.8 lần so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Cô Jessica Mao là một nhà văn của The Epoch Times, chuyên về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô bắt đầu viết cho ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times từ năm 2009.