Trung Quốc phong tỏa thành phố 4.5 triệu dân vì dịch bệnh bùng phát mạnh
Người dân Trung Quốc nghi ngờ hiệu quả ngăn chặn virus từ việc chính quyền phong tỏa thành phố 4.5 triệu dân do đợt bùng phát COVID-19 ngày càng trầm trọng.
Sau khi chính quyền Trung Quốc phong tỏa thành phố trực thuộc tỉnh với 4.5 triệu dân do đợt bùng phát COVID-19 ngày càng trầm trọng hơn, người dân địa phương đã nghi ngờ liệu các biện pháp như vậy có thể hiệu quả trong việc ngăn chặn virus này hay không và đổ lỗi cho các nhân viên y tế vì đã gây ra lây nhiễm chéo.
Trường Xuân, thủ phủ của tỉnh Cát Lâm, phía đông bắc Trung Quốc, nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt bùng phát COVID-19 lần này, đã bị phong tỏa hoàn toàn trong ba ngày kể từ ngày 20/03 để đạt được mục tiêu “Zero COVID” của chính quyền Trung Quốc.
Vì Cát Lâm cũng là một trung tâm công nghiệp và có nhiều nhà máy sản xuất xe hơi, nên các chuyên gia tin rằng đợt phong tỏa mới này sẽ làm gián đoạn hơn nữa ngành công nghiệp xe hơi trên toàn cầu vốn đang phải gồng mình giải quyết những tồn đọng của chuỗi cung ứng do đại dịch gây ra.
Theo Ủy ban Y tế Quốc gia của chính quyền Trung Quốc hôm 20/03, có 2,027 ca nhiễm mới được ghi nhận, trong đó tỉnh Cát Lâm có nhiều ca nhiễm nhất, với 1,542 ca mới được chẩn đoán, trong đó có 1,079 ca ở thành phố Trường Xuân và 452 ca ở thành phố Cát Lâm. Cho đến nay, tổng số ca nhiễm được xác nhận ở tỉnh Cát Lâm đã vượt quá 10,000 ca.
Do thông lệ trấn áp thông tin làm tổn hại đến hình ảnh của nhà cầm quyền Trung Quốc, nên các số liệu thông tin chính thức của họ đã bị nhiều người hoài nghi là báo cáo ít hơn so với số lượng thực tế rất nhiều.
Hôm 19/03, chính quyền tỉnh Cát Lâm thông báo rằng tại Trường Xuân, một thành phố với 4.5 triệu cư dân, họ sẽ thực hiện chiến dịch “xóa sổ” để tiến hành xét nghiệm acid nucleic trên toàn thành phố trong ba ngày, phong tỏa tất cả các khu dân cư và cho dừng giao thông đi lại. Đó là một biện pháp sau chuyến thăm của Phó Thủ tướng Chính phủ Trung Quốc Tôn Xuân Lan (Sun Chunlan) tới thành phố này hôm 14/03, trong đó bà Tôn yêu cầu thực hiện [chính sách] “xóa sổ COVID-19 năng động” càng sớm càng tốt.
Hôm 21/03, một nhân viên họ Triệu (Zhao) làm việc tại một khách sạn ở quận Lục Viên (Lvyuan) của Trường Xuân, nói với The Epoch Times Hoa ngữ rằng khách sạn đó bị nhân viên y tế chiếm dụng độc quyền, và hầu như tất cả các khách sạn ở Trường Xuân đều đã bị chính quyền trưng dụng cho các nỗ lực ngăn chặn đại dịch.
“Thành phố Trường Xuân hiện đã đóng cửa hoàn toàn. Chỉ những phương tiện cấp cứu như xe cứu thương mới có thể di chuyển. Họ nói rằng đợt bùng phát dịch này có thể bị xóa sổ trong ba ngày. Điều đó có khả thi không? Có hơn 10,000 người [bị nhiễm]. Không ai có thể khẳng định. Chính quyền cũng không thể,” người nhân viên họ Triệu nói.
Anh Vương Mẫn (Wang Min, hóa danh), một cư dân của khu nhà dành cho công nhân viên, nói với The Epoch Times rằng hơn một chục cư dân đã có kết quả xét nghiệm dương tính, bao gồm cả vợ của anh, người đã được đưa đi cách ly tập trung hôm 18/03.
Anh cho biết trước đó vợ anh đã làm bốn lần xét nghiệm acid nucleic đều cho kết quả âm tính.
“Tôi đã nói với cô ấy không nên xuống dưới để xét nghiệm vì có rất nhiều người đang đợi để được làm và điều đó rất nguy hiểm. Nhưng mà trường học của con chúng tôi yêu cầu kết quả xét nghiệm của cha mẹ.” Vì vậy, vợ anh xuống lầu và xếp hàng để làm xét nghiệm acid nucleic lần thứ năm. Kết quả của lần xét nghiệm này không giống với những lần trước. Và trong lần xét nghiệm tiếp theo đó, cô ấy đã có kết quả dương tính vào ngày 15/03.
Anh Vương nói vợ anh đã bị đưa lên chiếc xe buýt với nhiều người cả bị nhiễm và không bị nhiễm. Sau đó cô được đưa vào một bệnh viện lưu động, ở chung phòng với 30 đến 50 người. Cô đã ở đó nhiều ngày, nhưng không được xét nghiệm cũng không được điều trị, anh cho biết. Những bệnh nhân khác ở đó cũng gặp trường hợp tương tự như vậy.
Anh Vương tin rằng lý do chính khiến COVID-19 lây lan ngày càng trầm trọng ở Trường Xuân là do việc thực hiện xét nghiệm acid nucleic lộn xộn của các nhân viên y tế mà theo anh đã gây ra tình trạng lây nhiễm chéo. Ngoài ra, các nhà chức trách đã không thực hiện bất kỳ biện pháp hữu hiệu nào để chăm sóc cho những người có kết quả xét nghiệm dương tính, anh nói.
Vì Cát Lâm là một trung tâm quan trọng của ngành công nghiệp xe hơi của Trung Quốc, nên sự bùng phát dịch và phong tỏa trên diện rộng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp này. Cả hai nhà máy sản xuất của Toyota và Volkswagen ở Trường Xuân đều bị tạm ngưng sản xuất vô thời hạn và đóng cửa kể từ ngày 14/03.
Ông Frank Xie, một giáo sư tại Đại học Nam Carolina, nói với VOA rằng việc dừng dây chuyền hoạt động của các nhà máy ở Cát Lâm hiện nay có khả năng ảnh hưởng hơn nữa đến chuỗi cung ứng xe hơi toàn cầu, vốn đang phải đối phó với những bế tắc trong nguồn cung ứng do đại dịch gây ra.
“Những vấn đề ở Cát Lâm lần này sẽ có ảnh hưởng đến việc sản xuất và chế tạo xe hơi toàn cầu trong dài hạn, và thậm chí ảnh hưởng đến cả thị trường xe hơi đã qua sử dụng. Việc đóng cửa thành phố (có thể) sẽ kéo dài trong vài tháng, nên ảnh hưởng sẽ là rất lớn.”
Ông Alex Wu là một tác giả của The Epoch Times tại Hoa Kỳ, chuyên về xã hội Trung Quốc, văn hóa Trung Quốc, nhân quyền, và các mối quan hệ quốc tế.
Bản tin có sự đóng góp của Hồng Ninh, Cao Mạc, Lâm Sầm Tâm, và Trường Xuân
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: