Trung Quốc phong tỏa 51 triệu người trong bối cảnh các ca nhiễm COVID tăng
Bên trong một bệnh viện vừa bị phong tỏa của Trung Quốc, nơi được coi là điểm bùng phát COVID-19 mới nhất, các y tá làm việc quá sức đã bắt đầu một trận đấu khẩu với các bác sĩ đang yêu cầu các biện pháp bảo vệ căn bản.
Ở một số trường đại học Trung Quốc, các sinh viên đã bật khóc sau khi một số người bị nhốt trong ký túc xá của họ mà không có nước hoặc nhà vệ sinh.
Ở một số căn hộ cho thuê khác, những người thuê nhà đã sửng sốt khi biết rằng họ phải dọn đồ trong vòng vài giờ vì những gì họ coi là nhà của mình sẽ được chuyển thành các cơ sở cách ly.
Trong tuần qua, những cảnh tượng phẫn nộ đã xuất hiện ở nhiều vùng khác nhau của Trung Quốc khi các quan chức chiến đấu chống lại biến thể “Omicron tàng hình” (stealth omicron) đã thúc đẩy đợt bùng phát được cho là tồi tệ nhất của nước này kể từ khi đại dịch bắt đầu hai năm trước. Trong số các khu vực bị ảnh hưởng có trung tâm công nghệ phía nam của Thâm Quyến, nơi có 17.5 triệu cư dân bị phong tỏa. Thành phố Đông Quan ở đông nam Trung Quốc và tỉnh Cát Lâm ở đông bắc, nơi sinh sống của lần lượt là 10 triệu dân và 24 triệu dân, cũng bị phong tỏa.
Ông Lôi Chính Long (Lei Zhenglong), Phó Giám đốc Cục Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Quốc gia, cho biết hôm 14/03 rằng trong vòng chưa đầy hai tuần kể từ ngày 01/03, Trung Quốc đã ghi nhận hơn 10,000 ca nhiễm ở hầu hết các tỉnh. Ông nói thêm rằng ở một số huyện, dịch bệnh vẫn bùng phát và đang phát triển với một “tốc độ nhanh chóng”.
Từ lâu các nhà phê bình đã nghi ngờ những số liệu chính thức của Bắc Kinh về virus, viện dẫn thông lệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là trấn áp thông tin làm tổn hại đến hình ảnh của họ và sự cần thiết phải duy trì luận điệu tuyên truyền rằng chính quyền đang kiểm soát đại dịch. Tuy nhiên, con số mà ông Lôi đưa ra đánh dấu mức cao nhất được ghi nhận trong nước kể từ tháng 04/2020.
“Làm gì có chuyện chính xác với những số liệu đó”, một người dân từ Trường Xuân, nơi 9 triệu cư dân đã bị nhốt trong nhà của họ từ ba ngày trước, nói với The Epoch Times, khi đề cập đến số lượng ca nhiễm chính thức của Bắc Kinh.
Khi mà hầu hết các quốc gia học cách sống chung với chủng virus này, thì Trung Quốc đại lục lại nằm trong số những quốc gia cuối cùng ủng hộ chính sách “zero COVID”, mặc dù ngày càng có nhiều nghi vấn về việc liệu mục tiêu đó có thể đạt được hay không và những lo ngại về tổn thất ngày càng tăng của chính sách này đối với nền kinh tế.
Hôm thứ Hai (14/03), ông Lôi nhấn mạnh rằng cách tiếp cận mà gần đây nhà cầm quyền gọi là “zero COVID động” là “hoàn toàn có hiệu quả.”
Ông nói: “Chúng ta cần hành động sớm hơn, nhanh hơn, nghiêm ngặt hơn, và triệt để hơn trong việc ứng phó với đại dịch vì virus Omicron đang âm thầm lây lan nhanh chóng.”
‘Chúng tôi cũng có gia đình’
Chính sách này đã thúc đẩy các quan chức trì hoãn các kỳ thi học thuật và thi tuyển công chức, và gần chục thành phố đã tạm ngừng việc học trực tiếp. Nhiều cơ sở giáo dục cao hơn cũng đang cấm sinh viên của họ đặt chân ra khỏi khuôn viên trường.
Nhưng nhìn chung sự căng thẳng đã xuất hiện trong dân chúng.
Tại Bệnh viện Nhân dân số 6 Thượng Hải, nơi bị phong tỏa sau khi một bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, một y tá đầy tâm trạng đã đối diện với một bác sĩ yêu cầu cô chăm sóc bệnh nhân COVID-19 mặc dù không có đầy đủ đồ bảo hộ. Vị bác sĩ này đã nói với cô ấy rằng “COVID-19 không phải là bệnh truyền nhiễm” và dường như đã đánh một nam y tá không chịu tuân thủ.
“Vì anh khẳng định virus này không lây nhiễm, vậy hãy bỏ khẩu trang của anh ra,” nữ y tá hét vào mặt một người đàn ông đối diện cô đang mặc bộ đồ khử nhiễm kín từ đầu đến chân và đeo tấm chắn che mặt trong suốt trong một video lan truyền trên mạng internet của Trung Quốc.
“Anh thử đi hỏi tất cả y tá chúng tôi ở đây mà xem, hầu hết chúng tôi đang phải dùng thuốc ngủ,” nữ y tá tiếp tục. Cô nói thêm rằng họ thức dậy lúc 4 giờ 30 phút sáng để kiểm tra sức khỏe của bệnh nhân và ngủ trên những tấm bìa carton. “Nhịp tim của tôi tối thiểu là 120 … chúng tôi cũng có gia đình chứ.”
Khi giới chức ở Quảng Châu, một thành phố cảng phía nam, đóng cửa một triển lãm giữa chừng khi phát hiện một ca nhiễm virus và giữ khoảng 50,000 du khách ở bên trong để xét nghiệm hàng loạt, một số người đã trèo qua hàng rào để tìm cách ra ngoài.
‘Thật nực cười’
Phản ứng dữ dội cũng xảy ra sau khi các quan chức Thượng Hải đuổi những người thuê nhà mà không có thông báo để tạo không gian cho việc cách ly những người tiếp xúc với virus.
Cô Lý Mẫn (Li Min), người thuê một căn hộ ở quận Từ Vị (Xuhui) cao cấp của thành phố, cho biết cô và khoảng 100 nhân viên văn phòng khác chỉ có hai tiếng hôm 10/03 để dọn ra khỏi tòa nhà chung cư.
Lúc đầu cô đã hoài nghi.
“Đây không phải là một khách sạn, nó là một căn hộ. Một số người trong chúng tôi đã sống ở đây ba hoặc năm năm. Đối với chúng tôi, đây là nhà,” cô Lý, người đã sử dụng bí danh khi nói với giới truyền thông, cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Các cư dân bắt đầu phản đối thông qua tất cả các kênh hiện có, gọi cảnh sát và các quan chức ủy ban khu phố, và cuối cùng chính quyền đã kéo dài thời hạn đến nửa đêm. Các cư dân đã trả tất cả chi phí di dời bằng tiền túi của họ mà “không nhận được một xu bồi thường”, cô Lý nói với The Epoch Times.
“Nếu họ cho chúng tôi ít nhất hai ngày, thì chúng tôi đều có thể hiểu được,” cô nói. “Nhưng họ lại tỏ thái độ như vậy… tại sao các vị lại coi chúng tôi như thể chúng tôi là những người vô gia cư vậy?”
Một quan chức từ Cục Văn hóa và Du lịch thành phố Thượng Hải nói với cô Lý rằng không có ích gì khi phàn nàn với chính quyền vì một nửa số quan chức trong quận của cô đang bị cách ly. Vị viên chức nói rằng lựa chọn tốt nhất của cô là “chuyển ra ngoài càng sớm càng tốt.”
The Epoch Times đã gọi điện hỏi về những tuyên bố của cô Lý liên quan đến việc các quan chức địa phương đang bị cách ly, một nhân viên của chính quyền huyện Từ Vị cho biết họ “có các quy định về việc không tiết lộ và không thể tiết lộ những thông tin như vậy”.
“Đừng làm khó tôi,” nhân viên này nói.
Các quan chức của quận sau đó đã xin lỗi vì khung thời gian quá hạn hẹp, khi nói rằng họ “chịu áp lực đáng kể” trong việc ngăn chặn virus và “phải chạy đua với thời gian”.
Cô Lý để một số trong số 20 hộp đồ đã đóng gói vội vàng của mình ở chỗ bằng hữu của mình và dự định ở khách sạn gần nơi làm việc của cô trong một tuần trong khi cô tìm kiếm căn hộ lâu dài hơn.
“Thật nực cười,” cô nói, khi ám chỉ rằng các chính sách của chính phủ mang tính chính trị hơn là thực tế.
“Họ không muốn công khai thông tin,” cô nói và cho biết thêm rằng các nhà chức trách Thượng Hải sẽ không thể giữ thể diện nếu thừa nhận toàn bộ mức độ của đợt bùng phát này.
Anh Zhou Bin (bí danh), một giám đốc marketing khách sạn từ Thượng Hải, dường như đồng tình với nhận xét này.
Anh Zhou nói với The Epoch Times: “Đợt bùng phát đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Thượng Hải do chính sách COVID-zero. Chính sách này có liên quan đến sự nghiệp của các quan chức địa phương.”
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times. Cô chuyên đưa tin về quan hệ Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền. Quý vị có thể liên lạc với cô tại [email protected].
Bản tin có sự đóng góp của Trường Xuân và Lạc Á
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: