Trung Quốc: Phòng 610 áp dụng biện pháp tẩy não đối với các học viên Pháp Luân Công trong 1 tháng
Theo tin từ trang web Minghui.org có trụ sở tại Hoa Kỳ, trang thông tin dành cho việc bóc trần cuộc bức hại Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng), một tổ chức giống như Gestapo [của Đức Quốc xã] tại một thành phố của Trung Quốc đã giam giữ một nhóm những người có đức tin để tẩy não tại một trung tâm cách ly trong một tháng.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần cổ xưa của Trung Quốc. Môn tu luyện này bao gồm các bài tập tĩnh tại, động tác chậm rãi và những bài giảng về việc thực hành các nguyên lý chân, thiện, nhẫn vào trong cuộc sống hàng ngày.
Phòng 610 ở thành phố Ninh Ba của tỉnh Chiết Giang ở miền đông Trung Quốc, đã giam giữ 10 học viên Pháp Luân Công trong một trung tâm tẩy não địa phương tại thôn Trung Trạm. Cơ sở này nằm trong Trường Đào tạo Kỹ năng Nghề Tượng Sơn Trí Phong, còn được gọi là Trung tâm đào tạo chi nhánh công an huyện Tượng Sơn của Ninh Ba. Tại Trung Quốc đại lục, Phòng 610 là một mạng lưới nằm ngoài vòng luật pháp, có hoạt động bí mật, phủ sóng khắp toàn quốc nhắm mục tiêu vào các học viên Pháp Luân Công. Được đặt biệt danh là “Gestapo” của Trung Quốc, tổ chức này có thẩm quyền sử dụng các nguồn lực khổng lồ của đất nước trong các lĩnh vực an ninh công cộng, viện kiểm sát, tư pháp, và tuyên truyền để đàn áp hàng triệu học viên Pháp Luân Công.
Theo Minghui, quá trình tuyên truyền nhồi sọ này, vốn được ủy ban các vấn đề chính trị và pháp lý địa phương tài trợ, kéo dài tròn một tháng, từ ngày 26/08 đến ngày 28/09.
Người đứng đầu văn phòng 610 địa phương này là ông Đồng Vĩ Xương (Tong Weichang), đã đích thân lên kế hoạch và thực hiện chương trình tẩy não kéo dài một tháng này, với sự trợ giúp của các ‘chuyên gia’ như nhân viên cộng đồng, nhà tâm lý học, cũng như các bậc thầy về khí công học được nhà nước hậu thuẫn hợp tác với Trung Cộng.
Các lớp học tẩy não được lên lịch hàng ngày vào các buổi sáng, chiều, và tối. Các buổi học bao gồm các lớp đọc chuyên sâu, nhằm thuyết phục những người bị giam giữ từ bỏ đức tin của họ bằng cách truyền bá các thông điệp chống lại Pháp Luân Công.
Những người tổ chức khóa học này cũng sử dụng các cuộc trò chuyện một đối một để cưỡng bức các học viên. Một số người bị giam giữ không được phép ngủ vào ban đêm vì từ chối nghe theo mệnh lệnh của những kẻ bức hại này.
Vào cuối chương trình này, những người bị giam giữ đã được các quan chức giám sát họ đón và trả tự do.
Dữ liệu cho thấy ‘tẩy não’ từ lâu đã trở thành một trong những công cụ được Trung Cộng sử dụng thường xuyên nhất để đàn áp các học viên Pháp Luân Công. Một tìm kiếm trên trang Minghui.org cho thuật ngữ Hoa ngữ “lớp học tẩy não” cho kết quả có hơn 64,000 bài báo liên quan. Việc tra tấn tâm lý như vậy là phổ biến ở Trung Quốc đại lục trong tất cả các cấp chính quyền, các nhà máy và cơ quan do nhà nước điều hành, và thậm chí ở các trường học, mặc dù quy mô hoặc thời gian giam giữ [để tẩy não] là khác nhau.
Trong khi đó, giới chức Trung Quốc buộc nhóm học viên này phải chịu các hình thức ngược đãi khác, bao gồm lừa dối, ngồi phạt trong thời gian dài, thiếu ngủ, và tra tấn.
‘Bị tẩy não là một nỗi kinh hoàng’
Những người sống sót sau các nỗ lực tẩy não của Trung Cộng trước đây đã kể lại những trải nghiệm thực tế của họ cho The Epoch Times.
Cô Lily Kong, một thường trú nhân Canada, nhớ lại trải nghiệm 3 tháng của mình tại một trung tâm giáo dục trong một khách sạn ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc vào năm 2003, mặc dù cô không nhớ chính xác tên của khách sạn này do ký ức mơ hồ không rõ của mình.
“Bị tẩy não là một nỗi kinh hoàng,” cô nói với The Epoch Times hôm 26/10. “Đau đớn hơn cả một cú đánh hoặc một cú đá vào cơ thể của quý vị … bởi vì bộ phận quan trọng nhất trong quý vị đang ly khai khỏi quý vị.”
Ở đó, cô không chịu ăn bất cứ thứ gì trong một tuần để phản đối sự đối xử vô nhân đạo này. Tuy nhiên, cuối cùng cô đã từ bỏ khi một số quan chức Trung Cộng đe dọa cô bằng cách bức thực nguy hiểm.
Cô Kong kể lại câu chuyện của một học viên Pháp Luân Công khác có họ là Peng. Cô Peng đã bị tạm giữ tại Trường Giáo dục Pháp luật Quảng Châu trong hơn một năm. Cái gọi là trường học này là một trung tâm tẩy não khét tiếng ở quận Hoàng Phố, thành phố Quảng Châu. Cô Peng nói với cô Kong rằng cô đã bị đánh đập dã man, bị ép uống nước nhà vệ sinh bẩn, và bị xịt hơi cay vào mặt.
Cô Kong đã đào thoát khỏi Trung Quốc vào năm 2013 và tầm cầu sự bảo vệ dành cho người tị nạn của Liên Hiệp Quốc ở Thái Lan. Năm 2018, cô được Canada chấp nhận tị nạn. Hiện tại, cô sống ở Montreal, Quebec.
Công dân Canada Ivy Zhang nói với The Epoch Times hôm 26/10 rằng cô bị giam giữ trong một cơ sở tẩy não ở Trại tạm giam Đào Thụ Bình của thành phố Lan Châu thuộc tỉnh Cam Túc, ở vùng tây bắc Trung Quốc, từ ngày 16/01 đến ngày 19/04/2001.
Trong thời gian giam giữ này, cô đã bị nhốt cùng với hơn 50 học viên Pháp Luân Công khác.
Cô Zhang cho biết giới chức địa phương đã tổ chức cho các quan chức hoặc tuyên truyền viên của Trung Cộng đọc các bài thuyết nói chống Pháp Luân Công, nhưng đã vấp phải sự phản đối từ những người bị giam giữ. Các luận điểm của những diễn giả này đã bị phản bác và họ phải hủy bỏ bài giảng của mình.
Cô Zhang kể lại rằng các học viên Pháp Luân Công không chỉ bị từ chối thăm viếng trong trại giam mà còn bị giám sát nghiêm ngặt, với những ngọn đèn luôn được bật sáng trong phòng giam của họ 24 giờ một ngày.
Sau đó, cô Zhang suýt phải chịu hai cuộc tẩy não khác, lần lượt do quận của cô tổ chức ở Cao Lan Sơn bắt đầu từ tháng 01/2002 và thành phố của cô tổ chức ở Cung Gia Loan vào tháng 04/2003. Tuy nhiên, cuộc bức hại tiếp tục tồi tệ hơn, và tin tức về sự tử thương của những người bị giam giữ cũng như việc tra tấn bắt đầu lan ra thế giới thông qua những người sống sót.
Tháng 04/2013, cô Zhang chuyển đến Canada. Kể từ đó, cô sống ở thành phố Burnaby thuộc tỉnh British Columbia.
Ông Frank Yue là một ký giả tại Canada của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề Trung Quốc. Ông cũng có bằng Thạc sĩ Ngôn ngữ và Văn học Anh tại Đại học Ngoại Ngữ Thiên Tân, Trung Quốc.
Huệ Giao biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: