Trung Quốc phát triển ngư nghiệp ở Nam Thái Bình Dương, Mỹ tăng cường giám sát đánh bắt cá trái phép
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tới quần đảo Nam Thái Bình Dương từ ngày 26/05 đến ngày 04/06 đã đạt được kết quả trong việc thiết lập nhiều thỏa thuận về ngư nghiệp với một số quốc đảo.
Hoa Kỳ và các nước đồng minh nghi ngờ các thỏa thuận này là một nỗ lực ngầm của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm mở rộng ảnh hưởng trong khu vực và khai thác không công bằng ngư nghiệp địa phương.
Trong số những người lo ngại về các thỏa thuận gần đây có ông Charles Edel, chủ tịch chi nhánh Úc của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế – một tổ chức tư vấn chính sách của Hoa Kỳ.
Ông Edel nói: “Trung Quốc đã trở thành thủ phạm đánh bắt cá bất hợp pháp lớn nhất thế giới.”
“Họ đã khiến nguồn cá toàn cầu bị kiệt quệ nghiêm trọng và hủy hoại sinh kế truyền thống của nhiều quốc gia, vì vậy bất kỳ hành động nào được thực hiện để theo dõi, xác định và hạn chế hoạt động như vậy sẽ mang lại lợi ích về môi trường và an ninh cho khu vực.”
Khi ông Vương ký kết các thỏa thuận ở Nam Thái Bình Dương, Lực lượng Tuần Duyên Hoa Kỳ đang tuần tra trong khu vực để giám sát các hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo, và không được kiểm soát (IUU). Lực lượng tuần duyên tiến hành tuần tra IUU thay mặt cho các quốc đảo theo Chiến dịch Thái Bình Dương Xanh (Operation Blue Pacific) của Hoa Kỳ.
Chiến dịch Thái Bình Dương Xanh là một thỏa thuận chấp pháp hàng hải giữa Hoa Kỳ và các quốc đảo Nam Thái Bình Dương, bao gồm Quần đảo Solomon, Kiribati, Samoa, Fiji, Tonga, và Papua New Guinea. Mục đích của chiến dịch là giúp các quốc đảo này bảo vệ nền ngư nghiệp quan trọng về mặt kinh tế của họ. Điều này bao gồm việc ngăn chặn tàu thuyền Trung Quốc tham gia vào các hoạt động đánh bắt IUU.
Hôm 24/04, Tổng thống Joe Biden đã công bố sáng kiến hạn chế đánh bắt cá trái phép ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại Hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ (QUAD) được tổ chức ở Tokyo với sự tham dự của các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Ấn Độ, và Úc.
Kế hoạch của Tổng thống Biden liên quan đến việc sử dụng công nghệ vệ tinh để kết nối một số trung tâm giám sát hiện có trong khu vực nhằm thiết lập một hệ thống theo dõi để giám sát việc đánh bắt IUU trong khu vực Ấn Độ Dương, Đông Nam Á, và Nam Thái Bình Dương.
Một đặc điểm quan trọng của công nghệ theo dõi mới là khả năng xác định và giám sát các tàu đánh cá trái phép vốn cố gắng che giấu vị trí bằng cách tắt các bộ phát tín hiệu của tàu.
Một bản báo cáo do Tổ chức Công lý Môi trường (EJF) có trụ sở tại London công bố ngày 30/03 cho biết, các tàu đánh bắt xa bờ của Trung Quốc thường bị nghi ngờ đánh bắt cá bất hợp pháp, với quy mô đánh bắt lớn nhất trong Khu Đặc quyền Kinh tế Tây Phi, nơi hơn 60% tàu đánh cá sử dụng lưới kéo. Phương pháp đánh bắt gây tranh cãi này “có tính hủy diệt đến mức có thể quét sạch vô số sinh vật biển chỉ trong vài phút.”
Đầu năm 2020, Hải quân Ecuador đã phát hiện 150 tàu cá Trung Quốc vô hiệu hóa hệ thống theo dõi để họ có thể thả lưới kéo cá trái phép ngoài khơi Quần đảo Galapagos. Quần đảo này được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới năm 1978.
Trước đó vào năm 2017, Hải quân Ecuador cũng đã tìm thấy hàng trăm tàu thuyền Trung Quốc trong Khu bảo tồn Biển Galapagos, trong đó có một tàu chở 300 tấn động vật hoang dã biển cần được bảo vệ, chủ yếu là cá mập.
Che dấu quy mô của đội tàu đánh cá
Trong những năm gần đây, số lượng tàu đánh bắt xa bờ của Trung Quốc đã bùng nổ, và con số này vượt xa số tàu đánh cá của Hoa Kỳ. Tàu thuyền Trung Quốc có thể được tìm thấy ở gần như tất cả các vùng biển trên thế giới, bao gồm cả trong vùng đặc quyền kinh tế của một số quốc gia.
Một báo cáo do Viện Phát triển Hải ngoại (ODI) có trụ sở tại London công bố hồi tháng 06/0202 cho biết, từ năm 2017 đến năm 2018, tổng cộng 16,966 tàu đánh cá xa bờ của Trung Quốc đã được giám sát. Trong số này, 927 tàu đã được đăng ký với các quốc gia khác và 183 tàu được phát hiện là liên quan đến đánh bắt IUU. Trong cùng thời gian đó, Hoa Kỳ có ít hơn 300 tàu cá đang hoạt động.
Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc đã bác bỏ những số liệu này trong một báo cáo hồi tháng 11/2020 có nhan đề “Bạch thư về Tuân thủ Hoạt động Đánh bắt cá Xa bờ của Trung Quốc.” Bản báo cáo cho biết Trung Quốc đã chấp thuận cho chỉ 2,701 tàu viễn dương vào cuối năm 2019 và cam kết rằng không quá 3,000 tàu mới sẽ được chuẩn thuận. Số lượng tàu mà Trung Quốc đang cho các nước khác thuê hoặc ký kết các thỏa thuận đánh bắt cá với các nước khác không có trong bản báo cáo.
Báo cáo năm 2020 của ODI cũng tiết lộ rằng các nhà chức trách Trung Quốc đã sử dụng một cơ chế quản lý đồng thuận của Tổ chức Quản lý Ngư nghiệp Khu vực (RFMO) để đặt ra hạn ngạch cao hơn nhằm thu được thị phần đánh bắt cao hơn.
Báo cáo này đã trích dẫn một ví dụ. Trong cuộc họp năm 2014 của Ủy ban Ngư nghiệp Tây và Trung Thái Bình Dương (WCPFC), Trung Quốc đã một mực tăng đội tàu đánh bắt xa bờ của họ trong khu vực từ 100 lên 400 tàu; bất chấp những lo ngại của các nhà khoa học về việc đội tàu hiện tại có khả năng gây nguy hại cho quần thể cá ngừ albacore.
Trung Quốc tăng cường hiện diện ngư nghiệp ở Nam Thái Bình Dương
Mặc dù chuyến công du của ông Vương đem lại một thỏa thuận trong khu vực, nhưng Trung Quốc đã ký các thỏa thuận về ngư nghiệp và thiết lập các nền tảng liên lạc với một số quốc gia trong khu vực.
Hồi tháng 11/2020, Trung Quốc đã ký một biên bản ghi nhớ với Papua New Guinea để đầu tư 200 triệu USD vào một “khu công nghiệp chế biến thủy sản đa chức năng tích hợp” trên đảo Daru, ngoài khơi Eo biển Torres nằm giữa Trung Quốc và Úc.
Trước đó, vào ngày 09/11/2018, Trung Quốc và Fiji đã ký một biên bản ghi nhớ liên quan đến hợp tác về ngư nghiệp trong khu vực và thành lập cơ sở chế biến cá ở Suva, thủ đô của nước này.
Vào tháng 08/2019, truyền thông chính thức của ĐCSTQ, Tân Hoa Xã đã đưa tin doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, Tập đoàn Ngư nghiệp Trung Thủy Viễn Dương (CNFC Overseas Fisheries), đã thiết lập liên kết đối tác với Cộng hòa Vanuatu để xây dựng một nhà máy chế biến cá ngừ ở đó.
Tuy nhiên, ngoài việc sử dụng những giấy phép đánh bắt của địa phương, đội tàu đánh bắt xa bờ của Trung Quốc vẫn tham gia đánh bắt trái phép ở Nam Thái Bình Dương.
Hồi cuối tháng 01/2021, Vanuatu đã bắt giữ hai tàu đánh bắt cá ngừ của Trung Quốc, cáo buộc họ đánh bắt cá trái phép trong vùng lãnh hải của Vanuatu.
Vụ việc ở Vanuatu xảy ra chỉ một tháng sau khi Palau, một quốc đảo khác ở Thái Bình Dương, đã chặn và bắt giữ một tàu cá Trung Quốc trong lãnh hải nước này vì nghi ngờ đánh bắt trái phép hải sâm.
Để cải thiện hình tượng của mình và mở rộng hơn nữa sự hiện diện ngư nghiệp ở Nam Thái Bình Dương, ĐCSTQ đã tổ chức Diễn đàn Hợp tác và Phát triển Ngư nghiệp các Quốc đảo Thái Bình Dương-Trung Quốc lần đầu tiên vào tháng 12/2021. Hội nghị này diễn ra tại Quảng Châu, Trung Quốc, tại đó Trung Quốc tìm cách gia tăng sự hiện diện về ngư nghiệp của nước này trong khu vực và đề nghị thành lập một “cơ chế tham vấn đa phương về ngư nghiệp liên chính phủ” nhằm giải quyết vấn đề đánh bắt IUU.
Việc khai thác nhiều kỷ lục làm giảm trữ lượng hải sản ở Thái Bình Dương
Mặc dù nhiều hòn đảo ở Nam Thái Bình Dương có dân cư thưa thớt, nhưng vùng đặc quyền kinh tế của khu vực này lại rộng lớn và phong phú với nhiều loại cá. Riêng cá ngừ đã chiếm hơn một nửa tổng nguồn cung cấp toàn cầu. Tuy nhiên công nghệ đánh bắt cá của các quần đảo lại kém phát triển.
Ví dụ, diện tích đất liền của 33 hòn đảo của Kiribati là 7,500 km vuông với dân số chỉ hơn 120,000 người; nhưng vùng đặc quyền kinh tế của nước này (cách bờ biển 200 hải lý), có diện tích vùng biển 3.44 triệu km vuông khiến việc giám sát các hoạt động của các tàu đánh bắt xa bờ trở nên khó khăn. Nói một cách tương quan, diện tích biển của Kiribati có kích thước gần bằng vùng biển của Trung Quốc, 3.88 triệu km vuông.
Đội tàu đánh cá xa bờ của Trung Quốc đã duy trì sự hiện diện dày đặc tron gkhu vực Thái Bình Dương. Số lượng tàu đã tăng gấp năm lần kể từ năm 2012 và vẫn đang tiếp tục tăng. Năm 2016, tổng số tàu được cấp phép của Trung Quốc ở Thái Bình Dương là 290 chiếc, nhiều hơn 50 chiếc so với toàn bộ tàu của các quốc gia Thái Bình Dương cộng lại.
Việc đánh bắt cá số lượng lớn trong những năm gần đây đã khiến trữ lượng hải sản của Thái Bình Dương giảm sút. Theo WCPFC, sản lượng khai thác cá ngừ của khu vực này đã tăng lên hàng năm và đạt mức kỷ lục 2.989 triệu tấn vào năm 2019. Nhưng đồng thời, trữ lượng cá ngừ vây xanh Thái Bình Dương đã bị khai thác cạn kiệt. Năm 2020, tổng sản lượng khai thác cá ngừ đại dương giảm xuống còn 2.668 triệu tấn, giảm 320,000 tấn so với năm trước.
Bà Jennifer Bateman là một cây viết chuyên về tin tức tại Trung Quốc.