Trung Quốc phát sóng ‘lời thú tội gián điệp’ của công dân Đài Loan, đây là cái bẫy?
Việc Truyền thông nhà nước Trung Quốc phát sóng một doanh nhân Đài Loan bị cưỡng ép thú nhận tội gián điệp đã gây ra một sự náo động ở Đài Loan. Chính phủ Đài Loan tố cáo động thái này là thao túng chính trị và là một cái bẫy.
Trong buổi phát sóng ngày 11 tháng 10 của chương trình truyền hình có tên Focus Talk trên đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV, doanh nhân Đài Loan 45 tuổi Lee Meng-chu, còn được gọi là Morrison Lee, đã xin lỗi “đất mẹ” của mình. Chương trình cáo buộc Lee là “gián điệp Đài Loan.”
Ông Lee nói: “Tôi cảm thấy rất hối hận vì những điều khủng khiếp mà tôi đã làm trong quá khứ”. Ông cũng lên án “các cuộc biểu tình bạo lực” ở Hồng Kông.
Cũng trong ngày 11/10, CCTV đã báo cáo rằng trường hợp của Lee nằm trong số “hàng trăm trường hợp gián điệp của Đài Loan” bị phanh phui và bắt giữ sau một chiến dịch đặc biệt có tên “Thunder-2020”.
Vài giờ sau, truyền thông nhà nước Trung Quốc phát sóng một trường hợp cưỡng ép nhận tội khác của một giáo sư Đài Loan tại Praha, người này đã thừa nhận là gián điệp chống lại Trung Quốc đại lục. Ông bị bắt tại đại lục vào tháng 4 năm ngoái, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông.
Cưỡng ép nhận tội
Lời thú nhận trên truyền hình của ông Lee là ví dụ mới nhất về hoạt động trích xuất những lời thú tội từ những người bị ép buộc ở Trung Quốc. Trong hầu hết các lần, những lời nhận tội này được phát sóng trước khi có thủ tục tố tụng tư pháp, vì luật pháp Trung Quốc cho phép cảnh sát giam giữ các nghi phạm ít nhất 37 ngày trước khi công tố viên chấp thuận việc bắt giữ.
Chương trình CCTV đã cáo buộc Lee muốn “gây dựng vốn liếng chính trị” bằng cách đến Hồng Kông vào tháng 8 năm ngoái và chụp ảnh các cuộc biểu tình ở địa phương. Điều này cũng cáo buộc Liên minh Liên Hợp Quốc Đài Loan (TAIUNA) là một tổ chức “Đài Loan độc lập”. TAIUNA là tổ chức phi chính phủ Đài Loan được thành lập vào năm 2003 và ủng hộ Đài Loan gia nhập Liên Hợp Quốc. Lee là giám đốc của tổ chức này. Trong cuộc phỏng vấn với CCTV, Lee buộc phải thừa nhận rằng ông đã bị “lôi kéo vào” một vòng tròn những người “Đài Loan độc lập”.
Trung Quốc tuyên bố coi Đài Loan là một khu tự trị thuộc một phần lãnh thổ của mình và quy chụp bất kỳ cá nhân và nhóm nào thúc đẩy sự hiện diện quốc tế của Đài Loan là “lực lượng ly khai” hoặc “thế lực độc lập”. Đài Loan mất ghế tại Liên Hợp Quốc vào tay chính quyền Trung Quốc sau khi tổ chức thế giới này thông qua Nghị quyết 2758 vào năm 1971.
Phản ứng của Đài Loan
Sự xuất hiện được cho là bị ép buộc của Lee trên CCTV đã khiến Đài Loan quan ngại sâu sắc. Hai đảng đối lập – Đảng Nhân dân Đài Loan và Đảng Xây dựng Nhà nước Đài Loan – đều lên án Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Một số nhà lập pháp từ Đảng Dân Tiến (DPP) cầm quyền, cũng như Phó Tổng thống và Thủ tướng đương nhiệm cũng đều chỉ trích Bắc Kinh về động thái này.
Hội đồng Các vấn đề Đại lục của Đài Loan (MAC), một cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm về các vấn đề xuyên eo biển, trong một tuyên bố hôm 11/10 nói rằng cáo buộc sai trái của Bắc Kinh với ông Lee là một “cường điệu chính trị ác ý” nhằm phá hoại mối quan hệ giữa hai bên eo biển. MAC cũng kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt thông lệ bắt người khác thú tội trước camera càng sớm càng tốt vì hành động này “không phù hợp với quy trình xét xử hợp pháp” và “vi phạm nhân quyền tư pháp”.
Chen Ya-lin, người bạn lâu năm của Lee, đã từng là Thị Trưởng của Thị trấn Fanglian của Đài Loan sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử địa phương vào tháng 11 năm 2018. Ông bày tỏ trên trang Facebook của mình rằng việc Lee bị ép buộc phải thú nhận và việc máy bay quân sự Trung Quốc thường xuyên xâm nhập vào không phận Đài Loan trong những tháng gần đây đã chứng minh rằng “chế độ [Trung Quốc] đang ở trong tình trạng thảm khốc.”
Vụ mất tích bất thường
Lee mất tích lần đầu ở Trung Quốc vào tháng 8 năm ngoái. Trong hơn 3 tuần, không ai biết tung tích của ông cho đến khi Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc, một cơ quan trực thuộc Quốc vụ viện, tuyên bố rằng ông đang bị điều tra vì “các hoạt động tội phạm bị nghi ngờ gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của [Trung Quốc]” vào ngày 11/9/2019.
Lee đã đến Hồng Kông vào ngày 18/8 năm ngoái để du lịch, theo Hãng thông tấn Trung ương (CNA) do chính phủ Đài Loan điều hành, trích dẫn một cuộc phỏng vấn với ông Chen. Vào ngày đến Hồng Kông, Lee đã gửi những bức ảnh mà ông chụp được về các cuộc biểu tình ở Hồng Kông tại địa phương cho Chen. Sau đó Lee đi đến thành phố Thâm Quyến – khu đô thị của Trung Quốc đại lục tiếp giáp với Hồng Kông – để công tác vào ngày hôm sau.
Năm 2019, phong trào biểu tình lớn đã nổ ra ở Hồng Kông sau khi chính phủ Hồng Kông ban hành dự luật cho phép dẫn độ các cá nhân sang Trung Quốc đại lục để xét xử. Kể từ đó phong trào này đã phát triển thành một nỗ lực ủng hộ dân chủ nhằm đẩy lùi sự xâm phạm của Bắc Kinh vào các vấn đề hàng ngày của Hương Cảng và ủng hộ quyền phổ thông đầu phiếu trong các cuộc bầu cử của thành phố.
Ông Chen cho biết ông đã nhận được một bức ảnh do ông Lee gửi qua một ứng dụng nhắn tin, về các cuộc tập hợp của quân đội Trung Quốc ở Thâm Quyến trước khi ông Lee mất tích. Cuộc nói chuyện điện thoại cuối cùng của họ diễn ra vào sáng ngày 20 tháng 8. Ông Lee nói không rõ mình có chụp ảnh quân đội hay không.
Vào khoảng tháng 8/2019, có nhiều đồn đoán ở Hồng Kông rằng chính quyền Trung Quốc có thể đưa quân đội vào thành phố để dập tắt các cuộc biểu tình đang leo thang. Ngày 14/8/2019, quân đội Trung Quốc cho biết trên mạng xã hội rằng quân của họ tại Trung tâm Thể thao Vịnh Thâm Quyến có thể đến Hồng Kông trong vòng 10 phút.
Do đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 30/11/2019 đưa tin rằng, công tố viên của Thâm Quyến đã phê chuẩn việc bắt giữ ông Lee một tháng trước đó, vì các tội danh bị tình nghi là “gián điệp” và “cung cấp trái phép bí mật quốc gia” cho nước ngoài.
Các cáo buộc bắt nguồn từ chuyến đi của ông đến Hồng Kông, nơi ông được cho là đã lên tiếng ủng hộ các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, và từ bức ảnh ông gửi. Các công tố viên Trung Quốc cho rằng đây là bằng chứng chứng minh ông đã “lẻn vào” Trung Quốc để “do thám bí mật quân sự”, theo phương tiện truyền thông Trung Quốc.
Đài Loan ‘dậy sóng’
Phó Tổng thống Đài Loan William Lai phát biểu với truyền thông địa phương hôm 12/10 rằng chế độ Trung Quốc đang “bày trò” bằng cách bắt giữ một người nào đó trước, sau đó buộc người đó phải thú tội.
“Những lời đe dọa quân sự và hùng biện không có tác dụng với người Đài Loan. ĐCSTQ không nên quá ngây thơ khi tin rằng màn kịch này sẽ ảnh hưởng đến người dân Đài Loan. Tôi tin rằng Trung Quốc nên đáp lại lời kêu gọi của Tổng thống Thái Anh Văn vào ngày Quốc khánh”, ông Lai nói.
Vào ngày 10/10, ngày Quốc khánh của Đài Loan, bà Thái đã có bài phát biểu kêu gọi Bắc Kinh từ bỏ đối kháng và thể hiện sự tôn trọng để Bắc Kinh và Đài Bắc có thể tổ chức “cuộc đối thoại có ý nghĩa”. Đáp lại thái độ hòa giải của bà Thái, Bắc Kinh phản ứng với thái độ thù địch. Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc cáo buộc bà có tâm lý “đối đầu và thù địch”.
Ông Wang Ting-yu, một nhà lập pháp của Đảng Dân Tiến, đã đăng một video trên tài khoản Facebook của mình nói rằng Bắc Kinh đang bịa đặt các cáo buộc sai sự thật. “Nếu ĐCSTQ muốn bạn phạm tội gạ gẫm gái mại dâm, bạn sẽ phạm tội này. Nếu họ muốn bạn phạm tội gián điệp, bạn sẽ trở thành gián điệp. Nếu họ muốn bạn biến mất, bạn sẽ biến mất”, ông Wang nói.