Trung Quốc: Nước ngầm ô nhiễm nghiêm trọng, Bộ Thủy lợi thừa nhận rất khó để kiểm soát
Quy định về quản lý nước ngầm mà Trung Cộng ban hành gần đây đã khơi dậy sự chú ý của mọi tầng lớp xã hội về tình trạng ô nhiễm nước ngầm ở Trung Quốc. Các cuộc điều tra chính thức trước đây cho thấy hơn 80% nguồn nước ngầm ở Trung Quốc Đại lục đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Các chuyên gia cho biết ô nhiễm nước ngầm ở Đại lục là do các chính sách sai lầm, đây là một thảm họa do con người gây ra.
Vào ngày 22/11, tại một cuộc họp giao ban chính sách do Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước của Trung Cộng (ĐCSTQ) tổ chức, Bộ Thủy lợi và Bộ Tư pháp đã giới thiệu “Quy định về quản lý nước ngầm” sẽ được thực hiện vào ngày 1/12 năm nay.
Các quan chức tiết lộ tại cuộc họp rằng, tài nguyên nước ngầm của Trung Quốc vào năm 2020 là 855.35 tỷ mét khối, và lượng tài nguyên nước ngầm không trùng với nước mặt là 119.82 tỷ mét khối. Các nhà chức trách đã đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề nghiêm trọng của việc khai thác quá mức nguồn nước ngầm. Hiện nay, 21 tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc Trung Quốc đều đang tồn tại vấn đề khai thác quá mức, một số khu vực còn khai thác nước ngầm tầng sâu.
Tổng diện tích khai thác quá mức nước ngầm là 280,000 km vuông, với mức khai thác quá mức bình quân hàng năm là 15.8 tỷ mét khối, trong đó vấn đề khai thác quá mức nước ngầm ở Hoa Bắc là nghiêm trọng nhất.
Khai thác quá mức nước ngầm sẽ khiến mực nước hạ thấp, làm khô các tầng chứa, cạn kiệt nguồn nước, gây ra các vấn đề như sụt lún đất, sông hồ bị thu hẹp, nước biển xâm thực và suy thoái hệ sinh thái v.v.
Các quan chức còn tiết lộ rằng, vấn đề ô nhiễm nguồn nước ngầm cũng rất nổi cộm. Việc xả nước thải công nghiệp, nông nghiệp, nước thải sinh hoạt đô thị đã dẫn đến nguồn nước ngầm bị ô nhiễm.
Ô nhiễm là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến chất lượng nước ngầm. Theo Bản tin Quốc gia về Môi trường sinh thái Trung Quốc năm 2020, trong số 10,242 điểm quan trắc tập trung vào việc giám sát chất lượng nước ngầm tầng nông thì số điểm đo được chất lượng nước loại I đến loại III chiếm 22.7%, loại IV là 33.7% và loại V là 43.6%. Tổng cộng đã có hơn 80% nguồn nước ngầm bị đe dọa bởi ô nhiễm, và một số khu vực bị ô nhiễm kim loại nặng và chất hữu cơ độc hại ở một mức độ nhất định.
Nước ngầm ở đồng bằng sông Châu Giang, Quảng Đông chứa lượng Asen cao gấp 15 lần tiêu chuẩn
Giáo sư John A. Cherry, một nhà địa chất thủy văn nổi tiếng người Canada, người lâu năm nghiên cứu các vấn đề về nước ngầm ở Đại lục, đã đến thăm Hồng Kông vào năm 2016. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Oriental Daily News, ông thẳng thắn tuyên bố rằng nước ngầm tại nhiều vùng nông thôn ở Trung Quốc đại lục đã bị ô nhiễm, thậm chí có tới 80% nguồn nước ở một số vùng nông thôn có vấn đề.
Ngay từ năm 2012, ông Cherry đã cùng với các chuyên gia Hồng Kông và Đại lục đến khu vực đồng bằng sông Châu Giang để khai thác nước ngầm và tiến hành hóa nghiệm, họ phát hiện ra rằng nước ở địa phương này chứa tới 161 microgam asen mỗi lít, gấp hơn 15 lần tiêu chuẩn của WHO. Nếu trẻ nhỏ uống nước có hàm lượng Asen trên 50 microgam/lít trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển nhận thức, nếu trực tiếp bơm để tưới thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và làm cho cây trồng có lượng độc tố cao.
Chuyên gia tiết lộ nguyên nhân ô nhiễm nguồn nước ngầm
Vào năm 2013, Mã Trung, trưởng khoa Môi trường thuộc Đại học Nhân Dân Trung Quốc, đã dẫn đầu việc hoàn thành một cuộc khảo sát mang tên “Tăng cường giám sát việc xả thải chất ô nhiễm dưới lòng đất và bảo vệ nước ngầm”. Cuộc điều tra cho thấy các doanh nghiệp có thể đã bí mật thải 16 tỷ tấn nước thải công nghiệp xuống dưới lòng đất mỗi năm.
Về vấn đề khai thác quá mức và ô nhiễm nguồn nước ngầm, Tiến sĩ Vương Duy Lạc, một chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực bảo tồn nước và bảo vệ sinh thái môi trường phân tích rằng, nguyên nhân chính là ô nhiễm công nghiệp, là bởi vì ĐCSTQ đã hy sinh môi trường cho sự phát triển nhanh chóng của công nghiệp nhằm lấp đầy những thành tựu chính trị của mình. Sau khi nước ngầm sâu bị khai thác quá mức, ĐCSTQ lại đẩy nước thải xuống, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm tầng trung và tầng sâu.
Ông Vương Duy Lạc cho biết: “Nước ngầm tầng trung và tầng sâu chủ yếu là được nạp lại bằng nước thải. Bởi vì việc bổ sung nước ngầm ở tầng trung và tầng sâu tương đối chậm, nếu bạn chỉ khai thác mà không bổ sung, mặt đất sẽ sụp đổ do trở nên trống rỗng. Rất nhiều nhà khoa học ở Trung Quốc đã nghĩ ra một biện pháp, nói rằng chúng ta nạp lại nước ngầm. Mà nước mặt ở Trung Quốc không sạch và bị ô nhiễm nên khi nạp lại nước ngầm bằng nước mặt, nước ngầm cũng bị ô nhiễm theo. Ô nhiễm nước ở Trung Quốc là một thảm họa do con người tạo ra. Tôi nghĩ nguyên nhân ô nhiễm chỉ có một, chính là chế độ này bị ô nhiễm rồi”.
Do Lí Tịnh, Lí Khung thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc trên Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: