Trung Quốc – nơi phụ nữ bị vùi dập và ngược đãi
Người ta nói với chúng ta rằng các công ty ở Trung Quốc đang tuyển dụng nhiều phụ nữ hơn, thậm chí mang đến cho họ nhiều cơ hội thành công hơn nữa.
Cuối cùng, sau nhiều năm bị áp bức, phụ nữ Trung Quốc cũng được coi là bình đẳng. Đầu năm nay, để đánh dấu Ngày Quốc tế Phụ nữ, Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải đã rung một hồi chuông để tán dương các thành viên nữ của mình. Thật là tráng lệ. Có cách nào tôn vinh phụ nữ cao quý hơn thế không? Có vinh dự nào cao hơn rung chuông không?
Nếu quý vị phát hiện ra sự mỉa mai châm biếm, thì chương trình phát hiện mỉa mai của quý vị đang hoạt động vô cùng tốt.
Không hài lòng với việc rung chuông, Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) đã tiến thêm một bước nữa — gần đây họ đã đưa cô Vương Á Bình (Wang Yaping) trở thành nữ phi hành gia đầu tiên của nước này.
Tuy nhiên, những cử chỉ “tử tế” lác đác như vậy với nữ giới không nên làm chúng ta bị đánh lạc hướng khỏi sự thật rằng: Trung Quốc là nơi phụ nữ bị vùi dập và ngược đãi. Việc đưa một người phụ nữ vào vũ trụ không thay đổi thực tế này.
Phong trào ‘MeToo’ du nhập vào Trung Quốc
Hồi đầu tháng 11, ngôi sao quần vợt Trung Quốc Bành Soái (Peng Shuai) đã tố cáo ông Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli), cựu phó thủ tướng, tấn công tình dục mình. Trong một bài đăng trên mạng xã hội, cô Bành Soái cho hay ông Cao Lệ, một cựu Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Cộng, đã cưỡng bức cô tại nhà riêng của ông ta ngay cả khi cô khóc lóc và van nài ông ta dừng lại.
Vài tuần trước khi có những cáo buộc gây xôn xao của cô Bành Soái, ông Lý Dương, tác giả gây tranh cãi của Crazy English, một phương pháp học tiếng Anh phi truyền thống, đã bị buộc tội bạo hành thân thể. Bà Kim Lee, vợ cũ của ông Lý, đã đưa ra những cáo buộc này. Bà Lee viết, “Mười năm trước, Lý Hoa [con gái út, 12 tuổi] đã cứu tôi khỏi thói vũ phu của anh. Hôm nay, Lý Na [con gái lớn, 15 tuổi] đã phải cứu Lý Hoa khỏi thói vũ phu của anh. Anh không thay đổi chút nào cả.”
Bà Lee tiếp tục, “khi đánh tôi, anh nói đó là văn hóa Trung Quốc. Tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ly hôn với anh. Bởi vì anh là cha của các con tôi, tôi đã tha thứ cho anh. Tôi chúc mừng anh đã kết hôn với một phụ nữ trẻ, và có một em bé mới.”
Loại đàn ông nào mà lại dọa dẫm và đe dọa phụ nữ và trẻ em gái như vậy? Đáng buồn thay, ở Trung Quốc cộng sản, ông Lý Dương không phải là một ngoại lệ. Trên thực tế, hành vi bạo hành của ông ta được coi là bình thường.
Năm năm trước, Bắc Kinh đã ban hành Luật Bạo lực Gia đình đầu tiên của Trung Quốc. Luật này có giúp phụ nữ Trung Quốc an toàn hơn không? Câu trả lời dường như là một chữ không vang dội. Cứ 7.4 giây, ở đâu đó trên đất nước này lại có một phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình. Cứ 4 phụ nữ ở Trung Quốc thì có 1 người từng bị bạo lực gia đình. Ở một đất nước có 701 triệu phụ nữ, có quá nhiều phụ nữ đã quen với việc bị bạo hành thân thể. Khá vô lý, việc đánh đập vợ thường được coi là một dạng “quyền lực gia trưởng”.
Ở Tân Cương, nơi hàng ngàn người vô tội đang bị “cải tạo”, người ta cho rằng phụ nữ Duy Ngô Nhĩ đã tiếp tục bị cưỡng bức, bị hành hung, và tra tấn nhiều lần. Nhiều người đã nếm trải việc bị triệt sản cưỡng bức.
Không phân biệt tuổi tác, phụ nữ ở Trung Quốc là nạn nhân của những tội ác kinh hoàng. Năm ngoái, một bé gái 4 tuổi ở tỉnh Hắc Long Giang đã suýt bị người cha 28 tuổi và bạn gái 30 tuổi của anh ta đánh tử vong. Đứa trẻ đã bị đánh đập và bị làm bỏng nước sôi một cách có hệ thống. Theo báo cáo, bé gái đã bị đập đầu vào tường; chỉ riêng lần đó đã dẫn đến việc bé bị gãy xương mũi và chèn ép não. Điều gì khiến các bé gái và phụ nữ bị thù ghét như vậy?
Theo nhà nghiên cứu Winter Wall, chính sách một con của Trung Cộng, vốn mới bị loại bỏ cách đây vài năm, đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra một môi trường thù địch đối với phụ nữ. Liệu chính sách ba con mới của Trung Cộng có thay đổi được mọi thứ? Tôi có những nghi ngờ của mình. Như ông Wall đã lưu ý, trẻ em nam được coi là có giá trị hơn đối với gia đình; hơn nữa, khi cha mẹ bước vào tuổi già, con trai có nhiệm vụ chăm sóc họ. Trong khi đó, khi đã kết hôn phụ nữ thường chăm sóc cha mẹ chồng.
Hơn nữa, Trung Quốc có một lịch sử lâu đời về nạn sát hại bé gái sơ sinh. Mặc dù tập tục đó hiện đã bị cấm ở nước này, nhưng có mọi lý do để tin rằng chu trình lạm dụng phụ nữ này sẽ tiếp tục.
Trong báo cáo bình đẳng giới mới nhất của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 108, thấp hơn Liberia, quốc gia thực hiện cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ với tần suất đáng báo động, và Nepal, quốc gia có nạn tảo hôn.
Đáng chú ý như The Economist gần đây đã lưu ý, kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, thứ hạng bình đẳng giới của Trung Quốc đã giảm mạnh. Trong năm đó, Trung Quốc đứng thứ 69 trong danh sách. Điều này nói cho chúng ta biết điều gì về ông Tập và Trung Cộng? Chừng nào ông Tập và Trung Cộng vẫn còn nắm quyền, rất khó để biết được thái độ đối với phụ nữ sẽ thay đổi như thế nào.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Tác phẩm của ông đã được xuất bản bởi những tờ báo như New York Post, Sydney Morning Herald, Newsweek, National Review, The Spectator US cùng những tờ báo danh tiếng khác. Ông cũng là một chuyên gia tâm lý xã hội, rất quan tâm đến rối loạn chức năng xã hội và sự thao túng của truyền thông.
Yến Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: