Trung Quốc nới lỏng quy định về thị thực nhằm dụ dỗ du khách sử dụng vaccine nội địa
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hôm 15/03, những người nước ngoài tìm cách nhập cảnh vào Trung Quốc có thể chích ngừa vaccine COVID-19 của Trung Quốc để giảm bớt gánh nặng về giấy tờ thị thực.
Quy tắc thị thực mới này, có hiệu lực từ ngày 15/03, đánh dấu nỗ lực mới đây nhất của Bắc Kinh nhằm thu hút sự quan tâm của quốc tế đối với loại vaccine sản xuất trong nước này.
Theo thông báo hôm 12/03 của văn phòng ủy viên đối ngoại của Trung Quốc tại Hồng Kông, du khách nước ngoài đến Trung Quốc để làm việc và thân nhân của họ chỉ cần cung cấp các giấy tờ theo như yêu cầu trước thời điểm đại dịch bắt đầu, sau khi xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng.
Ông Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết tại cuộc họp thông báo hôm 15/03 rằng quyết định này được đưa ra “nhằm mục đích nối lại các chuyến đi lại quốc tế một cách có trật tự.”
“Trung Quốc sẵn sàng thúc đẩy việc công nhận qua lại với các nước khác về việc tiêm chủng,” ông nói. Mặc dù ông Triệu không nói rõ việc nới lỏng thị thực sẽ được áp dụng rộng rãi như thế nào, nhưng các thông báo tương tự đã xuất hiện trên trang web của khoảng hơn chục đại sứ quán Trung Quốc, bao gồm cả các đại sứ quán tại Israel, Thái Lan, Philippines và Việt Nam.
Chính quyền Trung Cộng đã quảng bá vaccine tự sản xuất của nước này ra toàn cầu, xuất cảng “viện trợ vaccine” cho 69 quốc gia vào cuối tháng Hai, đồng thời truyền tải thông tin sai lệch để làm mất uy tín của các vaccine đối thủ của nước này.
Trong khi đó, các thử nghiệm vaccine của Trung Quốc trên khắp thế giới đã nhận được kết quả mờ nhạt.
Tại Brazil, vaccine CoronaVac do công ty Sinovac của Trung Quốc phát triển cho thấy có tỷ lệ hiệu quả 50,4%, hầu như không vượt qua ngưỡng phê duyệt theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới. Tại Indonesia, các nhà chức trách cho biết các liều CoronaVac đạt hiệu quả khoảng 65,3%.
Vaccine đơn liều của hãng CanSino có trụ sở tại Thiên Tân đã báo cáo tỷ lệ bảo vệ là 65,7%. Vào cuối tháng 12/2020, công ty nhà nước Sinopharm, một công ty sản xuất vaccine COVID-19 khác của Trung Quốc, cho biết vaccine của họ đạt hiệu quả 79,3% dựa trên dữ liệu tạm thời; so với vaccine Pfizer và Moderna ở Hoa Kỳ thì chỉ số này là hơn 90%.
Vào tháng Ba, người dân Peru mở đầu một cuộc tranh luận gay gắt về việc liệu có nên tiếp tục sử dụng hai loại vaccine do Sinopharm phát triển hay không, sau khi một nhà khoa học Peru tiết lộ rằng vaccine của công ty này chỉ có hiệu quả từ 11,5% đến 33,3%.
Hiện không một nhà sản xuất dược phẩm Trung Quốc nào công khai chi tiết dữ liệu thử nghiệm lâm sàng của họ.
Những lo sợ về tính an toàn cũng đã gây nên trở ngại lớn đối với những nỗ lực tiêm chủng của chế độ này.
Hồng Kông, nơi đã phân phối gần 92,000 liều CoronaVac cho người dân, đã ghi nhận 69 trường hợp phản ứng tiêu cực tính đến ngày 12/03. Ít nhất bảy người đã tử vong sau khi chích ngừa vaccine và hai người bị liệt cơ mặt. Các chuyên gia y tế đã không tìm thấy mối liên hệ nào giữa các ca tử vong và loại vaccine này nhưng vẫn đang xem xét tiến triển của các triệu chứng tê liệt ở hai bệnh nhân.
Đội tuyển Olympic của Nhật Bản đã từ chối việc Trung Quốc đề nghị chích ngừa cho các vận động viên của nước này mặc dù Ủy ban Olympic Quốc tế đã đồng ý mua vaccine của Trung Quốc phục vụ cho Thế vận hội Mùa hè Tokyo và Thế vận hội Mùa đông 2022 ở Bắc Kinh.
“Tôi không nghe bất kỳ công ty Trung Quốc nào đã nộp đơn xin phê duyệt ở Nhật Bản,” Bộ trưởng Olympic của Tokyo nói với đài phát thanh công NHK của nước này.
Hoa Kỳ đã công bố kế hoạch làm việc với các đồng minh Nhật Bản, Ấn Độ và Úc để thúc đẩy phân phối vaccine COVID-19 ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Ông Trần Khuê Đức (Chen Kuide), một học giả bất đồng chính kiến người Trung Quốc, nói với The Epoch Times rằng chế độ này đã coi ngoại giao vaccine là một trong những mục tiêu hàng đầu của họ để “bịt miệng” các nước nhận vaccine và chặn đứng những chỉ trích về tính minh bạch xung quanh nguồn gốc của virus.
“Có thể đã có rất nhiều phản ứng ngược, nhưng điều đó vượt quá những gì họ có thể giải quyết, bởi vì đây [vaccine] đang là vấn đề cấp bách nhất,” ông nói.
Do Eva Fu thực hiện
Hạo Văn biên dịch
Xem thêm: