Trung Quốc nới lỏng các hạn chế đại dịch đối với hàng nhập cảng không thuộc chuỗi cung ứng lạnh
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gần đây đã nới lỏng các biện pháp kiểm soát đại dịch áp đặt đối với hàng nhập cảng không thuộc chuỗi cung ứng lạnh.
Hôm 12/07, cơ quan y tế hàng đầu của Trung Quốc thông báo rằng việc xét nghiệm acid nucleic và chất khử trùng sẽ không còn bị áp dụng đối với “hàng hóa nhập cảng không thuộc chuỗi cung ứng lạnh có rủi ro thấp”, nhưng hàng hóa được coi là có nguy cơ lây truyền cao vẫn sẽ được khử trùng.
Thông báo trên được đưa ra khi chính quyền này báo cáo dữ liệu kinh tế quý II của mình giảm mạnh, nhấn mạnh cái giá của chính sách zero-COVID của chính quyền và thách thức mục tiêu cả năm của Bắc Kinh. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 0.4% so với một năm trước đó, mức tăng tệ nhất kể từ khi quốc gia này bắt đầu ghi nhận dữ liệu vào năm 1992.
Theo thông báo của cơ quan y tế, việc dỡ bỏ các biện pháp nhằm mục đích “thực hiện vững chắc” chính sách “zero-COVID linh hoạt” đồng thời đảm bảo nền kinh tế, chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng ổn định.
Trung Quốc đã đổ lỗi cho các quốc gia khác gây ra bùng phát đại dịch ở nước này và truyền thông nhà nước của họ đã đưa tin về luận điệu của chính phủ rằng COVID-19 đã được phát hiện trên thực phẩm đông lạnh nhập cảng, bưu kiện quốc tế và thậm chí cả quần áo từ Nam Hàn.
Yêu cầu khử trùng nghiêm ngặt và kiểm tra PCR đã được áp dụng đối với thực phẩm đông lạnh nhập cảng sau một loạt vụ lây nhiễm giữa các công nhân tại một chợ thực phẩm bán buôn ở Bắc Kinh vào tháng 06/2020.
Sáu tháng sau, Bắc Kinh cũng khuyên nên xét nghiệm trên các sản phẩm trong môi trường xung quanh, với các video trực tuyến cho thấy chất khử trùng được rải lên các bưu kiện trên băng chuyền ở một bưu điện Trung Quốc.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết nguy cơ nhiễm virus Trung Cộng khi tiếp xúc với các bề mặt bị ô nhiễm là thấp.
Ông Emanuel Goldman, giáo sư vi sinh học tại Đại học Rutgers, đã viết trong một bài báo cho tạp chí y khoa The Lancet vào tháng 07/2020 rằng “cơ hội lây truyền qua các bề mặt của vật thể không có sự sống là rất nhỏ” và nguy cơ lây truyền bị “phóng đại”. Ông nói thêm rằng sự lây truyền như vậy xảy ra “chỉ trong trường hợp một người bị nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi trên bề mặt và người khác chạm vào bề mặt đó ngay sau khi ho hoặc hắt hơi (trong vòng 1–2 giờ).”
Các đợt phong tỏa và yêu cầu xét nghiệm của Trung Quốc đã gây ra nhiều trở ngại cho chuỗi cung ứng toàn cầu, khi các nhà sản xuất xe hơi và điện thoại của Mỹ gặp phải tình trạng thiếu linh kiện có nguồn gốc từ Trung Quốc và hàng hóa tồn đọng tại các cảng Los Angeles và Long Beach vào năm ngoái.
Thông báo gần đây của Trung Quốc cũng tuyên bố rằng virus Trung Cộng “chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn trên bề mặt của hầu hết các vật thể” ở nhiệt độ bình thường theo “nghiên cứu mới nhất”. Họ không cung cấp chi tiết hoặc nguồn của nghiên cứu này.
Các danh mục hàng hóa có rủi ro thấp được miễn trừ khử trùng và xét nghiệm bao gồm các lô hàng như than, quặng, nguyên liệu thô hóa học, ngũ cốc, thức ăn chăn nuôi, thức ăn gia súc và gỗ tròn cũng như những hàng hóa được vận chuyển hơn 24 giờ kể từ khi khởi hành hoặc không tiếp xúc với máy bốc xếp, theo trang web chính thức của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc.
Cư dân mạng Trung Quốc bày tỏ sự tức giận trước hành động này và những mâu thuẫn rõ ràng của nó.
Một cư dân mạng đã hỏi trong một bài đăng: “Vì virus tồn tại trong một thời gian ngắn trên bề mặt của một vật thể, vậy quý vị có định tiếp tục khử trùng trong nhà của chúng tôi không?”
Thượng Hải, một trong những trung tâm kinh tế và tài chính quan trọng nhất của Trung Quốc, đã áp đặt các biện pháp phong tỏa hà khắc và kiểm soát đại dịch trong hơn hai tháng kể từ cuối tháng Ba năm nay. Cư dân phàn nàn về việc chính quyền địa phương “vào các hộ gia đình và phun các đám mây chất khử trùng khắp nơi” và “lên đồ đạc và các vật dụng khác bên trong căn hộ, bao gồm ghế dài, giường, tủ, sách và thậm chí cả các thiết bị điện tử”.
“Chính phủ Trung Quốc đã bảo vệ một cách mạnh mẽ chiến lược zero-COVID-19 linh hoạt của mình”, một báo cáo được The Lancet công bố vào tháng trước cho biết. “Nhưng các cuộc phong tỏa của Trung Quốc đã phải trả giá rất lớn về con người. Chi phí này sẽ tiếp tục phải trả trong tương lai, với bóng dáng của sức khỏe tâm thần ảnh hưởng xấu đến văn hóa và kinh tế Trung Quốc trong nhiều năm tới”. Ấn phẩm này kêu gọi chính quyền Trung Quốc “hành động ngay lập tức nếu muốn chữa lành vết thương mà các chính sách cực đoan của họ đã gây ra cho người dân Trung Quốc”.
Cô Sophia Lam tham gia The Epoch Times vào năm 2021 và cô ấy đưa tin về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc.