Trung Quốc nhòm ngó năng lượng, tài sản, cổ phần của Nga nhằm tăng cường quyền lực
Trung Quốc đang xem xét mua năng lượng, tài sản và cổ phần trong các công ty sản xuất hàng hóa số lượng lớn của Nga.
Ông Albert Song, một nhà bình luận về các vấn đề thời sự quen thuộc với hệ thống tài chính Trung Quốc, nói với The Epoch Times rằng trong cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có nhu cầu rất lớn đối với hàng hóa như một phần trong mục tiêu nhằm mở rộng quyền lực hung hãn của mình để “chạy đua với Hoa Kỳ và giành được tiếng nói nhất định trên trường quốc tế.”
Các mục tiêu tiềm năng bao gồm các công ty Nga như PJSC Gazprom, công ty khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới; và RUSAL, công ty nhôm lớn thứ hai thế giới. Khách hàng Trung Quốc tiềm năng là các doanh nghiệp quốc doanh tầm cỡ như: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, Tập đoàn Sinopec, Tập đoàn TNHH Nhôm Trung Quốc và China Minmetals, những người nắm được thông tin trong vấn đề này cho biết, theo Bloomberg hôm 08/03.
Ngoài ra, ĐCSTQ có khả năng đang tìm cách thâu tóm lượng vàng dự trữ của Nga thông qua một kênh giao dịch bí mật, có thể được thanh toán bằng ngoại hối một cách bí mật vì tất cả vàng của Nga được lưu trữ trong kho của ngân hàng trung ương và không thể bán trên thị trường toàn cầu. “Thật là rắc rối cho Nga,” ông Song nói.
Hôm 08/03, các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã đưa ra một dự luật để bịt lỗ hổng trong các lệnh trừng phạt của phương Tây, đề xuất các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với những quốc gia giao dịch với Nga bằng cách sử dụng lượng vàng dự trữ trị giá 132 tỷ dollar của nước này, trang Axios đưa tin.
Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt đối với Nga, bao gồm cả việc đóng băng dự trữ ngoại hối của nước này. Điều này đã làm cho lượng vàng dự trữ của Nga trở thành nguồn tài trợ chính cho Moscow trong việc thúc đẩy cuộc chiến của mình.
Theo ông Song, sự ủng hộ âm thầm của ĐCSTQ dành cho Nga cũng giống như những phản ứng trước đây của nước này đối với việc Hoa Kỳ trừng phạt các quốc gia khác. Ví dụ, khi Hoa Kỳ trừng phạt Iran và cấm xuất cảng dầu thô của nước này, ĐCSTQ đã cung cấp cho Iran tiền mặt và các nguyên liệu khác để giúp nước này buôn lậu dầu thô — các tàu không có bộ tiếp sóng đã giao dầu thô của Iran được báo cáo như là dầu xuất cảng của Malaysia hoặc Oman vào các cảng của Trung Quốc, ông Song cho hay.
Nga và Trung Quốc tăng cường thương mại song phương
Ông Song vẫn khẳng định rằng ĐCSTQ hiện có thể coi đây là thời điểm thích hợp để đưa năng lượng của Nga vào với mục đích giảm bớt áp lực từ việc giá năng lượng và lương thực tăng cao trên toàn thế giới
Chi phí xăng dầu tăng vọt sau khi Nga xâm lược Ukraine. Hôm 06/03, giá dầu thô trên thị trường thế giới đạt mức cao kỷ lục chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khiến giá thành sản phẩm đầu ra tăng vọt.
Trung Quốc coi năng lượng của Nga là “phương tiện giúp mang lại sự thành công” cho hợp tác thương mại song phương với Nga. Nga là nguồn nhập cảng năng lượng lớn nhất của Trung Quốc, nguồn nhập cảng dầu thô lớn thứ hai và là nguồn nhập cảng điện lớn nhất.
Năm 2021, Trung Quốc nhập cảng các sản phẩm năng lượng từ Nga trị giá 334.29 tỷ nhân dân tệ (53.49 tỷ USD), chiếm 65.3% tổng hàng hóa nhập cảng từ Nga, theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc.
Ông Andrey Denisov, Đại sứ Nga tại Trung Quốc, cho biết trong một cuộc họp báo hôm 25/01 rằng Nga và Trung Quốc đang hình thành một liên minh năng lượng trong lĩnh vực phát triển các nguồn năng lượng mới, các nguồn năng lượng tái tạo, và chế biến nguyên liệu thô để sử dụng trong lĩnh vực năng lượng.
Tuy nhiên, đáng chú ý, ông Song nói rằng ông Putin dường như không thích đồng Nhân dân tệ (Nhân dân tệ của Trung Quốc), với lý do “vào tháng Hai, khi ông Putin đến thăm Trung Quốc, các nhà chức trách và doanh nghiệp Nga và Trung Quốc đã ký 15 văn kiện hợp tác, và việc thanh toán thương mại được thực hiện bằng ngoại tệ chứ không phải Nhân dân tệ.”
Hợp tác thương mại giữa Trung Quốc và Nga đã có dấu hiệu tăng trưởng đáng kể trong năm qua trước khi Nga tiến hành cuộc chiến tranh tại Ukraine vào ngày 24/02.
Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc vào ngày 09/02, Trung Quốc đã xuất cảng thiết bị gia dụng, xe hơi, và máy móc xây dựng sang Nga và thương mại điện tử giữa hai nước đã tăng 187% từ tháng 01 đến tháng 11/2021.
Tổng cục Hải quan Trung Quốc báo cáo hôm 07/03 rằng hai tháng đầu năm 2022 đã chứng kiến thương mại Nga-Trung tăng 38.5% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt quá mức tăng trưởng 35.9% của cả năm trước. Năm 2021, thương mại Nga-Trung đạt tổng cộng 146.87 tỷ USD.
Đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga đang nghiêng về ĐCSTQ nhiều hơn nữa. Ông Song nói: “Đó là trạng thái hỗ trợ lẫn nhau giữa hai cường quốc.”
Lợi ích của ĐCSTQ ở Âu Châu
Ở Âu Châu, ĐCSTQ đã từ bỏ một trong những khai triển chiến lược quan trọng của mình, theo ông Song.
Ukraine là một điểm trung chuyển trọng yếu cho Sáng kiến Vành đai và Con đường, dự án cơ sở hạ tầng toàn cầu của ĐCSTQ, đã hoạt động trong nhiều thập niên.
Giống như Nga, Ukraine đã bán năng lượng và khoáng sản cho Trung Quốc và lẽ ra sẽ là một điểm trung chuyển quan trọng cho dự án đường sắt Trung Quốc-Âu Châu vốn đã được lên kế hoạch – tất cả đều đã biến mất do cuộc chiến này. “Do đó, cuộc chiến giữa Ukraine và Nga là một tình thế tiến thoái lưỡng nan đối với ĐCSTQ,” ông Song nói.
Sử dụng cách chơi chữ của Trung Quốc, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, Tân Hoa xã hôm 28/02 đã tuyên bố rằng Âu Châu hiện đang đối mặt với ngày tận thế, nói rằng cuộc khủng hoảng năng lượng có thể đưa Âu Châu vào thế bế tắc vì trữ lượng khí đốt tự nhiên ở Âu Châu hiện đang ở mức thấp nhất trong 10 năm do chiến tranh Nga-Ukraine. Tục ngữ Trung Quốc có câu, “cắt khí (Đoạn khí) của họ” có thể được hiểu là “cắt đứt nguồn sống của họ.”
Mặc dù ĐCSTQ cố gắng khám phá những cơ hội mới để củng cố quyền lực và gặt hái lợi ích trong cuộc chiến Nga-Ukraine, ông Song tin rằng ĐCSTQ cuối cùng sẽ là kẻ thua cuộc trong cuộc chiến này, vô luận họ ủng hộ ai.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Cô Kathleen Li đã viết bài The Epoch Times từ năm 2009 và chuyên về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô là một kỹ sư, làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật dân dụng và kỹ thuật kết cấu tại Úc.
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: