Trung Quốc nhập khẩu 300 tỷ USD chip: Con đường tự chủ còn rất dài
Kim ngạch nhập khẩu chip của Trung Quốc trong hai năm vừa qua là 300 tỷ USD, và dự kiến, kim ngạch nhập khẩu trong năm nay vẫn đạt con số này. Các nhà phân tích cho rằng, dưới sự vây hãm của Hoa Kỳ, con đường đạt được tự chủ về chip của Trung Cộng vẫn còn vô cùng xa xôi.
Ngày 26/8, ông Ngụy Thiếu Quân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Trung Quốc, cựu Giám đốc Viện Vi điện tử của Đại học Thanh Hoa, tiết lộ rằng từ sau năm 2013, kim ngạch nhập khẩu chip của Trung Quốc đã là hơn 200 tỷ USD, vào năm 2018 là hơn 300 tỷ USD, và năm 2019 con số này vẫn là 300 tỷ USD.
Theo số liệu của hải quan Trung Quốc, trong nửa đầu năm nay giá trị nhập khẩu vi mạch tích hợp của Trung Quốc là 154.6 tỷ USD, tăng 12.2% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Ông Ngụy Thiếu Quân nói, “Năm nay, nếu không phát sinh tình huống bất thường gì, kim ngạch nhập khẩu chip vẫn sẽ là 300 tỷ USD hoặc nhiều hơn.”
Số lượng chip Đại lục nhập khẩu hàng năm cho thấy mức độ thuộc to lớn của Đại lục vào các nguồn cung chip từ nước ngoài. Thế nhưng, vào ngày 17/8, chính phủ Hoa Kỳ lại một lần nữa gia tăng mức độ kiểm soát đối với Huawei. Theo quy định này, chỉ cần chip sử dụng kỹ thuật và phần mềm của Hoa Kỳ, đều phải được chính phủ Hoa Kỳ phê duyệt trước khi được xuất bán cho Huawei.
Trước sự vây hãm của chính phủ Hoa Kỳ trong lĩnh vực chip, Trung Cộng đã đầu tư hàng tỷ USD nhằm nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất chip của Đại lục. Gần đây Trung Cộng đã ban bố “Một số chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển chất lượng cao của ngành công nghiệp vi mạch tổng hợp và công nghiệp phần mềm trong thời kỳ mới”, trong đó đề cập rằng tỷ lệ chip tự cung của Trung Quốc sẽ tăng từ khoảng 30% vào năm 2019 lên 70% vào năm 2025.
Đại lục cũng đã “đào mỏ” được hơn 100 kỹ sư chuyên nghiệp từ Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC). Tuy nhiên, nhà bình luận tài chính Vương Kiếm tiết lộ rằng sau khi những kỹ sư bị “đào mỏ” này đến nhà máy ở Đại lục, họ thấy rằng môi trường làm việc quá kém, nên họ đã quay trở lại Đài Loan.
Vào tháng 11/2017, Công ty TNHH Chế tạo Chất bán dẫn Hoằng Tâm Vũ Hán đã được thành lập tại Vũ Hán, và tuyên bố tổng vốn đầu tư là 128 tỷ Nhân dân tệ. Tuy nhiên, gần đây công ty này đã chính thức tuyên bố rằng, vì “có sự thiếu hụt rất lớn về nguồn vốn và bất cứ lúc nào dự án cũng có nguy cơ bị đình trệ do sự gián đoạn về dòng vốn”. Ban đầu, công ty dự kiến mua 3.560 bộ thiết bị, nhưng hiện tại chỉ có hơn 300 bộ đã được đưa vào nhà máy. Do thiếu thiết bị, nên 400-500 công nhân đến nhận việc đã không thể thực hành trên dây chuyền sản xuất. Có kênh truyền thông ở Đại lục đưa tin, căn cứ vào tình hình hiện tại, thì gần như chắc chắn dây chuyền sản xuất chip 14nm và 7nm trong kế hoạch của Hoằng Tâm không thể hoàn thành được.
Nhà bình luận Văn Tiểu Cương ở nước ngoài nói rằng, hiện TSMC đã nghiên cứu sản xuất chip 3nm, và trước mắt chip 5nm đang đóng vai trò chủ đạo. Trong khi đó, Đại lục lại chủ yếu sản xuất chip 14nm, cho thấy sự chênh lệch là quá rõ ràng. Hơn nữa, những nhà máy sản xuất chip đã được thành lập ở Đại lục lại không cách nào tiến hành sản xuất. Theo Reuters, Hoa Kỳ đang xem xét đưa ra các hạn chế xuất khẩu mới đối với các thiết bị và công cụ sản xuất chất bán dẫn, nhằm ngăn chặn việc kỹ thuật sản xuất bị các nước đối thủ sử dụng. Dù không nêu đích danh, nhưng các hạn chế mới này nhắm vào Trung Quốc. Một số chuyên gia về chất bán dẫn ở Đại lục cho biết, do vô vàn sự hạn chế về công nghệ, nên việc Đại lục tự sản xuất chip để đáp ứng nhu cầu của mình còn khó hơn lên trời.
Ông Văn Tiểu Cương cho rằng, Trung Cộng vẫn còn cả một chặng đường dài đằng đẵng, trước khi có thể tự cung cấp được 70% lượng chip vào năm 2025 như mong muốn.
Tác giả: Lâm Tông Văn