Trung Quốc nhắm vào những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội để dập tắt bất đồng chính kiến
Trong việc kiểm soát các phát ngôn trên mạng internet của chính quyền Trung Quốc, giới cầm quyền đã nhắm tới nhóm “5 lớn”: những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội với trên 500,000 người theo dõi trên Sina Weibo, một nền tảng viết blog ngắn tương tự như Twitter, theo một số tài liệu của chính quyền đã được The Epoch Times thu thập từ một nguồn đáng tin cậy.
Đồng thời, giới cầm quyền đã tạo ra một nhóm những người có ảnh hưởng trên mạng của riêng họ để quảng bá các tuyên truyền, thao túng dư luận xã hội, và trấn áp “các tin đồn trên mạng internet”.
Kiểm soát
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã bị cư dân mạng chỉ trích vì phát biểu “truyền thông phải phục vụ ĐCSTQ” trong một lần xuất hiện trước công chúng vào tháng 2/2016.
Do đó, giới cầm quyền Trung Quốc đã kiểm duyệt tất cả các bình luận trên mạng xã hội đưa ra các câu hỏi về việc tại sao truyền thông nên phục vụ ĐCSTQ thay vì người dân. Gần đây, The Epoch Times đã có được một tài liệu của chính phủ từ thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, cho thấy chính quyền địa phương đã thực hiện một lệnh như vậy.
Cơ quan quản lý không gian mạng của thành phố Lạc Dương đã ban hành một báo cáo vào ngày 09/8/2016 nhằm kiểm soát chặt chẽ những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội – theo yêu cầu của cấp trên tại Sở Tuyên truyền tỉnh Hà Nam. Tài liệu này có tiêu đề, “Báo cáo điều tra về nhóm internet ‘5 lớn’ đặt câu hỏi ‘truyền thông phải phục vụ Đảng’ và các nhận xét chính trị tiêu cực khác”. “5 lớn” ám chỉ những người dùng có lượng người theo dõi nhiều trên các nền tảng mạng xã hội.
Báo cáo tiết lộ rằng trước năm 2014, những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội ở thành phố Lạc Dương đã hoạt động tích cực và thường đăng tải các bình luận chỉ trích ĐCSTQ. Năm 2014, cơ quan quản lý không gian mạng của thành phố và phòng công an đã phát động một chiến dịch trấn áp đặc biệt, đưa ra các cáo trạng hình sự như “trấn lột” và “tống tiền” đối với những người có ảnh hưởng lớn nổi tiếng trên mạng xã hội, bao gồm Zhang Wenhao (biệt danh trực tuyến là “Strange Stone Naughty Boy”) và Zhao Zhihui (biệt danh là “Wolf Returning in Windy Snowy Night”).
Báo cáo cho biết, cơ quan quản lý không gian mạng của thành phố Lạc Dương đã lập danh sách những người quan trọng và tài khoản mạng xã hội của họ để theo dõi. Các nhân viên túc trực hàng ngày để kiểm tra các bài đăng trên mạng xã hội và xóa các bình luận “nhạy cảm” liên tục. Những người dùng có ảnh hưởng không thường đăng các bình luận chính trị cũng bị quản lý, nhưng những người dùng tích cực đăng và có các bình luận tiêu cực sẽ bị đưa vào danh sách theo dõi.
Báo cáo còn tiết lộ rằng cơ quan quản lý không gian mạng duy trì liên lạc 24 giờ mỗi ngày với các bộ phận tuyên truyền và giám sát mạng internet của sở an ninh công cộng địa phương (công an Trung Quốc) thông qua các phần mềm nhắn tin như nhóm chat trên QQ và WeChat để theo dõi các bình luận trên mạng của cư dân mạng.
Báo cáo kết luận rằng, kể từ tháng 8/2016, thành phố Lạc Dương đã thành công trong việc kiểm soát những người thuộc nhóm “5 lớn” và không có “các nhận xét tiêu cực hay cực đoan” nào đối với phát biểu của ông Tập (“truyền thông phải phục vụ Đảng”) được tìm thấy trên mạng.
Phát triển những người có ảnh hưởng ‘Đỏ’ trên mạng xã hội
Dữ liệu được công bố công khai vào tháng 5/2020 cho thấy số lượng người sử dụng internet tại đại lục đã lên tới 854 triệu người, và tỷ lệ phổ cập internet đã đạt 61.2%. ĐCSTQ đã đầu tư nhiều nguồn lực để theo dõi và kiểm soát dư luận xã hội trên mạng.
The Epoch Times đưa tin rằng trong những năm gần đây, ĐCSTQ đã tuyển những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, còn gọi là những người có ảnh hưởng “đỏ”, để thao túng dư luận xã hội đi theo đường lối của ĐCSTQ.
Các tài liệu của chính quyền tỉnh Hà Nam mà The Epoch Times có được cho thấy rằng nhiệm vụ của những người có ảnh hưởng “đỏ” này được coi là một trong những ưu tiên chính, và đã được đưa vào trong các tiêu chí đánh giá năng lực của những quan chức Trung Quốc.
Một tài liệu rò rỉ, phát hành năm 2016, tiết lộ rằng các cơ quan chính quyền thành phố Lạc Dương đã được yêu cầu phát triển ít nhất năm người có ảnh hưởng “đỏ”. Báo cáo cũng đặt ra kế hoạch ba năm cho việc nuôi dưỡng những người có ảnh hưởng “đỏ” trong các lĩnh vực chính trị, tri thức, văn hóa và truyền thông.
Ví dụ về những người có ảnh hưởng “Đỏ”
Các tài liệu rò rỉ của thành phố Trú Mã Điếm thuộc tỉnh Hà Nam tiết lộ thông tin về một số người có ảnh hưởng “đỏ”.
Ví dụ, một cán bộ họ Zhang từ văn phòng công an huyện Shangcai đã được chính quyền địa phương tuyển dụng làm người có ảnh hưởng “đỏ”.
Kể từ khi Zhang tạo tài khoản Weibo của mình vào ngày 03/3/2014, anh ta đã đăng 18,383 bình luận cổ xúy cho ĐCSTQ. Anh ta sử dụng biệt danh “Fast Catcher of Tianzhong” và tự nhận mình là một video blogger kiêm nhà văn. Anh ta có 557,916 người theo dõi tính đến ngày 07/10/2020.
Zhang đã cố gắng kiềm chế cư dân mạng sau khi họ chỉ trích một nhóm các chuyên gia Bắc Kinh đến Hà Nam vào ngày 28/9/2020 để tiến hành kiểm tra các giống bắp mới. Nhóm chuyên gia được dẫn đầu bởi Dai Jingrui, một viện sĩ thuộc Học viện Kỹ thuật Trung Quốc và là giáo sư tại Trường đại học Nông nghiệp Trung Quốc. Những hình ảnh do truyền thông nhà nước công bố cho thấy nhóm chuyên gia đã đi trên thảm đỏ thực hiện chuyến thị sát, điều này đã gây ra làn sóng chế giễu và chỉ trích trên mạng internet. Đáp lại điều này, “Fast Catcher of Tianzhong” đã đăng nhiều bình luận trên Weibo, cho rằng sự kiện không có thật và cáo buộc cư dân mạng đã lan truyền tin đồn. Sau đó anh ta viết một bài bình luận dài nhằm bảo vệ các chuyên gia và sự kiện tiếp đón thảm đỏ, cố gắng giảm thiểu sự ảnh hưởng của các bình luận của cư dân mạng đối với dư luận xã hội.
Người chỉ trích Trung Quốc nổi tiếng: ‘Nhậm Đại Pháo’
Nhậm Chí Cường, biệt danh là “Nhậm Đại Pháo”, là cựu trùm bất động sản và là một người chỉ trích Trung Quốc và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình một cách thẳng thắn. Vào ngày 22/9/2020, ông đã bị kết án 18 năm tù giam vì tội “tham nhũng, hối lộ, biển thủ công quỹ, và lạm dụng quyền lực.”
Ông Nhậm, 69 tuổi, là cựu chủ tịch của tập đoàn Bắc Kinh Hoa Viễn. Ông là một trong những người thuộc tầng lớp “thái tử Đảng” của Trung Quốc: ông là con trai của một cựu quan chức cấp cao của ĐCSTQ. Ông có 37 triệu người theo dõi trên Weibo trước khi tài khoản của ông bị xóa vào năm 2016.
Vào đầu tháng 3/2020, ông Nhậm đã đăng tải một bài báo trực tuyến, gọi ông Tập là “một tên hề khăng khăng muốn trở thành hoàng đế”. Ông đã chỉ trích ĐCSTQ về việc che giấu sự thật trong việc lây lan của virus Vũ Hán, dẫn đến đại dịch toàn cầu. Sau đó ông đã bị điều tra hồi tháng 4/2020 vì “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và pháp luật”.
Tháng 02/2016, ông Nhậm đã chỉ trích ông Tập về phát biểu “truyền thông phải phục vụ Đảng”. Ông Nhậm viết trên Weibo: “Từ khi nào mà ‘Chính quyền của nhân dân’ trở thành ‘Chính quyền của ĐCSTQ’? … Nó có hoạt động bằng đảng phí không?” Ba tháng sau đó, ĐCSTQ đã đình chỉ tư cách đảng viên của ông Nhậm trong vòng một năm.
Những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội khác cũng bị ĐCSTQ kiểm soát
Một số người có ảnh hưởng lớn nổi tiếng trên mạng xã hội của Trung Quốc cũng đã phải nhận các bản án vô lý vì các quan điểm xã hội chính trị chỉ trích ĐCSTQ.
Anh Charles Xue (Xue Manzi) bị giam giữ vào tháng 08/2013 vì bị “nghi ngờ bảo kê gái mại dâm”. Anh đã bị buộc phải đưa ra lời nhận tội công khai, được phát sóng trên đài truyền hình nhà nước CCTV, chỉ vài ngày sau khi ĐCSTQ tuyên bố sẽ xử lý mạnh tay “các tin đồn trên mạng”. Anh Xue đã đăng thông tin về việc ô nhiễm môi trường ở thành phố Chu San và tác hại mà nó gây ra đối với người dân địa phương. Trước khi bị bắt, chuyên gia đầu tư mạo hiểm người Mỹ gốc Hoa này có hơn 12 triệu người theo dõi trên Weibo.
Hồi tháng 7/2014, người nổi tiếng trên mạng internet “Bian Min” (tên thật là Dong Rubin) đã bị buộc tội điều hành các hoạt động kinh doanh bất hợp pháp và “gây rối”. Anh đã bị kết án tù sáu năm rưỡi. Anh đã đăng các bình luận về vụ thảm sát trên sông Mekong xảy ra vào năm 2011, khi hai tàu chở hàng của Trung Quốc bị tấn công trên đoạn sông Mekong ở khu vực Tam giác vàng, biên giới giáp với Miến Điện và Thái Lan, trong một vụ án rõ ràng có liên quan đến ma túy. Bian Min gọi vụ việc là một “âm mưu chính trị”.
Ngày 17/4/2014, người nổi tiếng trên mạng internet “Qin Houhou” (tên thật là Qin Zhihui) đã bị kết án tù ba năm vì “phỉ báng và kích động tranh cãi”. Ngày 23/7/2011, Qin đã đăng một thông điệp trên tài khoản Weibo của anh ta, sau khi xảy ra một tai nạn nghiêm trọng trên tuyến đường sắt Ninh Ba-Ôn Châu, cho rằng Trung Quốc đã bỏ ra 200 triệu Nhân dân tệ để bồi thường cho những hành khách nước ngoài bị ảnh hưởng.
Tài khoản WeChat của He Weifang, một giáo sư luật tại Đại học Bắc Kinh, đã bị xóa vào ngày 26/9/2019 vì đã chỉ trích ĐCSTQ. Ông nhìn nhận rằng Trung Quốc là một tổ chức không đăng ký, do đó nó là tổ chức bất hợp pháp, đề nghị cải cách hệ thống tư pháp của Trung Quốc, và đổ lỗi cho Trung Quốc là nguyên nhân gây ra đại dịch COVID-19.