Trung Quốc mượn danh quản lý đô thị, thắt chặt giám sát công dân và những người bất đồng
Trung Quốc đã lập ra một cơ quan chính phủ nghe có vẻ vô hại nhưng thực ra là đang giám sát hàng loạt công dân và đóng vai trò trong việc đàn áp các nhóm tôn giáo.
Cơ quan này được gọi là “trung tâm quản lý toàn diện” và các quan chức điều hành các chi nhánh của trung tâm này được gọi là “quản trị viên lưới.” Trong những tháng gần đây, hệ thống này đã trở nên nổi bật khi truyền thông của Trung Quốc tung hô những đóng góp của nó trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus Vũ Hán, thường được gọi là virus corona mới.
The Epoch Times đã thu được nhiều tài liệu chính phủ bị rò rỉ cho thấy quyết tâm to lớn của Bắc Kinh trong việc thành lập các trung tâm này và thuê đội ngũ nhân viên làm việc, bên cạnh việc dành ngân sách khổng lồ để phân phối cho các hoạt động này. Theo các tài liệu, mục đích cuối cùng là áp đặt một sự kìm kẹp chặt chẽ đối với xã hội.
Sự chuyển đổi
Phiên bản đầu tiên của “các quản trị viên lưới” xuất hiện vào đầu những năm 2000. Trung Quốc coi họ là “hệ thống kiểm soát dân sự dựa vào cộng đồng”, với các thành phố và thị trấn được chia thành các tiểu khu nhỏ hơn gọi là “lưới”.
Theo một thông báo của chính quyền địa phương, một trong số các nhiệm vụ của một quản trị viên lưới là “người quảng bá đường lối và chính sách của Đảng.”
Thượng Hải là một trong những thành phố đầu tiên của Trung Quốc áp dụng hệ thống này. Năm 2003, chính quyền thành phố đã công bố kế hoạch phát triển 20 năm, trong đó cho biết, “hệ thống quản lý mạng lưới” sẽ được dùng để phân bổ các nguồn lực của thành phố, chẳng hạn như các dịch vụ công cộng và các vùng cây xanh công cộng.
Năm 2008, các quan chức Thượng Hải đã quảng bá về thành công của hệ thống trong việc khắc phục các vấn đề đô thị, ví dụ như dọn rác hiệu quả ở các khu vực công cộng, vì một quản trị viên lưới sẽ phụ trách tuần tra khoảng 10 lưới, mỗi lưới có kích thước khoảng 10,000 mét vuông (107,600 feet vuông).
Nó trở nên quan trọng về mặt chính trị vào tháng 4/2015, khi Văn phòng Trung ương Trung Quốc và Quốc vụ viện Trung Quốc (cơ quan nhà nước cao nhất của Trung Quốc có chức năng như một nội các chính phủ) ban hành một tài liệu về việc xây dựng một hệ thống có thể “thắt chặt an ninh công cộng trong xã hội”. Bằng cách kết hợp các mạng lưới này và các văn phòng cảnh sát, những “trung tâm quản lý toàn diện” mới này sẽ giám sát công dân.
Khi Trung Quốc triển khai Dự án Tuyết rực rỡ (Project Dazzling Snow) vào năm 2016 nhằm phủ kín vùng nông thôn bằng hệ thống camera an ninh tiên tiến, các trung tâm này trở thành chốt chỉ huy để thực hiện giám sát tăng cường bằng trí tuệ nhân tạo. Mạng lưới cấp tương đương đô thị của dự án này được gọi là Skynet.
Hai dự án trên cùng với Dự án Giáp vàng (Golden Shield), một cơ sở hạ tầng kiểm duyệt và giám sát trực tuyến rộng lớn bao gồm “Vạn lý Tường lửa” (Great Firewall) khét tiếng, đã trở thành công cụ độc tài, chuyên chế của Bắc Kinh nhằm biến đất nước này thành một quốc gia giám sát công nghệ cao.
Giám sát
Hệ thống mạng lưới là một cách để Trung Quốc theo dõi các hoạt động của cư dân và đảm bảo họ không có ý kiến bất đồng với Đảng.
Theo một tài liệu rò rỉ đề ngày 15/5/2016, chính quyền thành phố Đại Liên đã đề ra các bước để xây dựng các trung tâm quản lý này bao gồm việc: mở rộng phạm vi tiếp cận “sâu hơn vào các gia đình” và có thể “tích cực giám sát trật tự xã hội”, hỗ trợ các cấp đảng ủy địa phương và các cơ quan chính phủ.
Quản trị viên lưới phải tuần tra các đường phố chính, tòa nhà và các địa điểm công cộng ít nhất hai lần mỗi ngày. Tài liệu nêu rõ, họ phải luôn nắm bắt được “ý kiến của dư luận” và “kịp thời phát hiện bất kỳ rủi ro an ninh và các yếu tố bất ổn trong mạng lưới của họ.”
Trong một tài liệu bị rò rỉ khác từ Đại Liên, chính quyền thành phố này cho biết họ sẽ dành gần 500 triệu nhân dân tệ (khoảng 73 triệu USD) để thiết lập 32,000 “chốt giám sát an toàn công cộng” mới.
The Epoch Times cũng có được một số tài liệu chính phủ bị rò rỉ cho thấy quy mô khổng lồ của hệ thống này.
Tại thành phố Đại Khánh với dân số 2.7 triệu người vào cuối năm 2019, có một “trung tâm quản lý toàn diện” cấp thành phố, 10 trung tâm cấp quận, 138 trung tâm cấp thị trấn và 770 trung tâm cấp thôn.
Tài liệu bị rò rỉ cho biết, 770 trung tâm cấp thôn phụ trách 6,690 lưới và có 7,404 quản trị viên lưới.
Một tài liệu bị rò rỉ khác cho thấy Mẫu Đơn Giang, một thành phố có khoảng 2.6 triệu dân tính đến cuối năm ngoái, được chia thành 4,124 lưới, với tổng số 1,027 trung tâm cấp thôn và 4,282 quản trị viên lưới.
Năm nay, Trung Quốc đã dựa vào các trung tâm này và các quản trị viên lưới để giám sát công dân và thực thi các quy tắc kiểm dịch. Vào ngày 3/2, chính quyền tỉnh Quảng Đông đã tổ chức một cuộc họp báo để kêu gọi các “trung tâm quản lý toàn diện” địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus.
Bức hại
Tuy nhiên, các trung tâm và quản trị viên đã bí mật thực hiện các nhiệm vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Ví dụ, Minghui.org, một trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên đưa tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công của Trung Quốc cho biết, hồi tháng 5/2019, một trung tâm quản lý ở Vũ Xương, một quận ở thành phố Vũ Hán, phải chịu trách nhiệm cho việc đã đẩy một học viên Pháp Luân Công địa phương là cô Hà Tiểu Linh vào một trung tâm tẩy não. Mười ngày trước đó, cô đã bị cảnh sát địa phương bắt giữ vì đức tin của mình.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là môn tu luyện tâm linh cổ xưa gồm các bài công pháp thiền định. Vào những năm 1990, khi môn tu luyện này rất phổ biến ở Trung Quốc, thì đến tháng 7/1999, những học viên Pháp Luân Công đã trở thành mục tiêu của cuộc bức hại trên toàn Trung Quốc.
Gần đây nhất, vào đầu tháng 9, trang web Minghui.org đưa tin rằng, một quản trị viên lưới họ Dương đã quấy rối một học viên Pháp Luân Công là anh Trương Chánh Hữu tại nhà của anh ở huyện Hội Lý, tỉnh Tứ Xuyên.
Bitter Winter, một tạp chí trực tuyến chuyên đề cập đến cuộc đàn áp tôn giáo ở Trung Quốc, đưa tin hồi tháng 1/2019 rằng, chính quyền địa phương ở Lạp Tát (Lhasa), thủ phủ của vùng Tây Tạng, đã đe dọa các Phật tử Tây Tạng phải từ bỏ tôn giáo của họ nếu họ muốn tiếp tục nhận trợ cấp sinh hoạt của chính phủ.
Để bảo đảm tuân thủ, Bitter Winter trích dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết, chính quyền thành phố đã chỉ định các quản trị viên lưới giám sát người Tây Tạng từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối.
Hồi tháng 9/2019, Bitter Winter cũng công bố một báo cáo dựa trên các cuộc phỏng vấn với một số quản trị viên giấu tên. Một quản trị viên ở tỉnh Sơn Đông cho biết công việc của ông bao gồm giám sát những người bất đồng ý kiến, những người mới ra tù và các nhóm tôn giáo thiểu số, bao gồm cả những học viên Pháp Luân Công.
Các quản trị viên lưới đã được chính phủ cấp cho điện thoại thông minh đặc biệt để báo cáo về những gì họ biết. Theo Bitter Winter, tại một số khu vực của tỉnh Phúc Kiến, các quản trị viên lưới được khen thưởng vì đã báo cáo về những người bất đồng ý kiến. Họ sẽ được thưởng 1,000 nhân dân tệ (khoảng 140 USD) cho mỗi người bất đồng ý kiến bị phát hiện và giam giữ.