Trung Quốc mua phi cơ trực thăng tấn công của Nga là một mối đe dọa đối với Đài Loan
Quân đội Trung Quốc được cho là sẽ mua ít nhất ba chục trực thăng tấn công của Nga để cải thiện các năng lực tấn công đổ bộ của nước này. Thỏa thuận này sẽ đánh dấu thương vụ mua bán vũ khí Trung-Nga lớn thứ ba từ trước đến nay và sẽ củng cố năng lực của Trung Quốc trong một cuộc tấn công tiềm tàng vào Đài Loan, cũng như phát triển sức mạnh trên toàn khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung.
Hiện tại vẫn chưa rõ Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) đã tới giai đoạn nào trong quá trình mua bán, nhưng các bản tin của các phương tiện truyền thông Trung Quốc và Nga nói rằng một phái đoàn của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gần đây đã đến thăm một nhà máy sản xuất trực thăng ở miền đông nước Nga.
Lợi ích cho chủ nghĩa phiêu lưu của ĐCSTQ
Phi cơ trực thăng được đề cập tới là Ka-52K, một phi cơ trực thăng tấn công trên tàu sẽ bay từ bến tàu đổ bộ trực thăng Kiểu 075 của Trung Quốc và được sử dụng để tấn công tầm gần trong các chiến dịch đổ bộ.
Các chuyên gia cho rằng công nghệ của Nga sẽ bổ trợ những thiếu sót trong năng lực sản xuất của Trung Quốc.
Ông Casey Fleming, Giám đốc Điều hành của công ty cố vấn chiến lược Black Ops Partners cho biết, “Giao dịch mua ba chục trực thăng tấn công lần đầu của Trung Quốc cho thấy một điểm yếu trong công nghệ quân sự của họ.”
Ông Sam Kessler, một cố vấn địa chính trị tại công ty quản lý rủi ro đa quốc gia North Star Support Group, nói thêm rằng thỏa thuận này cũng sẽ cải thiện mối bang giao Trung-Nga và mở rộng đáng kể năng lực quân sự của Trung Quốc.
“Giao dịch mua phi cơ trực thăng Ka-52K của Nga giúp tăng cường mối liên hệ quốc phòng của Trung Quốc với Moscow và sẽ cung cấp cho CHND Trung Hoa khả năng tiếp cận ngay lập tức với các trực thăng tấn công hải quân mạnh hơn và lớn hơn với nhiều khả năng hơn so với chiếc Z-10 của Trung Quốc,” ông Kessler nói, khi đề cập đến trực thăng tấn công nội địa của nước này.
“Trực thăng Z-10 không được trang bị để thực hiện vai trò đổ bộ vào đất liền và vào đảo như chiếc Ka-52K của Nga có thể thực hiện”, ông Kessler nói thêm. “Điều này mang lại cho Trung Quốc cơ hội thiết lập cả một khả năng răn đe ngắn hạn và khả năng tấn công đổ bộ, trong khi họ tiếp tục phát triển dòng trực thăng tấn công hải quân trong tương lai của mình.”
Giao dịch mua phi cơ trực thăng sẽ cải thiện đáng kể sự phát triển đã đề cập ở trên của các phi cơ trực thăng Trung Quốc, vì PLA có lịch sử từng tiến hành nhằm sao chép nghiên cứu các công nghệ quân sự vượt trội của Nga mà họ đã mua.
Trong trường hợp của Ka-52K, một nỗ lực như vậy sẽ cho thấy một bước tiến đáng chú ý trong công nghệ quân sự của Trung Quốc.
Trực thăng này mang theo một khẩu pháo tự động 30 mm với tốc độ bắn tối đa 550 viên/phút. Khẩu pháo này có thể sử dụng nhiều loại đạn như đạn xuyên giáp và đạn cháy nổ, và có thể chiến đấu với cả bộ binh, các xe bọc thép hạng nhẹ và các phi cơ khác. Trực thăng này cũng có khả năng phóng hỏa tiễn đất đối không hoặc chống hạm.
Về căn bản, chiếc trực thăng này sẽ cải thiện đáng kể khả năng đổ bộ của PLA liên quan đến việc chiếm giữ các đảo như Đài Loan.
Ông Fleming cho biết, “Giao dịch mua phi cơ trực thăng tấn công của Nga trước hết là một mối đe dọa đối với Đài Loan và thứ hai là một chiến thuật để tuần tra và thực thi các lợi ích của ĐCSTQ ở Biển Đông.”
Điều này là do những trực thăng này sẽ tăng cường đáng kể các nhóm tấn công viễn chinh của Hải quân PLA (PLAN), một cơ cấu lực lượng trọng yếu trong các nhiệm vụ nhằm chiếm các đảo như Đài Loan, nơi chúng sẽ được bố trí trên các tàu tấn công đổ bộ.
Ông Kessler cho biết, “Các phi có trực thăng Ka-52k của Nga được thiết kế cho các khả năng đổ bộ đảo cũng như để được trang bị trên các hàng không mẫu hạm Kiểu-075 của họ được tạo ra để chứa cả các trực thăng và phương tiện trên bộ.”
“Khả năng này là có, cho dù trực thăng đó được sử dụng cho một cuộc xung đột tiềm tàng với Đài Loan hay một nơi nào khác ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hay không.”
Do đó, trong khi giao dịch mua bán ngay lập tức gây nguy hiểm cho việc duy trì độc lập của Đài Loan khỏi đại lục, giao dịch này cũng có thể tăng cường sự hiện diện của PLA trên khắp khu vực hoặc thậm chí cải thiện sức mạnh của Trung Quốc ở Phi Châu, nơi căn cứ quân sự ở hải ngoại đầu tiên của PLAN tại Djibouti đã được mở rộng với một bến tàu đủ lớn để chứa các hàng không mẫu hạm.
Ngày tàn của phương Tây hay một cuộc hôn nhân tiện lợi?
Thỏa thuận này sẽ đánh dấu thỏa thuận vũ khí lớn thứ ba của Trung Quốc với Nga, với chi phí có thể hơn 720 triệu USD cho các trực thăng này, mặc dù có thể nhiều hơn nếu có thêm vũ khí hoặc các dịch vụ đi kèm với gói thầu.
Thỏa thuận mua bán vũ khí đắt giá thứ nhất và thứ hai giữa hai quốc gia đều được hoàn tất vào năm 2015. Một là hợp đồng mua 24 chiến đấu cơ trị giá 2 tỷ USD và hai là mua hệ thống phòng thủ hỏa tiễn trị giá 3 tỷ USD.
Các phi cơ do Nga sản xuất từ lâu đã là loại có công nghệ tiên tiến nhất trong kho vũ khí của PLA, và một quan chức quốc phòng Anh Quốc gần đây đã cảnh báo rằng khả năng không quân Trung-Nga có thể sớm vượt qua Hoa Kỳ và các đồng minh.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại rằng các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và đồng minh đối với Nga, vẫn được áp dụng kể từ cuộc sáp nhập Crimea vào năm 2014, đã làm gia tăng mong muốn và nhu cầu của Nga bán các công nghệ như vậy cho Trung Quốc.
Ông Kessler tin rằng thỏa thuận này thể hiện một giải pháp nhanh chóng cho những khó khăn về quân sự và kinh tế của cả hai quốc gia này.
Ông Kessler nói, “Thỏa thuận vũ khí này là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh cần một giải pháp chiến lược nhanh chóng và Moscow sẵn sàng hỗ trợ bằng cách bán vũ khí của họ.”
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng hai quốc gia đã duy trì những tầm nhìn khác nhau cho tương lai.
“Mặc dù mối bang giao [Trung-Nga] đã được cải thiện từ khía cạnh kinh tế, quốc phòng và chiến lược, nó vẫn là một mối bang giao với các vấn đề về sự tín nhiệm cũng như các lợi ích cạnh tranh lâu dài.”
Vì vậy, mong muốn của ĐCSTQ kéo Nga lại gần hơn và việc Nga chấp nhận mối bang giao thuận tiện đó, có thể được mô tả như một phản ứng theo thói quen đối với những bước tiến của Hoa Kỳ trong việc phát triển các liên hệ đối tác trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà sẽ chống lại tham vọng của ĐCSTQ.
Ông Kessler nói rằng bản chất của mối bang giao Trung-Nga và các mục tiêu dài hạn khác nhau của hai nước, có thể dẫn đến xung đột giữa hai quốc gia sau này khi ĐCSTQ hành động để gia tăng sự phụ thuộc kinh tế của Nga vào Trung Quốc, nhưng một cuộc xung đột như vậy có thể là một chặng đường dài.
Ông Kessler nói, “Việc xoay trục sang Trung Quốc chủ yếu có thể được coi là một chính sách sống còn sau khi các lệnh trừng phạt được áp dụng đối với họ do việc sáp nhập Crimea”. “Cả Trung Quốc và Nga đều đã nâng cấp các thỏa thuận đối tác của họ kể từ những năm 1990 và giờ họ đã thân thiết hơn một cách đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một vấn đề về sự tín nhiệm giữa hai bên trong khi hợp tác chặt chẽ vì những lợi ích chiến lược.”
“Rất có thể [thỏa thuận này có thể gây tổn hại cho Nga] nếu Moscow trở nên quá phụ thuộc vào Bắc Kinh khi các liên hệ thương mại kinh tế, phát triển và quốc phòng giữa hai nước tiếp tục gia tăng,” ông Kessler cho hay.
“Hiện tại, Moscow có thể hoạt động trong phạm vi ảnh hưởng của họ và theo các điều khoản của họ, nhưng điều đó có thể thay đổi tùy thuộc vào viễn cảnh với Trung Quốc, Hoa Kỳ và các bên liên quan khác.”
Tuy nhiên, ông Fleming tin rằng mối bang giao giữa các quốc gia đã phát triển quá thân thiết và thỏa thuận vũ khí mới nhất này đã đưa ra thêm bằng chứng về một liên minh chống phương Tây và phản dân chủ đang ngày càng lớn mạnh.
Ông Fleming nói, “Trong vài năm qua, Trung Quốc, Nga, Iran, và Bắc Hàn đã chia sẻ công nghệ, các chiến thuật và huấn luyện quân sự trong một liên minh chống lại phương Tây và các nền dân chủ.”
“Điểm mấu chốt là Trung Quốc, Nga, Iran và Bắc Hàn đã liên kết chống lại và coi Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây của chúng ta là những kẻ thù.”
Huệ Giao biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: