Trung Quốc: Lượng chất thải y tế đang ở mức chưa từng có trong lịch sử
Gần đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã công bố kế hoạch yêu cầu các thành phố có ít nhất 10 triệu cư dân phải thiết lập các quầy xét nghiệm cách các khu dân cư chỉ 15 phút đi bộ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng chất thải y tế của Trung Quốc, hiện đã tăng lên mức chưa từng có, và có thể trở thành nguồn lây nhiễm thứ cấp tiềm ẩn, vốn ảnh hưởng đến cả cư dân lẫn môi trường xung quanh.
Ông La Hải Lâm (Luo Hailin), Phó Giám đốc Cục Môi trường và Sinh thái Thượng Hải, mới đây tiết lộ rằng thành phố này đã thu gom, vận chuyển và xử lý khoảng 68,500 tấn chất thải y tế kể từ hôm 01/03.
“Mức cao nhất là 1,400 tấn mỗi ngày, gấp sáu lần so với bình thường,” ông La cho biết trong một cuộc họp báo hôm 24/05.
Con số này tương hợp với những gì mà đài truyền hình nhà nước của ĐCSTQ, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã đưa tin, tuyên bố rằng lượng rác thải y tế thải ra ở Vũ Hán đã tăng gấp sáu lần trong ba tháng đầu tiên của đại dịch COVID-19 trong một bộ phim tài liệu vào ngày 30/03/2020.
Trong một cuộc phỏng vấn với Agence France-Presse (AFP), ông Lý Dật Phi (Li Yifei), một chuyên gia nghiên cứu môi trường tại Đại học New York Thượng Hải, đã cảnh báo rằng lượng chất thải y tế thải ra môi trường hàng ngày ở Trung Quốc đang ở mức “chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại.”
Chất thải y tế gây nguy hiểm cho sức khỏe
Theo một bài báo có nhan đề “Phương Châm Xét Nghiệm Hàng Loạt Của Trung Quốc Đang Tạo Ra Núi Rác” do Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (Voice of America) đăng tải, núi chất thải y tế khổng lồ được tạo ra do kết quả của chính sách zero COVID và các chính sách huy động cực đoan khác của ĐCSTQ đang trở thành một gánh nặng đối với nền kinh tế địa phương và gây ra một mối đe dọa đối với môi trường và sức khỏe con người.
Hơn nữa, những chiếc khẩu trang bị vứt bỏ đi, bộ dụng cụ xét nghiệm đã qua sử dụng, quần áo y tế, và các trang thiết bị bảo hộ khác có thể sẽ trở thành một nguồn lây nhiễm thứ cấp.
Ông Lý Yến Minh (Li Yanming), một nhà bình luận về các vấn đề Trung Quốc sống tại Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times rằng chất thải y tế có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con người nếu không được giải quyết đúng cách.
Ngoài ra, cô Vương Diễm (Wang Yan, hóa danh), y tá trưởng tại một bệnh viện ở Thiên Tân, nói với The Epoch Times rằng chất thải y tế được phân thành năm loại: hóa học, vật lý, dược phẩm, bệnh lý, và vật sắc nhọn, đồng thời việc tiêu hủy rác không đúng cách sẽ giải phóng các hợp chất hữu cơ độc hại vào không khí trở thành chất ô nhiễm không khí thứ cấp.
Phương pháp xử lý chất thải đáng ngờ
Ông Dương Quý Viễn (Yang Guiyuan), người có bằng tiến sĩ y khoa tại ngôi trường trước đây được gọi là Đại học Quân y số 1 Quảng Châu, nói với The Epoch Times rằng việc giải quyết chất thải y tế có quy trình phức tạp và tiêu chuẩn nghiêm ngặt, đó là lý do tại sao loại rác thải này được xếp đầu tiên trong Bảng kiểm kê Chất thải Nguy hại Quốc gia năm 2021 của Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo bài báo có nhan đề “Chất Thải Y Tế Tăng Gấp Sáu Lần, Làm Thế Nào Để Xử Lý Đúng Cách,” được xuất bản bởi tờ Nhân dân Nhật báo của ĐCSTQ hôm 20/06, nó là đặc trưng của “những đại bạch,” một biệt danh được đặt cho những người thi hành chính sách COVID-19 của Trung Quốc, họ vứt các thiết bị bảo hộ và bộ dụng cụ xét nghiệm đã qua sử dụng trong các thùng rác của khu dân cư. Hơn nữa, rác thải y tế dồn đống thường không được thu gom trong một thời gian dài.
Bài báo này cũng lưu ý rằng cứ 200,000 xét nghiệm COVID-19 sẽ tạo ra khoảng một tấn chất thải y tế, theo kế hoạch trong chiến lược zero COVID của ĐCSTQ. Căn cứ vào đó có thể hiểu rằng mỗi ngày có hàng ngàn tấn chất thải y tế sản sinh trên toàn quốc.
Sản phẩm tiêu dùng từ chất thải y tế
Trong một bộ phim tài liệu vào tháng 03/2019, kênh truyền hình nhà nước CCTV đã tiết lộ một mạng lưới ngầm sản xuất đồ tái chế từ rác thải y tế, vốn được bán và sử dụng trái phép để làm các vật dụng nhà bếp (thìa, muỗng, cốc, dĩa, v.v) dùng một lần và đồ chơi trẻ em.
Theo bộ phim tài liệu này, các hạt nhựa, được nghiền nát và chia nhỏ từ các túi dung dịch, túi đựng máu, và các loại chất thải y tế khác đã qua sử dụng mà không được vệ sinh, đã được các nhà sản xuất sử dụng để tạo ra các sản phẩm như cốc, túi, xô, hộp, và đồ chơi.
Do giá thành rẻ, những mặt hàng này đang được các nhà bán lẻ và chủ nhà hàng trên khắp Trung Quốc ưa chuộng.
Tuy nhiên, Sunday Kiss, một trong những nền tảng nuôi dạy con cái phổ biến nhất ở Hồng Kông, đã cảnh báo về những nguy cơ sinh học tiềm ẩn liên quan đến việc tái chế rác thải y tế không đúng cách.
“Nó có thể chứa các hóa chất độc hại, chất thải phóng xạ, và mầm bệnh gấp một ngàn lần so với rác sinh hoạt thông thường,” bài báo này lưu ý. “Rất có thể sẽ lây truyền bệnh nếu không có quy trình vệ sinh thích hợp.”
Bà Winnie Han tường thuật về tin tức Trung Quốc cho The Epoch Times.