Trung Quốc lợi dụng vấn đề thịt heo của Mỹ để thao túng cuộc trưng cầu dân ý của Đài Loan
Bốn kết quả trưng cầu dân ý của Đài Loan đã được công bố vào ngày 18/12. Đa số đã bỏ phiếu không cho cả bốn vấn đề bao gồm cả lệnh cấm nhập cảng thịt heo được cho ăn chất phụ gia (chất kích thích tăng trưởng) từ Hoa Kỳ, vốn được coi là có thể ảnh hưởng đến mối liên hệ giữa Đài Loan và Hoa Kỳ.
Các tổ chức và chuyên gia Đài Loan chỉ trích công khai Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì đã cố gắng thao túng dư luận ở Đài Loan bằng cách truyền bá thông tin sai lệch về vấn đề nhập cảng thịt heo của Hoa Kỳ trước cuộc trưng cầu dân ý.
IORG (Tổ chức Nghiên cứu Hoạt động Thông tin), một tổ chức phi chính phủ của Đài Loan nghiên cứu việc xâm nhập và thao túng thông tin của chế độ cộng sản Trung Quốc ở Đài Loan, đã cho thấy rằng các phương tiện truyền thông chính thức của nhà cầm quyền này đã lan truyền những thông tin sai lệch như “Hoa Kỳ đang liên tục thu được lợi ích từ Đài Loan bằng cách bán thịt heo nhiễm bẩn và vũ khí” kể từ ngày 10/04.
Kể từ tháng Năm, Đài Loan đã trải qua một đợt dịch COVID-19 cục bộ. IORG nói rằng chiến dịch thông tin sai lệch của ĐCSTQ đã lợi dụng tình trạng thiếu vaccine ở Đài Loan vào thời điểm đó để tuyên bố “ngay cả khi Đài Loan mua thịt heo và vũ khí từ Hoa Kỳ, thì họ vẫn không thể nhận được vaccine COVID-19 từ Hoa Kỳ.” Theo IORG, sau khi Hoa Kỳ tuyên bố vào ngày 06/06 rằng họ sẽ tặng 750,000 liều vaccine cho Đài Loan, ĐCSTQ lại thay đổi luận điệu của mình để cố gắng thao túng cuộc trưng cầu dân ý của Đài Loan bằng cách tuyên bố “bởi vì Đài Loan đã mua thịt heo được cho ăn chất phụ gia và vũ khí từ Hoa Kỳ, nên nước này mới nhận được vaccine của Mỹ.”
IORG cho thấy rằng ĐCSTQ đã lan truyền những tường thuật sai sự thật về thịt heo trên các phương tiện truyền thông xã hội và trong giới truyền thông Đài Loan, mà không có bằng chứng khoa học trong một chiến dịch thông tin sai lệch đánh vào sự sợ hãi. Những thông tin sai lệch như vậy bao gồm “Thịt heo Đài Loan được phát hiện là đã vượt quá tiêu chuẩn ractopamine ở Hồng Kông,” “Các sản phẩm từ heo của Đài Loan được bán ở Hồng Kông, và thịt heo được nuôi bằng chất phụ gia cũng được bán ở Đài Loan,” “Quân đội Đài Loan đã tiêu thụ thịt heo Mỹ có dư lượng ractopamine,” “160 quốc gia cấm nhập cảng thịt heo của Hoa Kỳ có dư lượng ractopamine”, “Đảng cai trị nhập cảng thịt heo được nuôi bằng chất phụ gia, bán rẻ sức khỏe của người dân,” “Truyền thông chính thức Trung Quốc trích dẫn nhận xét của cư dân mạng, đem so sánh thịt heo được cho ăn chất phụ gia với việc đầu độc” v.v..
IORG cho biết: “ĐCSTQ quan tâm nhất đến việc Đài Loan nhập khẩu thịt heo của Hoa Kỳ có chứa dư lượng ractopamine, và họ sử dụng vấn đề này để kích động tinh thần chống Mỹ.”
IORG giải thích rằng vấn đề nhập cảng thịt heo của Hoa Kỳ có liên quan trực tiếp đến mối liên hệ giữa Đài Loan và Hoa Kỳ. Vì vậy, ĐCSTQ đã có động cơ cố gắng tác động đến dư luận ở Đài Loan để làm Hoa Kỳ phẫn nộ. Vấn đề an toàn thực phẩm là rất nhạy cảm trong xã hội Đài Loan. ĐCSTQ có thể khiến công chúng mất niềm tin vào chính phủ bằng cách công khai “những rủi ro về sức khỏe” của thịt heo Mỹ.
Trước khi diễn ra hoạt động biểu quyết cho bốn cuộc trưng cầu dân ý, IORG đã đưa ra các báo cáo trong ba tuần liên tiếp để phân tích thông tin sai lệch và sự can thiệp vào cuộc trưng cầu dân ý của chính quyền Trung Quốc ở Đài Loan dựa trên dữ liệu khoa học. Báo cáo mới nhất được công bố hôm 16/12 này đã chỉ ra rằng thông tin sai lệch quan trọng nhất trước thềm cuộc trưng cầu dân ý bao gồm: “160 quốc gia cấm nhập cảng thịt heo của Hoa Kỳ có dư lượng ractopamine” và “Các sản phẩm từ heo của Đài Loan được bán ở Hồng Kông.” Ngay cả sau khi hành động này nhiều lần được giải thích rõ ràng trong hội nghị trưng cầu dân ý và các bản tin, nhưng thông tin sai lệch của ĐCSTQ gần đây vẫn được lan truyền rộng rãi trong các nhóm của LINE (ứng dụng truyền thông xã hội phổ biến ở Đài Loan).
Chuyên gia về chất độc người Đài Loan Chiêu Minh Uy (Zhao Ming-wei) đã cho thấy trên Facebook rằng tuyên bố “160 quốc gia cấm nhập cảng thịt heo của Hoa Kỳ có dư lượng ractopamine” là không chính xác. Chỉ có 39 quốc gia trên thế giới không cho phép nhập cảng thịt heo. Hầu hết các quốc gia trên thế giới và tất cả các quốc gia tham gia hiệp định thương mại CPTPP, chẳng hạn như Úc, New Zealand, Indonesia, Philippines, Malaysia, Hồng Kông, Việt Nam và những quốc gia có thói quen ăn kiêng tương tự như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, tổng số 109 quốc gia, đã mở cửa nhập cảng thịt heo.
Ông nói: “thịt heo Mỹ được nuôi bằng chất phụ gia nguyên ban đầu là một vấn đề chính trị. Vấn đề đó chỉ đơn thuần bị bóp méo thành một vấn đề an toàn thực phẩm. Không có cơ sở khoa học hay lập luận logic nào cả, và chỉ gây ra tổn hại cho đảo Đài Loan thôi.”
Bà Gia Hà Mỹ (He Mei-hsiang), một nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Y sinh của Academia Sinica và là chuyên gia phòng chống dịch của Đài Loan, cho biết “dư lượng ractopamine chỉ được tìm thấy trong khoảng 20% trong số 240 mẫu và chúng chứa ít hơn 5/1 tỷ ( 5ppb), thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn quốc tế là 10ppb.” Bà nói thêm rằng chính phủ Hoa Kỳ có cơ chế giám sát liên tục đối với các sản phẩm thịt được đưa ra thị trường và sẽ không có chất ractopamine nào vượt quá tiêu chuẩn. Theo thông tin của Hội đồng Nông nghiệp, cho đến nay, chưa phát hiện loại thịt nào có dư lượng ractopamine vượt tiêu chuẩn trong các mẫu thịt được kiểm nghiệm của Mỹ.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn cho biết vào ngày 18/12 rằng kết quả của cuộc trưng cầu dân ý này truyền tải thông điệp rằng người dân Đài Loan hy vọng sẽ vươn ra toàn cầu và tham gia tích cực vào hợp tác quốc tế.
Ông Alex Wu là một tác giả của The Epoch Times tại Hoa Kỳ, chuyên về xã hội Trung Quốc, văn hóa Trung Quốc, nhân quyền và các mối liên hệ quốc tế.
Bản tin có sự đóng góp của Zhong Yuan
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: