Trung Quốc lợi dụng Hồng Kông để đánh cắp kỹ thuật phương Tây, nhưng kế hoạch khó bắt đầu
Sau khi Trung Quốc gặp phải sự phong tỏa kỹ thuật của Hoa Kỳ, hiện đang hy vọng đến việc xây dựng trung tâm sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc tế ở Hồng Kông để tiếp thu kỹ thuật nước ngoài. Tuy nhiên các học giả cho rằng, sau hàng loạt cuộc đàn áp của Trung Quốc, Hồng Kông đã hoàn toàn thay đổi, không còn chút ưu thế nào.
Sau khi phiên họp toàn thể lần thứ năm Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 19 (Quốc hội khóa 19) của Trung Quốc bế mạc chiều ngày 29/10, hôm sau Trung ương Trung Quốc đã tổ chức cuộc họp báo lần đầu tiên. Các cán bộ của Ban Tuyên giáo trung ương, Phòng nghiên cứu chính sách trung ương, Văn phòng Tài chính – Kinh tế Trung ương, Ban Cải cách và Phát triển và các cán bộ khác có liên quan đã tham dự cuộc họp và trả lời câu hỏi của các phóng viên.
Hàn Văn Tú, Phó chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban tài chính Trung Quốc tại buổi họp báo khi đề cập đến Hồng Kông có nói, đây là thể chế kinh tế tự do nhất trên thế giới, sự phát triển kinh tế Hồng Kông có cơ sở rất tốt, ưu thế đặc biệt, ví dụ có lượng lớn nhân tài chuyên nghiệp tư chất cao, có liên hệ rộng rãi với kinh tế thế giới.
Hàn Văn Tú còn chia sẻ, hy vọng rằng thời kỳ “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14”, lãnh đạo Trung Quốc “sẽ hỗ trợ Hồng Kông nâng cao ưu thế cạnh tranh, xây dựng Trung tâm Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật Quốc tế”…
Tuy nhiên, các học giả nước ngoài nhận định rằng ưu thế của Hồng Kông mà Hàn Văn Tú đề cập trước khi Trung Quốc thực hiện Luật An ninh Quốc gia. Sau khi luật này được thực thi, xã hội quốc tế đã coi Hồng Kông là một phần của Trung Quốc đại lục, ưu thế này đã biến mất.
Theo bài báo từ Đài Châu Á Tự do, dịch bệnh khiến Bắc Kinh đối diện với sự cô lập về ngoại giao chưa từng có, những lời nói này của Hàn Văn Tú, cho thấy Bắc Kinh coi Hồng Kông là “bao tay trắng” để giới thiệu khoa học kỹ thuật tiên tiến và nhân tài đỉnh cao.
Báo cáo dẫn lời giáo sư Dương Hải Anh của đại học Shizuoka Nhật Bản cho thấy, sóng gió chính trị liên tiếp đã khiến Hồng Kông hoàn toàn thay đổi, tính toán của Bắc Kinh rất khó thành công.
Ông Dương bày tỏ: “Trước đây Trung Quốc một mặt lợi dụng Hồng Kông để hút vốn phương Tây, mặt khác thu thập những phản ứng và tin tức của Tây phương, cũng đưa về một số khoa học kỹ thuật tiên tiến. Tuy nhiên, hiện tại nó đàn áp Hồng Kông, không cho Hồng Kông được hưởng sự tự do như trước đây, các quốc gia trên thế giới đều biết tình trạng khó khăn Hồng Kông đang gặp phải”.
Ông Dương cũng tiết lộ, trước đây giao lưu học thuật giữa hai nước Trung Nhật tương đối chặt chẽ, nhưng gần đây sự việc ở Hồng Kông đã khiến chính phủ Nhật Bản chú ý.
Ngày 27/10, trường uy tín nhất của Hồng Kông, Đại học Hồng Kông đã bổ nhiệm hai giáo sư của Đại học Thanh Hoa Bắc Kinh là Thân Tác Quân và Cung Bằng làm phó hiệu trưởng, trong đó ông Thân Tác Quân từng là ủy viên đảng ủy của Trung Quốc tại đại học Thanh Hoa, điều này khiến thế giới lo lắng rằng tự do học thuật trong các trường đại học ở Hồng Kông sẽ chỉ tồn tại trên danh nghĩa.
Ông Dương Hải Anh chia sẻ: “Đương nhiên chính phủ Nhật Bản sẽ không nói những điều này trước mặt mọi người, nhưng tiếng nói phê bình từ người dân là rất lớn, chính phủ cũng không thể coi nhẹ ý kiến của họ. Đương nhiên khoa học không có biên giới quốc gia, nhưng Trung Quốc là quốc gia độc tài, nếu nó dùng vũ khí này (khoa học) để đối phó lại Hoa Kỳ và Nhật Bản, thì bất cứ quốc gia nào cũng đều không thể dung thứ cho điều này”.
Hiện nay quan hệ Trung Quốc Hoa Kỳ chuyển biến xấu một cách toàn diện, hai bên không những xảy ra chiến tranh thương mại, Hoa Kỳ còn bắt đầu trừng phạt toàn diện và bao vây tiễu trừ Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực như ngoại giao, quân sự, khoa học kỹ thuật, kinh tế, tài chính, tuyên truyền (bao gồm gián điệp), hai bên cắt đứt quan hệ trên mọi phương diện. Tuy nhiên, theo tin của Đài Tiếng nói Hoa kỳ ngày 30/10, điều làm Trung Quốc cảm thấy đau đầu nhất là Hoa Kỳ và các nước Tây phương đều triển khai ngăn chặn khoa học công nghệ đối với Trung Quốc.
Hiện tại, Trung Quốc đang có mưu đồ lợi dụng Hồng Kông để có được công nghệ cao của phương Tây, tuy nhiên trước mắt Hồng Kông cũng gặp phải chế tài phổ biến ở xã hội quốc tế.
Ngày 30/6, lãnh đạo Trung Quốc bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của xã hội quốc tế, thông qua “Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông” và đêm hôm đó thực thi tại Hồng Kông.
Trung Quốc công khai xé bỏ “Tuyên bố chung Trung Quốc – Anh Quốc”, dẫn tới sự trừng phạt của xã hội quốc tế. Các quốc gia tự do Tây phương như Hoa Kỳ, Anh Quốc, Canada, Đức… liên tiếp tuyên bố áp dụng các biện pháp trừng phạt, chấm dứt địa vị đặc thù của Hồng Kông, ngừng xuất khẩu các sản phẩm quốc phòng sang Hồng Kông, ngừng xuất khẩu thiết bị trang bị quân sự nhạy cảm tới nơi này, thực hiện hạn chế mới về thương mại đối với các sản phẩm khoa học kỹ thuật quân-dân lưỡng dụng xuất khẩu sang Hồng Kông, tạm dừng thỏa thuận dẫn độ đối với Hồng Kông…
Ngày 13/8, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói, trong tình trạng thắt chặt quản chế của Trung Quốc, Hồng Kông sẽ vĩnh viễn không thể giành được thành công. Ông bày tỏ, trước đây Hoa Kỳ đã dành cho Hồng Kông rất nhiều biện pháp ưu đãi, là dựa trên cơ sở Hồng Kông được tự do. Hiện nay, sau khi chấm dứt địa vị đãi ngộ đặc biệt đối với Hồng Kông, địa vị trung tâm tài chính quốc tế của Hồng Kông chắc chắn sẽ kết thúc.
Trước đây ông Trump cũng nhiều lần bày tỏ, Trung Quốc thực hiện “Luật an ninh quốc gia Hồng Kông”, biến “một quốc gia hai chế độ” trở thành “một quốc gia một chế độ”.
Đồng thời, Hoa Kỳ còn đối đãi Hồng Kông và Trung Quốc đại lục như nhau, từ ngày 10/11 sẽ cấm các sản phẩm Hồng Kông dán tem “Sản xuất tại Hồng Kông”, phải sửa thành “Sản xuất tại Trung Quốc” mới có thể xuất khẩu sang Hoa Kỳ.