Trung Quốc lo lắng về ‘hiệu ứng lan tỏa’ từ các lệnh trừng phạt Nga
Trung Quốc, nước không lên án Nga xâm lược Ukraine, đã nêu lên mối lo ngại về “hiệu ứng lan tỏa” của các lệnh trừng phạt quốc tế toàn diện nhằm vào Moscow.
“Cả [Trung Quốc lẫn Pakistan] đều bày tỏ lo ngại về hiệu ứng lan tỏa của các lệnh trừng phạt đơn phương,” Reuters đưa tin về lời tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị gặp người đồng cấp Pakistan Shah Mahmood Qureshi hôm 21/03. “Cả hai đều kêu gọi ngừng bắn thông qua đối thoại ngoại giao và hy vọng rằng dựa trên nguyên tắc an ninh không thể chia cắt này, có thể tìm ra giải pháp căn bản cho vấn đề Ukraine.”
Bộ Ngoại giao Pakistan đã ra tuyên bố kêu gọi ngừng bắn nhưng không đề cập đến bất kỳ lo ngại nào về các lệnh trừng phạt của phương Tây. Giống như Trung Quốc, Pakistan đã né tránh việc lên án cuộc xâm lược của Nga.
Những bình luận này của Bộ Ngoại giao Trung Quốc được đưa ra vài ngày sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Lạc Ngọc Thành (Le Yucheng) gọi các biện pháp trừng phạt này là “ngày càng thái quá” trong khi trình bày tại một diễn đàn an ninh ở Bắc Kinh. Vị thứ trưởng này cho biết các công dân Nga đang bị tước đoạt tài sản ngoại quốc của họ mà “không có lý do”.
“Lịch sử đã hết lần này đến lần khác chứng minh rằng các biện pháp trừng phạt không thể giải quyết được vấn đề. Các biện pháp trừng phạt sẽ chỉ làm tổn hại dân thường, tác động đến hệ thống kinh tế và tài chính … và khiến nền kinh tế toàn cầu xuống dốc.”
Ông Ngọc Thành cũng đứng về phía Moscow khi tuyên bố rằng NATO không nên mở rộng về phía đông thêm nữa. Việc NATO theo đuổi “an ninh tuyệt đối” đang dẫn đến “phi an ninh tuyệt đối,” ông Ngọc Thành nói trong khi cảnh báo rằng việc đẩy một cường quốc hạt nhân như Nga vào chân tường sẽ [gây ra kết quả] “không thể nào tưởng tượng nổi.”
Mặc dù Trung Quốc chưa chính thức lên án Nga vì đã xâm lược Ukraine, nhưng họ cũng chưa cung cấp bất kỳ sự viện trợ nào cho cuộc chiến của Moscow.
Ví dụ, các lệnh trừng phạt của phương Tây đang ngăn không cho các nhà sản xuất phi cơ Airbus và Boeing cung cấp các phụ tùng cho các hãng hàng không Nga. Điều này cũng đúng đối với các nhà sản xuất động cơ phản lực. Việc không nhận được các bộ phận đúng thời hạn có nghĩa là Nga có thể sẽ phải lái những chiếc phi cơ không tuân thủ các tiêu chuẩn bảo dưỡng và an toàn thích hợp. Trung Quốc đã từ chối yêu cầu của Nga về việc cung cấp các phụ tùng cho phi cơ.
Tương tự, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Á Châu có trụ sở tại Bắc Kinh đã đình chỉ tất cả các hoạt động ở Nga và Belarus theo sau cuộc xâm lược Ukraine này, tuyên bố rằng hành động như vậy là vì lợi ích tốt nhất của ngân hàng này. Quyết định sẽ giữ lại khoản cho vay trị giá 1.1 tỷ USD nhằm cải thiện mạng lưới đường bộ và đường sắt của Nga.
Bắc Kinh cũng chưa cho phép Moscow chuyển đổi nguồn dự trữ nhân dân tệ của mình sang euro hoặc dollar Mỹ, một điều sẽ rất có lợi cho Nga ở thời điểm hiện tại. Bà Alicia García-Herrero, chuyên gia kinh tế hàng đầu về Á Châu Thái Bình Dương tại Natixis, nói với CNN rằng lý do Bắc Kinh từ chối yêu cầu như vậy có thể là vì đề nghị đó không nằm trong lợi ích kinh tế của Trung Quốc.
“Rủi ro thanh danh về khả năng vi phạm các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ là một bước tiến lớn mà PBOC [ngân hàng trung ương Trung Quốc] phải thực hiện và do đó điều này rất khó xảy ra,” bà nói. “Lợi ích dài hạn của việc xích lại gần Nga có thể không cân xứng với tác động của việc các nhà đầu tư phương Tây đột nhiên mất hứng thú với Trung Quốc.”
Ông Naveen Athrappully là một phóng viên tin tức đưa tin về các sự kiện kinh tế và thế giới cho The Epoch Times.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: