Trung Quốc: Lộ bức điện khẩn yêu cầu các địa phương phải sẵn sàng chống dịch
Mới đây, Epoch Times đã thu thập được một bức điện khẩn trong nội bộ chính quyền Trung Quốc tiết lộ một số bí mật mới về tình hình dịch COVID-19. Trong đó gồm cả việc các nhà chức trách thông báo khẩn cấp, yêu cầu tất cả các địa phương chuẩn bị sẵn sàng chống dịch.
Bức điện khẩn yêu cầu các địa phương tăng cường công tác chuẩn bị chống dịch
Vào ngày 1/10, Ban lãnh đạo phòng chống dịch tỉnh Phúc Kiến chuyển tiếp Thông báo về việc phòng chống dịch trong lễ Quốc khánh do Quốc vụ viện ban hành (Văn bản số 105 (2021) do Quốc vụ viện ban hành).
Trước đó một hôm, tức ngày 30/9, Ban lãnh đạo phòng chống dịch tỉnh Phúc Kiến chuyển tiếp Thông báo tăng cường hơn nữa công tác phòng chống dịch do Quốc vụ viện ban hành. (Văn bản số 10 (2021) do Quốc vụ viện ban hành).
Thông báo mới nhất về việc tăng cường công tác phòng chống dịch của Bắc Kinh cho thấy các nhà chức trách đã xác định “các cụm dịch bùng phát ở địa phương” kể từ tháng 5 năm nay là “do xâm nhập từ nước ngoài”; và yêu cầu tất cả các địa phương tăng cường “chuẩn bị cho các đợt bùng phát tại địa phương.”
Khi yêu cầu tăng cường chuẩn bị để ứng phó khẩn cấp với dịch bệnh, các nhà chức trách đã đưa ra ít nhất hai tiêu chuẩn như sau:
- Yêu cầu bố trí khu cách ly tập trung. Trước cuối tháng 10, thiết lập các điểm cách ly, phòng cách ly tập trung theo tiêu chuẩn cứ 1 vạn dân cần chuẩn bị ít nhất 20 phòng. Về nguyên tắc, quy mô mỗi điểm cách ly bố trí hơn 100 phòng.
- Công tác điều tra dịch bệnh phải đạt được “2 + 4 + 24”, tức là đến hiện trường trong vòng 2 giờ, hoàn thành điều tra thông tin cần thiết trong vòng 4 giờ và hoàn thành việc điều tra tình hình cụ thể về nơi ở, nơi làm việc, lịch sử di chuyển, thành viên trong gia đình của người bị nhiễm bệnh, v.v. trong vòng 24 giờ.
Thông báo cũng yêu cầu thiết lập hệ thống 5-1, tức là cán bộ phường xã, đội ngũ liên lạc cộng đồng, nhân viên y tế cơ sở, cảnh sát và tình nguyện viên cùng “thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống và kiểm soát tại cộng đồng”. Điều này có nghĩa là, phong tỏa cộng đồng và ngăn chặn dịch bệnh từ ngoài vào.
Thông báo phòng chống đại dịch trong ngày Quốc khánh cũng yêu cầu “liên tục tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó khẩn cấp”, bao gồm việc bố trí các điểm cách ly theo chỉ tiêu mỗi 1 vạn dân cần chuẩn bị ít nhất 20 phòng, và thực hiện chỉ tiêu “2 + 4 + 24” trong công tác điều tra dịch bệnh.
Lộ văn bản yêu cầu thiết lập số lượng phòng cách ly
Vào ngày 20/9 Tân Hoa Xã đã trích dẫn thông báo từ Ủy ban Y tế tỉnh Phúc Kiến cho biết, tính đến ngày 19/9, tỉnh Phúc Kiến đã thiết lập 296 điểm cách ly tập trung (khách sạn biệt lập) và chuẩn bị 35,691 phòng.
Theo số liệu điều tra dân số mới nhất của Trung Quốc, dân số thường trú của tỉnh Phúc Kiến vào năm 2020 là 41.54 triệu người.
Thông báo mới nhất về phòng chống dịch bệnh của ĐCSTQ, thì “mỗi 10,000 dân chuẩn bị ít nhất 20 phòng” thì tỉnh Phúc Kiến cần chuẩn bị ít nhất 83,000 phòng cách ly vào cuối tháng 10.
Điều này có nghĩa là tỉnh Phúc Kiến cần chuẩn bị thêm 47,000 phòng cách ly trong vòng chưa đầy một tháng, và số lượng phòng cách ly cần tăng 133%.
Tiến sĩ Lâm Hiểu Húc, từng là chuyên gia nghiên cứu virus học tại Viện Nghiên cứu Quân đội Hoa Kỳ, nhận định “điều này cho thấy Bắc Kinh đang lo lắng về sự gia tăng của dịch bệnh. Họ nhất định là đã che giấu tình hình thực sự ở Trung Quốc, nếu không sẽ không đưa ra thông báo khẩn cấp quốc gia như vậy”.
Ông cũng nói, “Thông báo cho thấy ĐCSTQ đang lấy biện pháp phòng ngừa và tăng cường kiểm soát để giám sát chặt chẽ và tiếp tục bóc lột người dân.” Ông cho biết, chỉ tiêu 5-1 được nói đến thực chất là một biện pháp tăng cường kiểm soát xã hội trong nội bộ địa phương, “suy cho cùng cũng chỉ có mục đích là để tăng cường kiểm soát”.
“Trừ thủ tục test COVID ra thì tất cả các biện pháp phòng chống dịch bệnh của ĐCSTQ đều là dưới hình thức vận động chính trị. Ví dụ, không nói không rằng đưa anh đi cách ly, nhốt anh ở trong đó. Điểm cách ly cũng có thể trở thành nơi đàn áp chính trị. Bất cứ ai cũng có thể bị tước đoạt mọi quyền lợi của mình, chỉ cần chụp cho bạn cái mũ ‘dương tính với virus’”.
Ông Lâm Hiểu Húc nhấn mạnh, “Điểm cách ly của ĐCSTQ thực ra là một hình thức khác của trại tập trung.”
Chuyên gia: Phòng chống dịch bệnh là dối trên lừa dưới
“Toàn bộ văn kiện không có bất kỳ nội dung nào nhằm nâng cao độ nhạy, độ chính xác, kế hoạch điều trị y tế, v.v. của việc phát hiện ca bệnh. Xuyên suốt văn bản chỉ là kiểm soát xã hội. Cách làm này thực chất chính là một cuộc vận động chính trị và xã hội quy mô lớn. Hơn nữa, việc kiểm soát xã hội sẽ được thực hiện chặt chẽ và toàn diện hơn, đồng thời tăng cường thu thập thông tin dưới danh nghĩa phòng chống dịch bệnh. Không ai có thể thoát khỏi chương trình giám sát Big Data của Trung Cộng”.
“Nếu có người không chịu hợp tác, anh ta sẽ bị đưa đi cách ly với cái cớ là để phòng chống dịch”, tiến sĩ Lâm cho biết.
Tiến sẽ Lâm phân tích, “Phòng chống dịch, cách ly và thiết lập các điểm cách ly đã trở thành thủ đoạn ‘làm ăn phát tài’ của chính quyền địa phương. Mỗi người một phòng cách ly, mỗi lần cách ly từ 3 tuần đến 1 tháng. Họ sẽ kiếm được không ít tiền”.
Ông cũng chỉ ra rằng chỉ tiêu “2 + 4 + 24” là “Dối trên lừa dưới. Vì kiểu chính sách này sẽ có nhiều khu vực không cách nào thực hiện được. Trung ương ra chính sách như vậy, cấp dưới liền mượn cớ đó để trích lập tài chính. Điều đó cũng làm tăng thêm gánh nặng cho cấp dưới nữa là chính quyền địa phương. Như thế, việc phòng chống dịch bệnh đã trở thành “con cờ” để bóc lột chính trị.”
Ông nhận định loại hành động này mang đậm sắc thái chính trị chứ không hề mang tính khoa học. “Tôi nghĩ chính quyền địa phương cũng biết tình hình này và biết rằng đó là một phong trào chính trị.”
“Xâm nhập từ nước ngoài, đây là lời đổ tội trắng trợn”
Ông Lâm Hiểu Húc cũng nói rằng ĐCSTQ đã quy chụp làn sóng dịch bệnh này là do ca nhiễm nhập cảnh vào Trung Quốc”, điều này hiển nhiên là gắp lửa bỏ tay người. “Xâm nhập từ nước ngoài hiện đã trở thành biện pháp giải quyết vấn đề của Trung Cộng. Bởi vì chính quyền các cấp cần tuân theo chỉ tiêu chính trị “không ca mắc”, nên “xâm nhập từ nước ngoài” trở thành một khuôn mẫu cho các ca mắc, các quan chức đồng loạt đổ trách nhiệm lên “xâm nhập từ nước ngoài”.
Theo thông báo của Trung Cộng vào ngày 4/10, một ca mắc mới ở Trường Xuân đã được cách ly trong 30 ngày sau khi trở về Trung Quốc, và sau 44 ngày nhập cảnh thì phát hiện bị lây nhiễm. Nhưng cuối cùng các nhà chức trách đã nhận định đây là “bị lây nhiễm từ nước ngoài”
Ông Lâm Hiểu Húc nói, “Điều này thật vô lý. Bản thân việc cách ly 30 ngày đã là không hợp lý rồi. Sau đó bị mắc COVID thì lại nói là ca mắc từ nước ngoài. Đây vốn dĩ phải là ca mắc ở địa phương. Tuy nhiên, lý do hoang đường ấy lại trở thành cách giải quyết vấn đề của ĐCSTQ.”
Phóng viên đã gọi điện đến Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trường Xuân, đề nghị phát biểu ý kiến về các ca mắc bị phát hiện sau 44 ngày nhập cảnh vào Trung Quốc nhưng bị cho là “lây nhiễm từ nước ngoài”. Đầu dây bên kia trả lời: “Ủy ban Y tế, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, và Cục điều tra đều tham gia điều tra. Đây là kết luận chính thức”.
Kể từ tháng 3/2021, biến thể Delta, với khả năng lây lan và gây tử vong cao hơn, đã lây lan nhanh chóng khắp các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Trung Quốc. Kênh Reuters đưa tin vào ngày 9/8 rằng virus Delta đã tàn phá Hoa Kỳ, với số ca mắc mới và số ca nhập viện đạt mức cao nhất trong vòng sáu tháng, và số ca tử vong tăng 18% trong vòng một tuần.
Theo thông báo của Bắc Kinh, sau khi biến thể Delta bùng phát ở nước ngoài, mặc dù các ca mắc virus Delta ở nước ngoài đã xâm nhập vào Trung Quốc, nhưng cho đến nay vẫn chưa có ca tử vong nào. Hôm 6/10, Ủy ban Y tế Trung Quốc đã thông báo rằng số ca tử vong tích luỹ do virus COVID-19 của Trung Quốc luôn duy trì ở con số 4,636 người kể từ ngày 25/1/2021 và không tăng cho đến nay.
Kể từ khi bùng phát dịch virus ở Trung Quốc, Bắc Kinh đã luôn che giấu số ca mắc và tử vong thực tế, nên các số liệu Trung Cộng đưa ra thường bị dư luận nghi ngờ.
Do Diệp Tử Minh, Lạc Á, Long Đằng Vân thực hiện
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: