Trung Quốc lặng lẽ huy động 1,8 tỷ USD trên Sàn chứng khoán Luân Đôn
Trong khi công chúng Anh Quốc tập trung sự chú ý vào dự án 5G của Huawei tại quốc gia này thì Trung Cộng âm thầm huy động gần 2 tỷ USD trên Sàn giao dịch chứng khoán Luân Đôn vào tháng trước, thông qua chương trình niêm yết đặc biệt giữa London và Thượng Hải.
Nhiều công ty dự kiến sẽ được niêm yết trong những tháng tới.
Vào ngày 17/6, Tập đoàn Bảo hiểm Pacific Trung Quốc (CPIC) đã niêm yết 514 triệu cổ phiếu hạng A (cổ phiếu đang giao dịch tại Trung Quốc) tại Sở Giao dịch Chứng khoán Luân Đôn (LSE) dưới hình thức Chứng chỉ lưu ký toàn cầu (GDR) thông qua một chương trình có tên gọi là “Liên kết chứng khoán Thượng Hải – Luân Đôn”, hoàn tất huy động 1,8 tỷ USD vào thời điểm mà quan hệ Anh Quốc-Trung Cộng dường như đang tuột dốc thảm hại.
Tương tự như nhiều công ty lớn khác ở Trung Quốc, phần lớn tỷ lệ cổ phần của CPIC thuộc sở hữu các công ty quốc doanh, mà rốt cuộc là thuộc sở hữu của chính quyền trung ương hoặc địa phương của Trung Cộng. Ngay tại thời điểm này, hơn 45% cổ phần của CPIC thuộc sở hữu của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc và của chính quyền Thượng Hải.
CPIC là tổ chức phát hành thứ hai thông qua chương trình liên kết này, sau Công ty chứng khoán Huatai, huy động được 1,7 tỷ USD vào năm ngoái. Chính quyền tỉnh Giang Tô là một cổ đông chính của Công ty Chứng khoán Huatai.
Nhiều công ty được nhà nước “chống lưng” đã sẵn sàng lên niêm yết ở Anh. Vào ngày 11/6, hội đồng quản trị của Công ty Điện lực Yangtze Trung Quốc đã thông qua việc niêm yết GDR tại Luân Đôn. Hơn 63% cổ phần công ty thực sự thuộc sở hữu của Bắc Kinh, phần lớn cổ phần còn lại được phân chia giữa một số chính quyền địa phương ở Quý Châu, Vân Nam và Thượng Hải.
Hội đồng quản trị Tập đoàn điện lực SDIC đã thông qua việc niêm yết GDR tại Anh vào tháng 7/2019, nhưng đến tháng 12/2019 đã quyết định hoãn niêm yết do thị trường không thuận lợi. Họ cũng kỳ vọng sẽ tái khởi động tiến trình này. Bắc Kinh sở hữu hơn 56% tại SDIC.
Trung Cộng tiếp cận nhanh vào nguồn vốn nước ngoài
So với việc niêm yết cổ phiếu thông thường, chương trình liên kết niêm yết GDR cho phép các công ty Trung Quốc tiếp cận nguồn vốn quốc tế dễ dàng hơn.
Theo chương trình này, các công ty đủ điều kiện niêm yết trên một sàn giao dịch này có thể lưu ký cổ phiếu gốc của mình tại một ngân hàng lưu ký địa phương, và tiến hành niêm yết “chứng chỉ” được phát hành bởi tổ chức lưu ký trên một sàn giao dịch khác. Những “chứng chỉ” này được giao dịch như các cổ phiếu bình thường. Cùng với việc niêm yết GDR, các công ty Trung Quốc bỏ qua được một số yêu cầu nghiêm ngặt của những quy định liên quan đến niêm yết cổ phiếu, chẳng hạn như giám sát doanh thu ba năm liên tiếp.
Trong trường hợp của CPIC, dường như có một số ngoại lệ đáng kể. Vào ngày 17/6, Chủ tịch CPIC Kong Qingwei nói với CGTN, chi nhánh tại ngoại quốc của một công ty truyền thông Trung Cộng, rằng việc niêm yết CPIC đã làm nên lịch sử một số lĩnh vực.
Đây là công ty đầu tiên phát hành GDR áp dụng hệ thống chuẩn mực kế toán Trung Quốc, trái ngược với Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế của Châu Âu (IFRS) hoặc Nguyên tắc kế toán chung (GAAPs) bắt buộc áp dụng. Đây cũng là công ty ngoài phạm vi châu Âu đầu tiên được miễn điều kiện cổ đông đại chúng tối thiểu. Cả hai ngoại lệ này đã giúp cho việc niêm yết của các doanh nghiệp, do Trung Cộng kiểm soát chặt chẽ, trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Ông Kong đã tránh đề cập đến một sự kiện mang tính kỷ lục khác. Hồ sơ xin phép IPO (phát hành ra công chúng) của CPIC đã được chấp thuận chỉ trong vòng hai ngày, nhanh chưa từng có trên thị trường. CPIC nộp hồ sơ vào ngày 10/6 và được bật đèn xanh vào ngày 12/6, như tốc độ “ánh sáng,” theo mô tả của Yicai, một kênh tin tức tài chính ở Trung Quốc.
Cơ quan Giám sát tuân thủ tài chính, nơi thực thi việc giám sát niêm yết của Vương quốc Anh và Sở Giao dịch Chứng khoán Luân Đôn, đã không trả lời các yêu cầu bình luận của The Epoch Times.
Di sản ‘Kỷ nguyên vàng’
Phần lớn Chương trình Kết nối Chứng khoán Thượng Hải-Luân Đôn được xây dựng dưới thời cựu Thủ tướng David Cameron, mặc dù chỉ được hoàn thiện vài tháng sau khi ông từ chức vì kết quả trưng cầu dân ý Brexit năm 2016. Chương trình này được ca ngợi là “sáng kiến đột phá” và đóng vai trò quan trọng cho mối quan hệ tài chính chiến lược lâu dài giữa hai nước, theo lời Bộ trưởng Tài chính Anh, ông Philip Hammond.
Ước tính hơn 260 trong số 1,500 công ty được niêm yết ở Thượng Hải có khả năng đủ điều kiện để niêm yết tại Luân Đôn theo chương trình này.
Một nhà quản lý quỹ giấu tên nói với The Epoch Times rằng, trong khi người Trung Quốc tỏ ra rất quan tâm đến chương trình này do bối cảnh pháp lý của Trung Cộng yếu kém hơn, thì chương trình này không hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Anh Quốc. Chương trình này cho phép các doanh nghiệp Trung Quốc gọi vốn mới thông qua việc phát hành cổ phiếu mới tại Vương quốc Anh, nhưng các doanh nghiệp của Anh lại chỉ được phép niêm yết số cổ phiếu đang lưu hành tại bất kỳ sàn giao dịch Trung Quốc nào, bất lợi hơn nhiều cho doanh nghiệp Anh. Cho đến nay, không có công ty Anh Quốc nào tham gia chương trình này.
Bài học từ Hoa Kỳ
Chương trình Liên kết Chứng khoán đã yêu cầu các công ty Trung Cộng tuân thủ các tiêu chuẩn đề ra, nhưng nỗ lực kém đã khiến thực tế hoàn toàn trái ngược với những gì đang tiến triển tại Hoa Kỳ ngày nay, nhà vận hành hàng đầu của thị trường tài chính cho biết.
Sau khi hứng chịu hàng loạt vụ bê bối liên quan đến các công ty Trung Quốc, như Luckin Coffee, công ty đã khai khống 40% doanh số bán hàng dự kiến hàng năm, các nhà quản lý và nhà lập pháp Hoa Kỳ đang thực hiện các biện pháp để bảo vệ nhà đầu tư bằng cách bảo đảm rằng tất cả các công ty niêm yết tại Hoa Kỳ phải công bố thông tin chính xác và tuân thủ chuẩn mực kiểm toán.
Với hành động ngày càng hung hăng của Trung Cộng trong việc thống trị thế giới, lợi ích quốc gia đã trở thành một yếu tố đáng quan tâm khác đối với chính quyền Hoa Kỳ khi đề cập đến đầu tư của Trung Quốc.
Tháng 9/2019, CNBC đã khảo sát Hội đồng Đầu tư Quỹ tiết kiệm Hưu trí Liên bang, Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng hòa-Florida) và Jeanne Shaheen (Dân chủ-New Hampshire) đã mô tả nền kinh tế của Trung Quốc “mập mờ một cách cố ý” và “Bắc Kinh sử dụng các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp do nhà nước điều hành để kiểm soát sản xuất, tiến hành cạnh tranh trên thị trường toàn cầu và phục vụ các mục tiêu quân sự, chính trị, và kinh tế của Trung Cộng.”
Vào ngày 13/5/2020, Quỹ hưu trí trị giá 600 tỷ USD tuyên bố sẽ ngưng đầu tư vào Trung Quốc.
Vào tháng 6/2020, Thượng nghị sĩ John Kennedy (Cộng hòa-Louisiana) và Chris Van Hollen (Dân chủ-Maryland) đã công bố Đạo luật Nghĩa vụ Các Công ty Ngoại quốc để bảo vệ nhà đầu tư trước các công ty ngoại quốc đang hoạt động trên các sàn giao dịch chứng khoán Hoa Kỳ muốn tránh né sự giám sát của Ủy ban giao dịch chứng khoán (SEC).
“Trong một thời gian dài, các nhà đầu tư đã không được cung cấp thông tin chính xác và kịp thời từ các công ty Trung Quốc đã đăng ký trên các sàn giao dịch của Hoa Kỳ,” ông Kennedy nhận định.
“Bây giờ là lúc để lưỡng viện Quốc hội bảo đảm rằng các công ty thuộc sở hữu của Trung Cộng phải được ban kiểm toán Hoa Kỳ giám sát sổ sách báo cáo, nhằm ngăn chặn họ tiếp tục lừa đảo các nhà đầu tư Hoa Kỳ.”
Theo Theepochtimes