Trung Quốc lạm dụng Thông Báo Đỏ của Interpol để theo dõi, giam giữ các nhà bất đồng chính kiến ở hải ngoại
Theo một thành viên Đảng Cộng Hòa ở Hạ viện Hoa Kỳ, các quan chức Trung Quốc sử dụng Thông Báo Đỏ của Interpol để tranh thủ các nguồn lực thực thi pháp luật của các nước khác trong chiến dịch quốc tế của chính quyền này nhằm sách nhiễu, đe dọa, bịt miệng, và giam giữ những người chỉ trích chế độ độc tài Cộng sản sống ở hải ngoại.
Hôm 15/06, Dân biểu Brian Mast (Cộng Hòa-Florida) đã trình bày trước một phiên điều trần của Ủy ban Điều hành của Quốc Hội về vấn đề Trung Quốc, “Tôi hiểu là có những Thông Báo Đỏ được ban bố thông qua Interpol cho biết, ‘Chúng tôi cần dẫn độ cá nhân này,’ hoặc ‘Chúng tôi cần người này bị giam giữ hoặc bị bắt’ vì cáo buộc phạm tội.”
“Đây là thứ mà chúng ta sử dụng, Trung Quốc sử dụng nó, và các nước khác cũng vậy. Trung Quốc đang sử dụng điều này cho những mục đích đàn áp chính trị, khiến người ta bị dẫn độ trở lại Trung Quốc, một lần nữa với mục đích đàn áp chính trị, mà không nhất thiết là vì họ đã phạm tội mà có thể được coi là bất cứ điều gì khác ngoài tự do ngôn luận,” ông Mast nói.
Ông đang đề cập đến những thông báo được ban hành bởi Interpol, cơ quan hợp tác thực thi pháp luật quốc tế mà 195 quốc gia sử dụng để chia sẻ thông tin về các cá nhân đang bị truy lùng trong các vụ án hình sự.
Mặc dù các Thông Báo Đỏ không phải là lệnh truy nã quốc tế, nhưng theo Interpol, các thông báo này cung cấp nhiều thông tin có thể được sử dụng để truy tìm những kẻ tình nghi có thể bị giam giữ và dẫn độ trở lại quốc gia yêu cầu.
Trả lời ông Mast, bà Uzra Zeya, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đặc trách về an ninh dân sự, dân chủ, và nhân quyền cho biết, “Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ mối lo ngại của ông về khả năng lạm dụng các hệ thống Interpol để nhắm mục tiêu vào những người bất đồng chính kiến, những người bảo vệ nhân quyền, các nhà hoạt động, ký giả, và những người khác cho sự đàn áp Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa).”
Bà Zeya cho biết Bộ Tư pháp (DOJ) là cơ quan hàng đầu của Hoa Kỳ trong việc phối hợp với Interpol, nhưng Bộ Ngoại giao “cộng tác chặt chẽ” với DOJ. Bà nói thêm rằng Interpol đã thành lập một ủy ban vào năm 2016 với mục đích là xem xét các yêu cầu Thông Báo Đỏ để bảo đảm rằng chúng không bị sử dụng vào mục đích mà các thành viên ủy ban và các nhân chứng gọi là “cuộc đàn áp xuyên quốc gia” của Trung Quốc.
Cuộc đàn áp xuyên quốc gia xảy ra khi Bắc Kinh cử đặc vụ đến các quốc gia khác với mục đích trấn áp các hoạt động của những người bất đồng chính kiến sống ở những quốc gia lên tiếng chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Theo đồng Chủ tịch Ủy ban Dân biểu Jim McGovern (Dân Chủ-Massachusetts), Trung Quốc là kẻ chủ mưu chính trong việc đàn áp xuyên quốc gia, nhưng các quốc gia khác cũng thực hiện các hành vi như vậy, bao gồm cả Nga, Ai Cập, và Ả Rập Xê Út. Thượng nghị sĩ Jeff Merkley (Dân Chủ-Oregon) là đồng chủ tịch còn lại.
Ông McGovern đã trích dẫn một báo cáo gần đây của Freedom House về hoạt động đàn áp xuyên quốc gia vốn nêu đích danh 36 quốc gia trên toàn cầu dính líu tới hơn 700 trường hợp được xác nhận kể từ năm 2014, trong đó chỉ trong năm 2021 có 85 trường hợp. Báo cáo chỉ ra chiến dịch trấn áp xuyên quốc gia của Trung Quốc là “tinh vi, ở phạm vi toàn cầu và toàn diện nhất” trên thế giới.
Ông McGovern nói tại phiên điều trần: “Chính phủ Trung Quốc cố gắng làm chệch hướng những lời chỉ trích về hồ sơ nhân quyền của họ bằng cách tuyên bố họ có chủ quyền để làm những gì họ muốn trong biên giới của mình, tuy vậy các quan chức Trung Quốc dễ dàng phớt lờ các nguyên tắc chủ quyền khi họ tiến qua biên giới của chúng ta để đe dọa nhân quyền của người Mỹ.”
Dân biểu Chris Smith (Cộng Hòa-New Jersey) bày tỏ lo ngại về việc thiếu tính bảo mật khi ai đó nộp báo cáo cho chính quyền liên bang về một hành động được cho là đàn áp xuyên quốc gia.
Ông nói: “Một trong những cách mà Đảng Cộng sản Trung Quốc duy trì khống chế đối với những người bất đồng chính kiến và những người mà một khi họ đến đây là những người ở lại [Trung Quốc] — những người thân trong gia đình họ sau đó có thể bị trả thù với sự trừng phạt.”
Thành viên Đảng Cộng Hòa ở New Jersey nói trên gợi ý rằng nên thiết lập một đường dây nóng bí mật để các nạn nhân của chiến dịch đàn áp xuyên quốc gia ở Hoa Kỳ có thể báo cáo trải nghiệm của họ mà không sợ gây nguy hiểm cho các thành viên gia đình ở quê nhà Trung Quốc.
Trong tuyên bố mở đầu buổi điều trần, bà Zeya nhấn mạnh rằng “phạm vi và tần suất đàn áp toàn cầu của CHND Trung Hoa đang ngày càng đáng báo động hơn. Các dữ liệu lịch sử cũng chứng minh rằng hiện tượng này không phải là gần đây. Các tổ chức phi chính phủ (NGO) đã ghi nhận hàng ngàn trường hợp trong vài năm qua về việc CHND Trung Hoa thực hiện những cuộc trao trả không tự nguyện về CHND Trung Hoa từ hơn 120 quốc gia trên toàn thế giới.”
Bà nói thêm rằng “quy mô và mức độ tinh vi của các chiến thuật của CHND Trung Hoa đáng lo ngại sâu sắc. Chúng bao gồm các mối đe dọa thể chất, sách nhiễu, và giám sát đối với các cá nhân; đe dọa các thành viên gia đình của cá nhân tại CHND Trung Hoa bằng cách giam giữ, bỏ tù, hoặc mất các cơ hội kinh tế; các mối đe dọa kỹ thuật số bao gồm quấy rối trực tuyến, giám sát, và hoạt động mạng độc hại khác, cũng như sử dụng thông tin sai lệch và các chiến dịch bôi nhọ trực tuyến; lạm dụng và cố tình sử dụng sai các cơ chế thực thi nhập cư của các nước khác và hệ thống thực thi pháp luật quốc tế, bao gồm cả Interpol; và áp dụng áp lực song phương trực tiếp lên các quốc gia khác để trao trả các cá nhân cho CHND Trung Hoa. Các đặc vụ của CHND Trung Hoa áp dụng những chiến thuật này đối với các cá nhân thuộc mọi quốc tịch, bao gồm cả công dân Hoa Kỳ tại Hoa Kỳ.”
Là một phần của cái mà bà Zeya gọi là cách tiếp cận “toàn bộ chính phủ” của Tổng thống Joe Biden để chống lại chiến dịch đàn áp xuyên quốc gia, Bộ Ngoại giao đang “chủ động tiếp cận với toàn bộ các bên liên quan bị ảnh hưởng bởi cuộc đàn áp xuyên quốc gia của CHND Trung Hoa, trong đó quan trọng nhất là chính các cộng đồng mục tiêu, chẳng hạn như người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, học viên Pháp Luân Công, người Hồng Kông, và những người bảo vệ nhân quyền; đại diện xã hội dân sự; các chính phủ cùng chí hướng và bị ảnh hưởng; và cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư.”
Cũng làm chứng trước phiên điều trần của ủy ban là bà Serena Hoy, trợ lý bộ trưởng về các vấn đề quốc tế của Bộ An ninh Nội địa, người xác nhận rằng Trung Quốc đã sử dụng Thông Báo Đỏ của Interpol để tìm kiếm ít nhất 100 cá nhân cư trú ở các quốc gia khác mà chính quyền này coi là các mối đe dọa.
“Giống như các quốc gia khác, CHND Trung Hoa sử dụng các thông báo của Interpol để ngụ ý rằng quốc tế tán thành hành động truy nã của mình, mặc dù các thông báo của Interpol không có tài phán hiến pháp và mục đích của chúng không phải là để phục vụ cho bất kỳ sự chứng thực chính trị nào như vậy hoặc chứng thực cho mục đích khác.”
Ông Mark Tapscott là Thông tín viên Quốc hội cho The Epoch Times.