Trung Quốc kiểm soát các ký giả ngoại quốc đưa tin về Thế vận hội Mùa Đông
Liên đoàn Ký giả Quốc tế (IFJ), liên đoàn ký giả lớn nhất thế giới, cho biết trong một bản tin mới đây rằng Trung Quốc đang sử dụng nhiều biện pháp cưỡng chế để kiểm soát việc đưa tin về các vấn đề Trung Quốc của các ký giả ngoại quốc ở Trung Quốc, và điều này có thể làm tổn hại đến chính hình ảnh quốc tế của Trung Quốc.
Báo cáo này, được công bố khi Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội Mùa Đông 2022, cho thấy rằng những hạn chế mà nhà cầm quyền áp đặt đối với các ký giả ngoại quốc đưa tin về Thế vận hội càng làm nổi bật sự suy giảm mạnh mẽ về quyền tự do truyền thông ở Trung Quốc trong hơn một thập niên qua.
Bản báo cáo được xuất bản hôm 02/02 của IFJ có nhan đề “Trò chơi Công bằng: Không gian truyền thông dành cho phóng viên ngoại quốc nội trong Trung Quốc năm 2022 bị đe dọa”. Báo cáo này xoay quanh vấn đề Bắc Kinh đang kiểm soát các ký giả ngoại quốc ở Trung Quốc đưa tin về nội tình của nước này.
Báo cáo căn cứ vào các cuộc phỏng vấn mà IFJ từng thực hiện vào tháng 12/2021 với 19 ký giả đến từ chín quốc gia đang làm việc hoặc mới đến Trung Quốc làm việc. Những người được phỏng vấn bao gồm các ký giả từ các phương tiện truyền thông như báo in và truyền hình, có kinh nghiệm làm việc tại Trung Quốc từ vài năm đến hàng chục năm. Báo cáo này cũng dựa trên Báo cáo về Quyền Tự do Truyền thông năm 2021 của Hiệp hội Thông tín viên Ngoại quốc tại Trung Quốc (FCCC) và báo cáo thường niên trước đó của họ dựa trên một cuộc khảo sát với khoảng 190 thành viên.
Phần tóm tắt của báo cáo này cho biết: “Nghiên cứu này cho thấy Trung Quốc đang sử dụng nhiều biện pháp cưỡng chế để kiểm soát việc đưa tin của các ký giả ngoại quốc.”
Báo cáo này trích dẫn những trở ngại và hạn chế mà các ký giả ngoại quốc thường trú tại Trung Quốc phải đối mặt, bao gồm:
- Trục xuất hoàn toàn, cộng với những lời đe dọa khiến các ký giả cảm thấy buộc phải phải rời đi;
- Từ chối và chậm trễ trong việc cấp thị thực;
- Các vụ kiện cáo buộc vi phạm quy trình đưa tin, chẳng hạn như tự nhận mình là ký giả, dẫn đến nguy cơ bị từ chối cấp thị thực xuất cảnh cho đến khi vụ việc này được giải quyết;
- Sự uy hiếp của các nguồn;
- Giám sát kiểu cũ như theo dõi, can thiệp vào việc ghi hình, và các chuyến thăm không mời mà đến của lực lượng an ninh;
- Giám sát kỹ thuật số sử dụng camera nhận dạng khuôn mặt, máy định vị GPS, và thu thập dữ liệu từ các tài khoản mạng xã hội;
- Đưa tin trên các phương tiện truyền thông nhà nước và chế nhạo trên các phương tiện truyền thông xã hội có thể kích động quấy rối cơ thể các phóng viên ngoại quốc, bao gồm cả những lời đe dọa đến tính mạng;
- Sự khiêu khích của các nhà ngoại giao “chiến lang” ở ngoại quốc, những người đã kích động trả đũa các ký giả ngoại quốc thường trú; và nhắm vào các ký giả ngoại quốc [đưa tin] về di sản Trung Quốc, cáo buộc họ là “những kẻ phản bội chủng tộc.”
Trích dẫn một nguồn tin địa phương, báo cáo này nói rằng người Trung Quốc địa phương sẽ bị bỏ tù nếu các phương tiện truyền thông quốc tế đưa tin về bất cứ điều gì họ nói.
Ngoài hạn chế đưa tin và hạn chế thị thực, báo cáo của IFJ cho biết các ký giả ngoại quốc thường phải đối mặt với các mối đe dọa đối với sự an toàn cá nhân của họ. Báo cáo này trích dẫn trường hợp hai ký giả Úc ở Trung Quốc đã phải bỏ trốn vì sợ bị giam giữ.
Báo cáo này cho biết khi Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội Mùa Đông, các ký giả đều bị giới hạn trong một “hệ thống quản lý vòng khép kín,” ngăn cấm mọi liên hệ với “Trung Quốc thực sự” kể từ khi họ đến đất nước này cho đến khi họ rời đi. Báo cáo này đã cho thấy rằng mặc dù những nỗi lo về đại dịch COVID-19 là điều có thể hiểu được, nhưng các hạn chế này đang cho thấy sự suy giảm mạnh về tự do truyền thông ở Trung Quốc trong hơn một thập niên qua.
Hôm 05/02, một ký giả Hà Lan đã bị cảnh vệ Trung Quốc kéo đi trong khi tường thuật trực tiếp về Thế vận hội là ví dụ gần đây nhất về những gì mà báo cáo của IFJ đã nói về quyền tự do báo chí ở đất nước Trung Quốc cộng sản. “Điều này dần trở thành chuyện thường nhật đối với các ký giả ở Trung Quốc,” phương tiện truyền thông Hà Lan đăng trên tài khoản twitter của mình.
Ông Alex Wu là một tác giả của The Epoch Times tại Hoa Kỳ, chuyên về xã hội Trung Quốc, văn hóa Trung Quốc, nhân quyền, và các mối quan hệ quốc tế.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: