Trung Quốc kiểm soát các chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng của thế giới
Độc quyền chế biến nguyên liệu thô của Trung Quốc đang hạn chế nguồn cung toàn cầu.
Sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu càng trở nên trầm trọng hơn do việc Trung Quốc kiểm soát hoạt động chế biến hóa chất.
Năm 1987, cựu lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã nói: “Trung Đông có dầu, Trung Quốc có đất hiếm.” Có vẻ như nhiều thập kỷ trước,Trung Cộng đã nhận ra tầm quan trọng của việc kiểm soát nguyên liệu thô. Ngoài khai thác và chiết xuất, những nỗ lực của Trung Quốc nhằm nắm giữ quyền lực trên thị trường nguyên liệu thô toàn cầu còn bao gồm cả việc thống trị lĩnh vực chế biến và nấu chảy. Chiến lược dựa trên chế biến này, kết hợp với độc quyền của chính phủ và các quy định lỏng lẻo về môi trường, đã cho phép Trung Quốc trở thành nhà sản xuất nguyên liệu thô quan trọng lớn nhất thế giới.
Trung Quốc thống trị nguồn cung cấp toàn cầu của 21 trong số 35 loại khoáng sản được chính phủ Hoa Kỳ công nhận là quan trọng. Điều này có nghĩa là Trung Quốc hoặc chiếm lượng nhập cảng lớn nhất các loại khoáng sản này vào Hoa Kỳ, hoặc có trữ lượng lớn nhất thế giới, hoặc là nhà sản xuất lớn nhất.
Một ví dụ điển hình về sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực khoáng sản là chỉ có ba mỏ cesium trên thế giới và Trung Quốc kiểm soát tất cả chúng. Một ví dụ khác là asen, chất này cần cho sản xuất đồ điện tử và Hoa Kỳ nhập cảng 91% asen từ Trung Quốc.
Bằng cách chiếm ưu thế trong việc chế biến nguyên liệu thô và thông qua các khoản vay ưu đãi từ các ngân hàng quốc doanh, Trung Quốc có thể hạ gục các đối thủ cạnh tranh. Cả 10 nhà cung cấp lớn nhất, bên ngoài Trung Quốc, cùng nhau sản xuất 35% của nguyên liệu trên thế giới; trong khi riêng Trung Quốc sản xuất 45%. Ngược lại, Hoa Kỳ chỉ sản xuất 7%.
Trung Quốc điều hành việc sản xuất xe điện trên toàn cầu bằng cách nắm quyền thống trị các hóa chất cần thiết để sản xuất pin, cũng như sản xuất cực âm và cực dương, là những khối cấu tạo cốt lõi của pin lithium-ion. Ông Simon Moores, giám đốc điều hành của Benchmark Mineral Intelligence, đã gọi sự kiểm soát của Trung Quốc với ngành công nghiệp này là “Cuộc chạy đua Vũ trang với Pin Toàn cầu.” Trung Cộng hạn chế chuỗi cung ứng toàn cầu bằng cách thống trị quá trình luyện kim loại, cũng như sản xuất hóa chất cấp pin, sự thống trị này hạn chế khả năng sản xuất xe điện (EV) của thế giới.
Dọc theo chuỗi cung ứng toàn cầu cho thấy dấu chân của Trung Cộng ở mọi cấp độ. Trong chuỗi cung ứng thượng nguồn, liti, coban, niken, than chì, và mangan được chiết xuất từ lòng đất. Ông Hanns Günther Hilpert, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu Á Châu của tổ chức nghiên cứu SWP của Đức, nói rằng Trung Quốc đã làm việc một cách chiến lược để kiểm soát cả khai thác và chế biến. Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện của mình trong giai đoạn khai thác của chuỗi giá trị thông qua các khoản vay của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) và các chiến dịch quyền lực mềm ở Phi Châu, Á Châu, và Châu Mỹ Latinh. Chuỗi cung ứng ở khâu giữa bao gồm hai lĩnh vực mà Trung Quốc thống trị: tinh chế và sản xuất các hóa chất cấp pin, cũng như sản xuất cực âm và cực dương. Hạ nguồn bao gồm sản xuất các ắc-quy (cells) pin lithium-ion, một lĩnh vực khác mà Trung Quốc là nhà sản xuất lớn nhất thế giới.
Chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm 40% thị trường hóa chất toàn cầu. Chỉ 23% tổng số nguyên liệu sản xuất pin có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tuy nhiên, 80% hóa chất cấp pin được sản xuất ở Trung Quốc. Họ cũng sở hữu 66% sản lượng cực âm và cực dương của thế giới. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc chiếm 73% sản lượng pin lithium-ion. Trong số 136 nhà máy pin lithium-ion trên thế giới, 101 nhà máy ở Trung Quốc.
Bắc Kinh đã đầu tư rất nhiều vào việc tinh chế lithium cacbonat và hydroxit, coban sulphat, mangan, và graphit hình cầu không tráng phủ. Điều này có nghĩa là các chuỗi cung ứng toàn cầu đổ về Trung Quốc cho các giai đoạn giá trị gia tăng quan trọng.
Việc coi thường nhân quyền và dân chủ của Trung Cộng mang lại lợi thế cho nó trong việc kiếm nguyên liệu thô từ các khu vực xung đột, nơi các khoản thanh toán cho khoáng sản phần lớn rơi vào tay các nhà độc tài, những người sử dụng tiền để mua vũ khí để đàn áp dân chúng. Nhiều quốc gia có nguồn nguyên liệu thô—nằm ở Á Châu, Phi Châu và Châu Mỹ Latinh—đang gặp khó khăn bởi bất ổn dân sự, tham nhũng, và thiếu dân chủ.
Các quốc gia này thường thiếu các tòa án độc lập và thực thi lỏng lẻo các luật bảo vệ môi trường và nhân quyền. Cộng hòa Dân chủ Congo là một ví dụ xuất sắc. Quốc gia này chiếm 60% nguồn cung cấp coban trên thế giới. Theo báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền năm 2020 về Congo, 4.5 triệu người đã phải di dời, 13 triệu người đang cần hỗ trợ nhân đạo và 140 nhóm vũ trang đang hoạt động. Năm 2007, Trung Quốc đã đề nghị với chính phủ Congo một thỏa thuận cơ sở hạ tầng trị giá 6 tỷ USD, để đổi lấy quyền tiếp cận khoáng sản.
Kể từ năm 2012, ước tính đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực khai thác mỏ của Congo đã tăng lên 10 tỷ USD và Bắc Kinh hiện quản lý 30 trong số 40 công ty khai thác của khu vực này. Tuy nhiên, 73% trong số 90 triệu người của quốc gia này tiếp tục sống với mức dưới 1.90 USD mỗi ngày.
Nguyên liệu thô có nguồn gốc từ các nước có tình trạng nhân quyền thấp và chất lượng dân chủ thấp được gọi là “khoáng sản xung đột.” Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, luật pháp quốc tế và dư luận đang gây khó khăn hơn cho các nền dân chủ phương Tây trong việc kiếm được những khoáng chất này. Ví dụ, vào năm 2019, công ty khai thác của Thụy Sĩ Glencore đã đóng cửa các hoạt động khai thác của họ ở Congo, với lý do gia tăng áp lực ngừng nhập cảng nguyên liệu thô từ các khu vực có xung đột, trong số các lý do khác. Do đó, nguồn cung cấp toàn cầu gồm 10 khoáng chất cực kỳ quan trọng bị đe dọa, bao gồm antimon, bitmut, gali, germani và đất hiếm nhẹ và nặng.
Trung Cộng, không bị ảnh hưởng bởi dư luận hoặc công ước quốc tế, tiếp tục nhập cảng từ các khu vực xung đột. Ngoài ra, bằng cách thống trị việc chế biến nguyên liệu thô, chế độ này đã tự định vị cho mình để kiểm soát nguồn cung cấp đầu vào quan trọng của thế giới đối với vô số dòng sản phẩm liên quan đến tiêu dùng và quốc phòng.
Sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu trong 20 tháng qua phần lớn là kết quả của việc Trung Quốc chỉ huy dòng chảy nguyên liệu thô và quyền lực của Trung Cộng trong việc quyết định xem các nhà sản xuất có thể tiếp cận những nguyên liệu thô nào và với số lượng bao nhiêu.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông ấy tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA Trung Quốc của Đại học Giao thông Thượng Hải. Tiến sĩ Antonio làm giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, viết cho nhiều phương tiện truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Vượt ra ngoài vành đai và con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc” và “Khóa học ngắn hạn về kinh tế Trung Quốc.”
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: