Trung Quốc kiểm duyệt mạng: 8x thuật lại trải nghiệm bị bắt vì đăng bài trên Twitter
Thi Thái Phi thuộc thế hệ 8x, sinh ra tại tỉnh An Huy, Trung Quốc. Khi lớn lên anh cũng không thể nào hình dung được rằng, chỉ vì dùng phần mềm vượt tường lửa lên mạng xã hội Twitter để đăng một bình luận về “Sự kiện vaccine độc”, mà anh bị cảnh sát Trung Quốc bắt giữ, cuối cùng còn bị ép buộc phải rời nhà tha hương. Hôm 24/10, anh đã nhận lời phỏng vấn với The Epoch Times và NTDTV ở Los Angeles.
Từ trước tới nay, Trung Quốc luôn trường kỳ giám sát và kiểm soát tự do ngôn luận của dân chúng, bất luận là trong sinh hoạt, trên mạng internet hay trên mạng xã hội, hầu hết người dân Trung Quốc đều biết có một số từ khóa nhạy cảm là không thể nhắc đến. Tuy nhiên, Thi Thái Phi nói: “Chính nghĩa chính là chính nghĩa, tà ác chính là tà ác.”
Trước đây, Thi Thái Phi cũng giống như những thanh niên khác ở Trung Quốc, đắm chìm trong cuộc sống xa hoa hưởng lạc, vui vẻ hưởng thụ, có tiền thì đi hát Karaoke, mời khách ăn uống, du lịch nước ngoài, nhưng anh luôn cảm thấy cuộc sống vô nghĩa, không có mục tiêu. Vào khoảng năm 2017, Thi Thái Phi dùng phần mềm vượt tường lửa để xem những video tin tức nước ngoài, từ đó dần dần hiểu được về lịch sử cận đại của Trung Quốc. Anh nói: “Lúc đầu tôi xem những video phân tích lịch sử của Tân Hạo Niên, từ đó dần dần ý thức được đủ loại hiện tượng bất bình đẳng trong xã hội dưới sự cai trị của Trung Quốc.”
Buổi sáng đăng bài, đến tối cảnh sát tìm tới nhà
Sau khi dùng phần mềm vượt tường lửa xem tin tức nước ngoài được một thời gian, Thi Thái Phi bắt đầu quan tâm đến các đề tài thảo luận về xã hội Trung Quốc. Anh nói: “Tôi thực sự rất tức giận, tại sao có thể đầu độc những đứa trẻ như vậy, căn bản chính là cứ 10 năm lại có một kế hoạch phá hoại một lần, năm 2008 đã xảy ra sự kiện sữa bột nhiễm độc, năm 2018 lại xảy ra sự kiện vaccine có độc”. Thi Thái Phi đã đăng ý kiến của mình thông qua mạng xã hội Twitter ở nước ngoài. Anh cho rằng như thế sẽ không bị Trung Quốc giám sát, tuy nhiên khi anh đăng bài viết lên Twitter vào sáng ngày 30/7/2018, thì hơn 7 giờ tối cùng ngày cảnh sát đã tìm tới nhà của anh.
Mặc dù cảnh sát không tìm được bằng chứng liên quan nào khác, nhưng họ đã tịch thu máy tính của Thi Thái Phi và lục soát kỹ lưỡng nơi ở của anh, khiến bà nội 96 tuổi của anh hoảng sợ. Cảnh sát bắt Thi Thái Phi về đồn công an, giam giữ một đêm, còng ngược anh vào song cửa sổ khiến anh không thể ngồi thẳng cũng không thể ngồi xổm xuống được. Thi Thái Phi nói: “Kỳ thực những cảnh sát kia đều là người hiểu biết, đều biết Trung Quốc là như thế nào, nhưng vì công việc, cũng đành phải làm người hai mặt.”
Cảnh sát: Anh biết là được rồi, nói ra làm gì?
Thi Thái Phi kể lại rằng, khi ở trong đồn công an, có một cảnh sát nói với anh rằng: “Anh biết là được rồi, nói ra làm gì?” Một cảnh sát khác ngồi bên cạnh lại nhỏ giọng nói: “Ở Hoa Kỳ còn có thể công khai mắng Trump đấy.”
Thi Thái Phi cho rằng, dưới thể chế của Trung Quốc, mọi người đều dám tức giận mà không dám lên tiếng, mọi người không phải là không thanh tỉnh, chỉ là không dám phản kháng, tình nguyện giả vờ mê ngủ. Nhưng anh vẫn cứ kiên trì nói lời thật, lên tiếng vì chính nghĩa. Cảnh sát chất vấn Thi Thái Phi có tôn giáo tín ngưỡng hay không, còn nghi ngờ anh bị bệnh tâm thần. Đối với vấn đề này, anh nói: “Ở Trung Quốc tôi chính là người kỳ dị, mọi người đều nghĩ tôi bị điên rồi.”
Trước đây, vì giúp đỡ người xa lạ mà Thi Thái Phi bị cắt đứt động mạch chủ và được cảnh sát trao tặng giấy khen “Hành động dũng cảm”. Anh cho rằng việc bản thân lên tiếng chỉ trích Trung Quốc độc tài, hủ bại trên mạng xã hội cũng giống như “Hành động dũng cảm” kia, chỉ là không ngờ rằng ngay cả trang web ở nước ngoài cũng bị Trung Quốc giám sát chặt chẽ. Sau khi rời khỏi cục cảnh sát, anh bị đưa đến trại tạm giam và bị giam giữ 11 ngày. Mỗi buổi chiều anh đều bị buộc phải xem phim “Chủ nghĩa yêu nước”. Anh nói: “Những người lừa đảo này đều nói xằng nói bậy.”
Bất quá, cách thức giáo dục nhồi nhét, tẩy não của Trung Quốc hiển nhiên cũng không đạt hiệu quả lắm. Thi Thái Phi kể lại rằng, lúc ấy có một vị quản giáo đã từng là quân nhân ở Tây Tạng hơn 20 năm thẳng thừng nói với tất cả phạm nhân rằng “Kháng Mỹ viện Triều” (chống Hoa Kỳ, giúp đỡ Bắc Hàn) là lời nói dối. Mặc dù vị quản giáo này nói một cách rất nhỏ nhẹ, nhưng hai ba trăm phạm nhân đang có mặt tại đây đều bị kinh ngạc, Thi Thái Phi thậm chí còn đứng lên vỗ tay. Anh nói: “Những người trong thể chế này đều là kẻ tiếp tay cho giặc, bọn họ không phải không hiểu thế cuộc, trong khi uống rượu nói chuyện phiếm đều có thể bàn luận về tình hình của nước ngoài.”
Sau khi Thi Thái Phi được thả, bên công an vẫn thường liên lạc với anh, bề ngoài là quan tâm tình hình gần đây của anh, nhưng kỳ thực chính giám sát một cách biến tướng. Tuy nhiên, Thi Thái Phi đã nói chuyện với những người công an này về những người bất đồng ý kiến đang ở nước ngoài như Quách Văn Quý, Trương Lâm, v.v. Những công an này cũng trò chuyện vui vẻ, thậm chí còn yêu cầu anh khi nào đến Nhật Bản thì mang về giúp họ một số loại thuốc do Nhật Bản sản xuất. Anh Thi nói: “Ai cũng đều biết thuốc do Nhật Bản sản xuất đều tốt hơn, nhưng bề ngoài họ vẫn phải nói hàng hóa sản xuất trong nước tốt hơn, người Trung Quốc chính là đang sống giả dối, tự lừa dối chính bản thân mình.”
Sau khi chạy ra nước ngoài, cảnh sát khuyên anh ta không nên quay về
Ngày 16/02/2020, lại có rất nhiều cảnh sát đến nhà lùng bắt Thi Thái Phi, anh dứt khoát quyết định đi ra nước ngoài. Anh nói: “May mắn là trước đây đã làm xong hộ chiếu, tôi cũng không bị vào danh sách bị chặn ở biên giới.” Trước tiên anh đến Thái Lan, thông qua mạng WeChat anh hỏi những cảnh sát mà mình quen biết, vì sao cảnh sát lại tìm bắt anh ta lần nữa? Thi Thái Phi nói: “Kỳ thực tôi cũng không biết nguyên nhân gì mà cảnh sát đến tìm bắt tôi, nhưng có thể là bởi vì tôi đăng ảnh ủng hộ Hồng Kông lên Facebook và Instagram.”
Mặc dù cảnh sát nói với Thi Thái Phi rằng không có vấn đề gì nghiêm trọng cả, có thể yên tâm về nước. Nhưng một người công an khác thông qua ghi âm WeChat nói với anh rằng: “Tình hình dịch bệnh trong nước cũng rất nghiêm trọng, ở Thái Lan rất an toàn, nếu có thể không trở về thì đừng trở về.” Anh nghe xong cảm thấy sự tình có lẽ không đơn giản, hoặc có lẽ là một kiểu cảnh báo nhắc nhở nào đó, thế là anh quyết định ở lại Thái Lan một thời gian, cũng không dám tiếp tục đăng lên mạng xã hội những tin tức ủng hộ Hồng Kông nữa. Đồng thời anh cũng xóa bỏ những bình luận ủng hộ Hồng Kông trên các trang mạng xã hội.
Sau đó, với sự giúp đỡ của bạn bè đang ở nước ngoài, Thi Thái Phi đã an toàn đến được Los Angeles. Anh nói: “Người ta đều là có lương tri, đều hiểu rõ thị phi đúng sai, tôi sẽ tiếp tục lên tiếng, lên án Trung Quốc.” Thi Thái Phi cũng không hề hối hận khi đăng bài viết chỉ trích Trung Quốc trên internet, anh chỉ ngạc nhiên về việc mạng lưới kiểm soát của Trung Quốc đã lan rộng ra đến nước ngoài. Anh kêu gọi người dân của thế giới dân chủ, tự do cùng nhau chống lại Trung Quốc, trân trọng quyền tự do ngôn luận đáng quý ở nước ngoài.