Trung Quốc không thể dễ dàng bù đắp được bong bóng tài sản
Không có nền kinh tế nào có thể bỏ qua bong bóng bất động sản và, thậm chí ở mức độ ít hơn, có thể bù đắp nó và tiếp tục phát triển, thay thế sự sụp đổ của lĩnh vực bất động sản bằng các bộ phận khác của nền kinh tế. Các nền kinh tế được quản lý chặt chẽ từ Iceland đến Tây Ban Nha đã không thể chịu được tác động tiêu cực của sự sụp đổ của lĩnh vực bất động sản. Điều đó sẽ không khác gì ở Trung Quốc.
Trung Quốc có ba vấn đề bất động sản: quy mô lớn của lĩnh vực này, tỷ lệ đòn bẩy quá mức, và số nợ của nhà phát triển bất động sản nằm trong tay các hộ gia đình trung bình và các nhà đầu tư bán lẻ.
Theo nhà nghiên cứu Trung Quốc George Magnus, viết trên tờ The Guardian, “Thị trường bất động sản Trung Quốc được coi là lĩnh vực quan trọng nhất trong nền kinh tế thế giới. Được định giá khoảng 55 ngàn tỷ USD, hiện Thị trường bất động sản Trung Quốc lớn gấp đôi quy mô tương đương của Hoa Kỳ và lớn hơn gấp 4 lần so với GDP của Trung Quốc.”
Xét đến lĩnh vực xây dựng và các dịch vụ bất động sản khác, lĩnh vực này chiếm hơn 25% GDP của Trung Quốc. Chỉ cần xem xét các ví dụ khác trước đây về bong bóng bất động sản, quy mô trung bình của lĩnh vực này nằm trong khoảng từ 15 đến 20% GDP của một quốc gia. Và không có nền kinh tế nào trong số đó quản lý được sự dư thừa của lĩnh vực bất động sản.
Tất nhiên, vấn đề của bong bóng bất động sản luôn là đòn bẩy quá mức. Các chủ đầu tư gánh quá nhiều nợ, và một mức giảm nhỏ nhất của giá nhà ở cũng khiến vốn chủ sở hữu của họ biến mất và các hệ số khả năng thanh toán của họ bị sụp đổ.
Trong trường hợp của Trung Quốc, mức nợ đơn giản là đáng kinh ngạc. Theo Financial Times, tỷ lệ nợ ròng của 19 nhà phát triển lớn nhất Trung Quốc là hơn 60% trên vốn chủ sở hữu. Evergrande thậm chí không phải là công ty mắc nợ nhiều nhất. Hai nhà phát triển bất động sản có mức đòn bẩy ròng hơn 120%. 10 nhà phát triển Trung Quốc mắc nợ nhiều nhất đã vượt quá xa mức nợ trên tài sản từng khiến công ty Martinsa-Fadesa của Tây Ban Nha sụp đổ.
Các nhà đầu tư bán lẻ Trung Quốc và ngoại quốc cũng có rủi ro cao với thị trường bất động sản và xây dựng. Evergrande là công ty phát hành thương phiếu lớn nhất, và nợ của các nhà phát triển được bán cho các nhà đầu tư nhỏ theo nhiều gói khác nhau. Hơn nữa, theo một báo cáo năm 2018 của Đại học Tài chính và Kinh tế Tây Nam Thành Đô và Ngân hàng Trung Quốc Guangfa, các gia đình Trung Quốc có khoảng 78% tài sản của họ gắn liền với tài sản, cao hơn gấp đôi so với Hoa Kỳ. Theo Bloomberg, Trung Quốc cũng đã tung ra 9 REIT (quỹ đầu tư bất động sản) huy động được hơn 5 tỷ USD chỉ trong một tuần với các đợt phát hành được đăng ký quá mức trên một thị trường vốn có thể lên tới 3 ngàn tỷ USD.
Ba yếu tố này có nghĩa là Trung Quốc sẽ không thể dung chứa được một bong bóng tài sản đang vỡ rồi. Theo Financial Times, giá nhà mới trên khắp các thành phố lớn nhất của Trung Quốc đã giảm vào tháng Chín lần đầu tiên kể từ tháng 04/2015. Giá nhà mới đã giảm tại hơn một nửa trong số 70 thành phố so với tháng Tám.
Với đòn bẩy cao, giá cả đã tăng ồ ạt trên GDP thực và tiền lương thực tế, và một lượng dân số đầu tư nhiều vào lĩnh vực này, [nên] tác động lên nền kinh tế Trung Quốc sẽ không chỉ là tài chính. Ngay cả khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cố gắng che giấu tác động tài chính bằng cách bơm thanh khoản và các gói cứu trợ trực tiếp và gián tiếp của ngân hàng, bong bóng bất động sản [vẫn] có khả năng ảnh hưởng đến việc tiêu dùng, đến các tiện ích đã xây dựng hạ tầng quanh các tòa nhà trống, đến các dịch vụ, và các lĩnh vực sản xuất ra các nguyên vật liệu cho việc xây dựng.
Chế độ Trung Quốc có thể kiểm soát những tác động tài chính, nhưng không thể bù đắp tác động của lĩnh vực bất động sản đối với nền kinh tế thực. Điều này có nghĩa là tăng trưởng yếu hơn, rủi ro cao hơn, mức tiêu thụ và mong muốn của nhà đầu tư đối với việc đầu tư vào Trung Quốc thấp hơn. Hơn nữa, ngân hàng trung ương không thể giải quyết vấn đề khả năng thanh toán bằng thanh khoản.
Tăng trưởng do bong bóng bất động sản luôn dẫn đến tình trạng đình trệ do nợ.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tiến sĩ Daniel Lacalle là nhà kinh tế trưởng tại quỹ đầu cơ Tressis và là tác giả của “Tự do hoặc Bình đẳng”, “Thoát khỏi Bẫy Ngân hàng Trung ương” và “Cuộc sống trong Thị trường Tài chính”.
Bình Hòa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: