Trung Quốc không có dấu hiệu dừng việc ủng hộ Nga sau cuộc hội đàm ‘căng thẳng’ với Hoa Kỳ
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đang phát đi tín hiệu rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục sát cánh với Nga trong cuộc chiến ở Ukraine, sau 7 giờ hội đàm “căng thẳng” giữa cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan và nhà ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Rome hôm 14/03.
Hai bên đã thảo luận về một số vấn đề, bao gồm cả Đài Loan và Bắc Hàn, cũng như một “cuộc thảo luận quan trọng” về cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. Một quan chức chính phủ cao cấp nói với các phóng viên sau cuộc họp rằng cuộc hội đàm đã diễn ra căng thẳng do “tính nghiêm trọng của thời điểm này” giữa những nỗ lực nhằm chấm dứt giao tranh ở Ukraine.
Họ cũng đề cập rằng ông Sullivan cũng đã bày tỏ lo ngại với người đồng cấp Trung Quốc về sự xuất hiện của liên minh Trung-Nga.
Vị quan chức chính phủ cao cấp này cho biết, “Chúng tôi thực sự có những lo ngại sâu sắc về sự liên kết của Trung Quốc với Nga vào thời điểm này và Cố vấn An ninh Quốc gia đã thẳng thắn nói về về những lo ngại đó cũng như những tác động và hậu quả tiềm ẩn của một số hành động nhất định.”
Không lâu trước cuộc họp, Reuters và Financial Times đưa tin, dẫn lời các quan chức Hoa Kỳ ẩn danh, rằng Nga đã đề nghị Trung Quốc hỗ trợ quân sự và viện trợ tài chính cho cuộc chiến của mình, và chính quyền Trung Quốc đã ra hiệu sẵn sàng đáp ứng yêu cầu này.
Khi được hỏi về các tin tức đó, vị quan chức chính phủ cao cấp đã từ chối bình luận. Cả Trung Quốc và Nga đều bác bỏ cáo buộc trên.
Trong một cuộc họp báo hôm thứ Hai (14/03), Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki cho biết Trung Quốc sẽ phải đối mặt với “những hậu quả đáng kể” nếu nước này hỗ trợ Nga trong cuộc chiến với Ukraine.
Bà Psaki nói: “Tôi sẽ không đi vào những hậu quả cụ thể. Tôi nghĩ những gì chúng tôi đã truyền đạt và những gì đã được Cố vấn An ninh Quốc gia của chúng ta truyền đạt trong cuộc họp này là nếu họ cung cấp quân sự hoặc hỗ trợ khác, tất nhiên là vi phạm lệnh trừng phạt hoặc hỗ trợ nỗ lực chiến tranh, thì sẽ có hậu quả đáng kể.”
Bản thông báo về cuộc họp ở Rome của Trung Quốc không đề cập đến lo ngại của Hoa Kỳ về việc Trung Quốc giúp đỡ nước láng giềng phương Bắc. Tuy nhiên, ông Dương đã cảnh báo Hoa Kỳ không nên “bóp méo và làm mất uy tín quan điểm của Trung Quốc” về Ukraine thông qua “thông tin sai lệch”.
Cảnh báo của ông Dương đã trở thành một phần của một bài xã luận được đăng hôm 15/03 bởi tờ Thời Báo Hoàn Cầu, phương tiện truyền thông nhà nước ủng hộ chiến tranh của Trung Quốc, cho thấy sự miễn cưỡng của Trung Quốc trong việc hợp tác với Hoa Thịnh Đốn về cuộc khủng hoảng Ukraine.
Bài báo có nhan đề “Hoa Kỳ không thể mong đợi Trung Quốc hợp tác dưới sự đàn áp của họ”, cho biết rằng các bản tin về việc Trung Quốc có thể viện trợ cho Nga là một “chiến thuật ngoại giao cũ của Hoa Kỳ” để “đe dọa Bắc Kinh”.
“Hoa Kỳ là kẻ chủ mưu gây ra cuộc khủng hoảng Ukraine,” bài báo nêu rõ. “Họ muốn Trung Quốc tuân theo mệnh lệnh của họ.”
Bài báo kết luận: “Chúng tôi mong muốn được chứng kiến việc Hoa Kỳ thực hiện đúng các cam kết của mình với Trung Quốc và thỏa hiệp với Trung Quốc.”
Bản thông tin của Trung Quốc về cuộc hội đàm đã nêu rõ những gì mà chế độ Trung Quốc muốn từ Hoa Thịnh Đốn — hỗ trợ cho yêu sách lãnh thổ của họ đối với Đài Loan.
Ông Dương được cho là đã nói với ông Sullivan rằng Trung Quốc rất khó chịu về “những lời nói và hành động sai trái gần đây của phía Hoa Kỳ về các vấn đề liên quan đến Đài Loan.”
Theo bản thông tin của Trung Quốc, “Trung Quốc kêu gọi phía Hoa Kỳ công nhận tính nhạy cảm cao của vấn đề Đài Loan, [và] tuân thủ ‘nguyên tắc một Trung Quốc’.”
Ông Sullivan không lưu ý đến yêu cầu của Trung Quốc trong cuộc họp này.
Vị quan chức Hoa Kỳ nói: “Cố vấn An ninh Quốc gia cũng nhắc lại ‘Chính sách Một Trung Quốc’ của chúng ta dựa trên Đạo luật Quan hệ Đài Loan, Ba Thông cáo chung và Sáu điều bảo đảm. Và ông ấy nhấn mạnh mối lo ngại về các hướng đi và các hành động khiêu khích của Bắc Kinh trên Eo biển Đài Loan.”
Hoa Kỳ từ lâu đã giữ “chính sách một Trung Quốc”, khẳng định rằng chỉ có một quốc gia có chủ quyền với tên gọi “Trung Quốc”, nhưng nó khác với “nguyên tắc một Trung Quốc” mà chính quyền Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với Trung Quốc đại lục sau cuộc nội chiến, khẳng định quyền cai trị của mình đối với Đài Loan tự quản.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cầm quyền coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình mặc dù hòn đảo này trên thực tế là một thực thể độc lập với chính phủ dân chủ tự do của riêng mình.
Việc Nga xâm lược Ukraine đã làm dấy lên đồn đoán cho rằng lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có thể theo chân người đồng cấp Nga Vladimir Putin và xâm lược Đài Loan. Hai nhà lãnh đạo này đã tuyên bố quan hệ đối tác “không có giới hạn” hôm 04/02, trong đó ông Putin ủng hộ yêu sách của Trung Quốc đối với Đài Loan và ông Tập ủng hộ Moscow trong việc phản đối NATO mở rộng.
Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News vào tối thứ Hai (14/03), thượng nghị sĩ Lindsey Graham (Cộng Hòa-South Carolina) đã kêu gọi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden soạn thảo các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc nếu ĐCSTQ chọn viện trợ cho Moscow trong cuộc chiến của họ.
Ông Graham nói: “Trung Quốc đang cố gắng cứu nguy cho ông Putin. Nếu ông Putin thua, Trung Quốc sẽ thua.”
Ông cho biết thêm: “Nếu quý vị tin rằng Trung Quốc sẽ giúp ông Putin tồn tại bằng cách cung cấp thiết bị quân sự và hỗ trợ kinh tế … hãy nói rõ cho Trung Quốc biết, các lệnh trừng phạt sẽ đến với họ, nếu [họ] giúp ông Putin.”
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Frank Fang là một nhà báo người Đài Loan. Ông ấy đưa tin về Trung Quốc và Đài Loan. Ông có bằng thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.
Hoàn Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: