Trung Quốc không cam kết xuất dầu từ kho dự trữ
BẮC KINH—Trung Quốc, nhà nhập cảng dầu thô lớn nhất thế giới, không cam kết xuất dầu từ kho dự trữ của mình theo yêu cầu của Hoa Thịnh Đốn, trong khi các nguồn tin OPEC cho biết hành động của Hoa Kỳ sẽ không khiến nhóm nhà sản xuất này thay đổi chính sách.
Hôm thứ Ba (23/11), chính phủ của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã công bố các kế hoạch xuất hàng triệu thùng dầu từ các kho dự trữ chiến lược với sự phối hợp của các quốc gia tiêu thụ lớn khác, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, và Nhật Bản, nhằm cố gắng hạ nhiệt giá dầu.
Hoa Kỳ đã thực hiện cam kết lớn nhất về việc xuất kho dự trữ ở mức 50 triệu thùng dầu ra thị trường theo hai hình thức, bán có sự chấp thuận từ trước và bán dưới dạng người mua phải hoàn trả dầu trong tương lai. Tuy nhiên, nếu không có Trung Quốc, thì hành động này sẽ có ít tác động hơn.
Không có thêm thông báo nào từ Bắc Kinh hôm thứ Năm (25/11), sau khi Trung Quốc cho biết hôm thứ Tư (24/11) rằng họ đang tiến hành xuất kho dự trữ của riêng mình, xác nhận một bản tin của Reuters hồi tuần trước nói rằng Trung Quốc sẽ xuất dầu theo nhu cầu của họ.
Hôm thứ Ba (23/11), Tổng thống Biden đã nói trong một cuộc họp báo rằng Trung Quốc “có thể làm được nhiều hơn thế”.
Những suy đoán về hành động phối hợp đã khiến giá dầu thô giảm trước khi có thông báo của Hoa Kỳ, nhưng [giá trên] thị trường quốc tế đã tăng hơn 3% hôm thứ Ba (23/11) trong bối cảnh Hoa Thịnh Đốn xác nhận sẽ sử dụng nguồn dự trữ chiến lược và thị trường không rõ về các ý định của Trung Quốc.
Thị trường dầu cũng quan tâm đến bước đi tiếp theo của OPEC khi thông báo của Hoa Thịnh Đốn làm dấy lên suy đoán rằng Tổ chức các Nước Xuất cảng Dầu mỏ và các đồng minh, được gọi chung là OPEC+, có thể sẽ đáp trả.
Tuy nhiên, ba nguồn tin xác định với Reuters rằng nhóm này không xem xét tạm dừng thỏa thuận hiện tại để tăng sản lượng lên 400,000 thùng hàng ngày mỗi tháng, một tốc độ được một số quốc gia tiêu dùng coi là quá chậm.
Nhu cầu nhiên liệu đã suy giảm trong giai đoạn đầu của đại dịch nhưng đã tăng trở lại trong năm nay, và giá dầu leo thang gây ra lạm phát rộng hơn.
Đối mặt với xếp hạng tín nhiệm thấp trước cuộc bầu cử quốc hội năm tới, Tổng thống Biden đã thất bại sau khi OPEC+ liên tục từ chối các yêu cầu sản xuất thêm dầu của ông. Giá xăng bán lẻ của Hoa Kỳ đã tăng hơn 60% trong năm ngoái, tốc độ tăng nhanh nhất kể từ năm 2000.
Hôm thứ Năm (25/11), [giá] dầu thô Brent giảm 31 cent xuống còn 81.94 USD/thùng vào lúc 10 giờ sáng (GMT).
Nhà phân tích Thị trường Dầu mỏ Cao cấp Louise Dickson của Rystad cho biết hôm thứ Tư, “Thị trường dường như tin vào việc OPEC+ sẽ giữ cho trữ lượng dầu thắt chặt hơn là tin vào tính chất tạm thời của việc xuất kho dự trữ dầu mỏ chiến lược quốc gia (SPR).”
Phản ứng của OPEC
OPEC+, bao gồm Saudi Arabia và các đồng minh khác của Hoa Kỳ ở Vùng Vịnh cũng như Nga, đã nhóm họp hôm 02/12 để thảo luận về chính sách.
Hôm thứ Tư (24/11), Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Ihsan Abdul Jabbar cho biết OPEC+ đang theo dõi liệu thị trường dầu có cân bằng hay không, khi nói rằng nhóm này cần nghiên cứu dữ liệu mới nhất trước khi đưa ra quyết định về nguồn cung.
Các quốc gia sản xuất đang gặp khó khăn trong việc sản xuất đủ dầu để đáp ứng các mục tiêu hiện có và họ cũng lo ngại sự bùng phát trở lại của các ca nhiễm COVID-19 một lần nữa có thể làm giảm nhu cầu.
Nỗ lực của Hoa Thịnh Đốn trong việc hợp tác với các nền kinh tế lớn ở Á Châu để giảm giá năng lượng là một lời cảnh báo đối với OPEC+ để kiểm soát giá dầu thô – vốn đã tăng hơn 50% trong năm nay tính đến thời điểm hiện tại.
Trước đây, việc xuất các kho dự trữ của nhiều quốc gia đã được điều phối bởi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), một cơ quan giám sát có trụ sở tại Paris. IEA không can thiệp để ảnh hưởng đến giá cả, nhưng người đứng đầu cơ quan này hôm thứ Tư (24/11) cho biết một số nhà sản xuất đã hạn chế nguồn cung quá nhiều.
Người đứng đầu IEA, ông Fatih Birol, cho biết, “Một số căng thẳng chính trên các thị trường ngày nay có thể được xem là sự thiếu hụt giả tạo … bởi vì trên các thị trường dầu mỏ ngày nay, chúng ta thấy công suất sản xuất dự phòng gần 6 triệu thùng/ngày nằm trong tay các nước sản xuất chủ chốt, các nước OPEC+.”
Theo kế hoạch, Hoa Kỳ sẽ xuất kho 50 triệu thùng, tương đương với nhu cầu nội địa của khoảng 2 ngày rưỡi. Tuy nhiên, một số nhà phân tích gọi thành phần xuất kho của Hoa Kỳ – sự kết hợp của 18 triệu thùng bán theo diện chấp thuận từ trước và 32 triệu thùng bán theo diện có hoàn trả – là quá nhỏ và tạm thời.
Goldman Sachs cho biết khối lượng được công bố “chỉ như muối bỏ bể”.
Dự kiến, tác động của việc bán [dầu] từ kho dự trữ chiến lược có thể được cảm nhận đầu tiên ở Hoa Kỳ và sau đó là Á Châu.
Do Yew Lun Tian, Ahmad Ghaddar, và Olesya Astakhova của Reuters thực hiện
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: