Trung Quốc khởi xướng phát triển vaccine mRNA
Trong khi vaccine bất hoạt của Trung Quốc vẫn còn đang bị nghi ngờ về tính hiệu quả, thì vaccine công nghệ mRNA Pfizer-BioNTech vẫn bị cản trở trong quy trình chấp thuận của Trung Cộng và không được cấp phép sử dụng ở Trung Quốc đại lục. Cũng tại thời điểm này, tập đoàn quốc doanh Sinopharm tuyên bố sẽ phát triển vaccine theo công nghệ mRNA.
Vào ngày 06/09, ngân hàng quốc doanh First Financial cho biết, Tổng công ty Tập đoàn Dược phẩm Trung Quốc (Sinopharm) đã bắt đầu phát triển loại vaccine theo công nghệ mRNA và dự kiến sẽ được tung ra thị trường vào năm tới. Sinopharm là doanh nghiệp trung ương duy nhất trực thuộc Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản thuộc Sở hữu Nhà nước của Quốc vụ viện tập trung vào đời sống và sức khỏe.
Giới chức Trung Cộng đã phản đối công nghệ mRNA trong nghiên cứu vaccine virus Trung Cộng (còn gọi là virus corona chủng mới). “Trung Quốc đã chọn con đường vaccine bất hoạt toàn thể và an toàn, trong khi con đường vaccine công nghệ mRNA không toàn thể và có thể gây ra rủi ro về mức độ an toàn,” hãng thông tấn Tân Hoa Xã cho biết vào ngày 29/12/2020.
Tuy nhiên, dựa trên hiệu quả thực tế của loại vaccine này, thì “vaccine được sản xuất nội địa của Trung Quốc có rất ít tác dụng,” một luật sư người Trung Quốc ẩn danh đã nói với The Epoch Times, khi viện dẫn rằng đợt bùng phát mới nhất đã phát sinh tại phi trường Nam Kinh, có đến 37 người bị nhiễm bệnh và 36 người trong số đó đã được chích đủ hai liều vaccine Trung Quốc.
Hai nhà sản xuất vaccine ở Trung Quốc, cả công ty quốc doanh Sinopharm và công ty tư nhân Sinovac, đều dựa vào công nghệ vaccine bất hoạt.
Ông Cao Phúc (Gao Fu), giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc đã phải thừa nhận: “Hiện tại, các loại vaccine nội địa có khả năng bảo vệ chống lại COVID-19 tương đối thấp. Hiện chúng tôi đang xem xét về việc liệu chúng ta có nên sử dụng các loại vaccine khác từ các dây chuyền kỹ thuật khác nhau cho quá trình miễn dịch hay không.” Ông Cao đã có bài diễn văn tại một hội nghị ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, vào ngày 10/04.
Ông Cao cũng ca ngợi các lợi ích của vaccine mRNA. Công nghệ đằng sau vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna được coi là hiệu quả nhất, The Associated Press đưa tin.
Vaccine bất hoạt và vaccine mRNA
Theo dữ liệu từ Healthcareitnews, vaccine của Sinovac và Sinopharm là loại vaccine virus toàn phần “sử dụng cách làm suy yếu hoặc làm bất hoạt mầm bệnh gây ra COVID-19 để kích hoạt miễn dịch bảo vệ [cơ thể], còn được gọi là vaccine bất hoạt.”
Vaccine Modena và Pfizer/BioNTech là vaccine ARN hoặc mRNA “hướng dẫn các tế bào sản xuất kháng nguyên và sau đó được các tế bào miễn dịch phát hiện, kích hoạt phản ứng của các tế bào bạch huyết của cơ thể,” do vậy cho phép hiệu quả miễn dịch được khuếch đại dễ dàng hơn.
Vào ngày 31/12/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chấp thuận cho vaccine mRNA Comirnaty COVID-19 do Pfizer và BioNTech cùng phát triển, được đưa vào sử dụng khẩn cấp, do đó nó còn được gọi là vaccine Pfizer-BioNTech.
Các thử nghiệm lâm sàng đã chứng minh rằng vaccine Pfizer-BioNTech có hiệu quả vaccine tổng thể là 95%, theo báo cáo đánh giá hôm 19/02 do Cơ quan Dược phẩm Châu Âu ban hành.
Trong khi vaccine bất hoạt của Sinovac có tỷ lệ hiệu quả khác nhau trên mỗi thử nghiệm được tiến hành ở một số quốc gia, [mức độ hiệu quả] dao động từ khoảng 50% đến hơn 83%, The Associated Press đưa tin.
Theo như trang web chính thức của Sinopharm cho biết, vaccine bất hoạt của họ có tỷ lệ hiệu quả là 79%.
Vào ngày 23/08/2021, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã chấp thuận đầy đủ vaccine Pfizer – BioNTech để dự phòng COVID-19 cho những người từ 16 tuổi trở lên.
Sinopharm và Fubitai
Ngay sau chính sách vừa được ban bố của Hoa Kỳ, vào ngày 06/09, Tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước Sinopharm đã công bố việc phát triển vaccine mRNA.
Đầu tháng Năm năm nay, công ty dược phẩm Fosun Pharmaceutical đã thiết lập quan hệ đối tác với công ty BioNTech Biotech của Đức, nhà đồng sản xuất vaccine Pfizer-BioNTech với Pfizer. Đôi bên đã đồng ý sản xuất vaccine mRNA với công suất 1 tỷ liều mỗi năm tại Trung Quốc. Tuy nhiên, vaccine được sản xuất theo công nghệ mRNA còn được gọi bằng Tiếng Trung là vaccine Fubitai, vẫn chưa nhận được giấy phép chấp thuận tại Trung Quốc.
Một số nhà đầu tư lo ngại rằng vaccine Fubitai không thể được niêm yết tại Trung Quốc. Theo như ngân hàng First Financial, chủ tịch kiêm tổng giám đốc của Fosun, ông Ngô Dĩ Phương (Wu Yifang) trả lời hôm 23/08 rằng, ông sẽ liên lạc với các cơ quan quản lý Trung Quốc.
Tập đoàn Sinopharm đã đưa ra thông báo trong khi việc chấp thuận vaccine Fubitai vẫn đang bị đình trệ, điều này có thể cho thấy rằng “Trung Cộng đang thúc đẩy các công ty trong nước,” ông Lý Yến Minh (Li Yanming), nhà bình luận về các vấn đề hiện tại, có bằng tiến sĩ Sinh học tại Hoa Kỳ cho biết. “Trung Cộng [đang] lo ngại rằng việc tung ra vaccine Fubitai sẽ dẫn đến việc tẩy chay vaccine nội địa.”
Ngoài Sinopharm, ngay từ tháng 06/2020, Viện Quân y của Trung Cộng, Viện Công nghệ sinh học Abogenbio ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô và Viện Công nghệ sinh học Walvax ở tỉnh Vân Nam, đã bắt tay hợp tác đồng phát triển vaccine mRNA. Tuy nhiên, sau khi được Cục Quản lý Dược chấp thuận, việc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một của vaccine này đã bị đình trệ và không có dữ liệu nào được công bố.
Phóng viên của The Epoch Times đã liên hệ với Sinopharm, Viện Quân Y, Viện Công nghệ sinh học Abogenbio và Viện Công nghệ sinh học Walvax để xin ý kiến bình luận, nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi nào vào thời điểm bài báo này được xuất bản.
Các loại vaccine kháng COVID-19 do Trung Cộng sản xuất đang bị đặt ra nghi vấn [về tính hiệu quả]
Để tăng tầm ảnh hưởng của mình trên toàn cầu, Trung Cộng đã tham gia vào việc “ngoại giao vaccine.” Tính đến đầu tháng Tám năm nay, nước này đã tài trợ vaccine cho hơn 100 quốc gia cũng như xuất cảng vaccine sang hơn 60 quốc gia, với tổng khối lượng lên đến hơn 770 triệu liều, theo như báo cáo của cơ quan ngôn luận Chinanews.
“Các loại vaccine của Trung Cộng đang được chấp thuận và sử dụng với tốc độ phi thường; tuy nhiên, khi virus đột biến và [vaccine] không thể tạo nên hàng rào miễn dịch, mỗi lần chích loại vaccine này, thì sẽ tương đương với việc [cơ thể] bị nhiễm độc,” ông Quế Viên (Guiyuan), người có bằng tiến sĩ y khoa, nói với The Epoch Times.
Ông Quế Viên cho biết: “Bước tiến vĩ đại nhảy vọt của Trung Cộng trong [việc phát triển] vaccine là vô lý và hoàn toàn đi ngược lại với quy luật thông thường.”
Seychelles, Chile, Bahrain và Mông Cổ, là các quốc gia đã chính thức sử dụng vaccine của Trung Cộng, [các quốc gia này] đã được liệt kê nằm trong số các quốc gia có liên quan đến 10 vụ bùng phát nghiêm trọng nhất trên toàn cầu, theo một bài báo đăng trên New York Times hôm 22/06.
Hôm 19/08, Đại học Johns Hopkins ra thông báo sẽ chỉ chấp nhận các loại vaccine đã được FDA Hoa Kỳ chấp thuận, bao gồm cả Moderna, Pfizer và Johnson & Johnson. Các loại vaccine của Trung Cộng như Sinopharm và Sinovac không được chứng thực, và các sinh viên đã chích các loại vaccine này tại Trung Quốc sẽ cần phải chích các loại vaccine đã được chấp thuận khác trước ngày 08/10 khi các em bắt đầu trở lại trường.
Triều Tiên đã từ chối 3 triệu liều vaccine Sinovac từ Trung Quốc hôm 01/09, họ nói rằng Trung Quốc nên gửi chúng đến các nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Viện Chiến lược An ninh Quốc gia (INSS), một tổ chức tư vấn của Hàn Quốc, nói rằng Triều Tiên không mặn mà với vaccine của Trung Cộng vì lo ngại rằng chúng kém hiệu quả, theo Reuters.
Trước đây, một số quốc gia chủ yếu nhận vaccine của Trung Cộng cũng đang bắt đầu thay đổi chính sách chích ngừa của mình. Chẳng hạn, các nhân viên y tế ở Indonesia sẽ chích vaccine Moderna sau khi đã chích hai liều vaccine Sinovac; đảo quốc Trung Đông-Bahrain đang kêu gọi những người trên 50 tuổi chích một liều Pfizer bổ sung sau hai liều vaccine Sinopharm; Thái Lan cũng đã ra quyết định cung cấp vaccine AstraZeneca sau liều vaccine Sinovac đầu tiên.
Do Winnie Han và Ellen Wan thực hiện
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: