Trung Quốc khai triển ‘vũ khí bí mật’ ở Biển Đông như thế nào?
Cuộc điều tra độc quyền trước đó của Epoch Times cho thấy rằng Trung Quốc đã lợi dụng nhiều phương pháp khác nhau để có được các công nghệ quân sự và dân sự tiên tiến của Hoa Kỳ một cách không chính đáng. Thời báo The Epoch Times gần đây có được một số tài liệu nội bộ của tỉnh Hải Nam của Trung Quốc, phát hiện rằng để ứng phó với tình hình Biển Đông, Trung Quốc đã mời một lượng lớn các chuyên gia quân sự Nga đến nhằm nghiên cứu chế tạo phi cơ tiên tiến.
Thời báo The Epoch Times gần đây đã lấy được một số tài liệu “Dự án quan trọng về chuyên gia nước ngoài” của tỉnh Hải Nam trình báo lên Cục Quản lý Nhà nước về chuyên gia nước ngoài. Tài liệu cho thấy, để đáp ứng chiến lược “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc, nhất là để ứng phó với tình hình căng thẳng ở Biển Đông, dự án chế tạo ekranoplan (phi cơ hiệu ứng bề mặt) của “Hải Nam Anh Cách” đã ra sức mời về các chuyên gia khoa học công nghệ và các phi công chiến đấu cơ người Nga, cùng nhiều nhân tài về quân sự.
Bối cảnh “Hải Nam Anh Cách” phát triển phi cơ hiệu ứng bề mặt
Theo trang web chính thức của “Hải Nam Anh Cách”, vào năm 2013, khi ông Tập Cận Bình đề xuất chiến lược “Một vành đai, Một con đường” thì đồng thời Công ty TNHH chế tạo phi cơ hiệu ứng bề mặt Hải Nam Anh Cách cũng được thành lập tại thành phố Hải Khẩu, và “cũng dẫn đầu trong việc đưa một nhóm chuyên gia Nga về phi cơ hiệu ứng bề mặt vào trong nước”. Không đến 4 tháng sau, “phi cơ hiệu ứng bề mặt 12 chỗ do Hải Nam Anh Cách nghiên cứu và chế tạo đã bay thử thành công tại Hải Khẩu”.
Theo truyền thông Trung Quốc đại lục đưa tin, ngày 01/4/2013, Hải Nam Anh Cách đã cho bay thử thành công phi cơ hiệu ứng bề mặt số hiệu CYG-11; 16/4/2015 tại vùng biển Quế Lâm, Hải Khẩu, lần đầu tiên thực hiện bay thử hai phi cơ hiệu ứng bề mặt CYG-11 do “Hải Nam tự nghiên cứu chế tạo”. Phi cơ hiệu ứng bề mặt CYG-11 có thể chở 12 người hoặc chuyên chở 1,200kg, vận tốc đạt 200km/h, bay liên tục 1,500km, mức tiêu thụ nhiên liệu là 28 lít/100km, có giá bán khoảng 2.5 triệu USD đến 3 triệu USD mỗi chiếc.
Phi cơ hiệu ứng bề mặt là một loại phi cơ tốc độ cao mới lai giữa máy bay, tàu thủy và ca-nô đệm khí. Nó chủ yếu bay trên những nơi có hiệu ứng bề mặt, cũng chính là bay sát mặt đất, mặt nước, dựa vào hiệu ứng bề mặt sinh ra lớp đệm khí. Do đó, nó có ưu điểm của cả tàu thủy và máy bay, có thế mạnh về cả hai lĩnh vực cho nên thích hợp với cả quân sự lẫn dân dụng, đặc biệt là công dụng rất lớn trong lĩnh vực quân sự.
Độc quyền: Trung Quốc đã phát triển một loại “vũ khí bí mật” để sử dụng ở Biển Đông
The Epoch Times đã thu thập được “Đơn xin ứng tuyển (application form) của dự án mời nhân tài quản lý và kỹ thuật nước ngoài năm 2017” của Hải Nam Anh Cách giới thiệu rằng, phi cơ hiệu ứng bề mặt có tốc độ nhanh, tải trọng lớn, chi phí sản xuất thấp, vốn đầu tư ít, tính an toàn cao, khả năng ẩn nấp mạnh, không những có thể dùng trong lĩnh vực dân sự như chở người, vận chuyển hàng hóa, thăm dò tài nguyên, tìm kiếm cứu hộ, tham quan du lịch, mà còn có công dụng rất lớn trong lĩnh vực quân sự.
Trong phần “Giới thiệu sản phẩm” trên trang web chính thức của Hải Nam Anh Cách có đăng rất nhiều ảnh chụp CYG-11 bay thử nghiệm và hạ cánh trên các đảo ở Biển Đông.
Trong đơn xin ứng tuyển của dự án mời nhân tài nước ngoài năm 2017 của Hải Nam Anh Cách cho thấy dự án chế tạo phi cơ hiệu ứng bề mặt có kế hoạch đầu tư 500 triệu Nhân dân tệ. Dự án bắt đầu từ tháng 12/2017 cho đến tháng 12/2019.
Tài liệu giới thiệu viết: “Khi tình hình ở Nam Hải của nước ta không ngừng leo thang,sự xuất hiện của dự án này đã bù đắp vào chỗ trống về lĩnh vực phi cơ hiệu ứng bề mặt của nước ta”, có thể “sử dụng cho việc xây dựng nền quốc phòng Trung Quốc và cứu hộ trên biển”.
Trong tài liệu này, đối với việc Hải Nam Anh Cách chế tạo ra phi cơ hiệu ứng bề mặt, các chuyên gia của Viện Khoa học Trung Quốc và Viện Nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật Quân sự Hải quân Trung Quốc đánh giá rằng, cùng với “vấn đề Biển Đông ngày càng căng thẳng”, thì dự án này “phát huy tác dụng trọng yếu đối với việc bảo vệ an toàn ranh giới vùng biển của Trung Quốc với các quốc gia khác.”
Theo tài liệu này, các phi cơ hiệu ứng bề mặt hiện có trên thế giới là nhằm vào các vùng sông nước ao hồ nội địa, còn về phương diện tính năng kháng sóng, khả năng bay liên tục cùng với tính năng chống ăn mòn thì có rất nhiều hạn chế, trong khi phi cơ hiệu ứng bề mặt của Hải Nam Anh Cách [khắc phục được những điều này] để đi lại trên biển.
Tài liệu nhấn mạnh tác dụng của các chuyên gia người Nga, nói rằng “Nga đã đạt đến trình độ tiên tiến nhất thế giới”, “nhóm chuyên gia do Hải Nam Anh Cách mời về đã liên tục tham gia vào việc nghiên cứu và phát minh máy bay hiệu ứng bề mặt tại Nga, đến để “cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cần thiết để phát triển dự án này”.
Căn cứ vào tài liệu này, năm 2017 Hải Nam Anh Cách có kế hoạch mời về 17 chuyên gia nước ngoài, trong đó gồm có Alexander Andreev, chuyên gia thiết kế phi cơ của Liên Xô cũ, và EvgenII Iurasov, cựu phi công chiến đấu cơ Mig của Nga và rất nhiều chuyên gia quân sự khác của Nga.
Điều đáng nói là, năm 2015 truyền thông của Nga cũng chú ý đến chuyến bay thử thành công của phi cơ hiệu ứng bề mặt do “Hải Nam tự nghiên cứu và phát minh” vào tháng 4 năm đó. Tuy nhiên, truyền thông của Nga lại cho rằng Trung Quốc lại một lần nữa sao chép trang bị tiên tiến của Nga, và giá cả nâng lên gấp đôi.
Theo thông tin do truyền thông Trung Quốc đại lục trích dẫn từ Trung tâm Phân tích Chiến lược và Kỹ thuật Nga ngày 23/4/2015 cho thấy, phi cơ hiệu ứng bề mặt CYG-11 được thử nghiệm vào ngày 16/4/2015 do Hải Nam Anh Cách thiết kế và sản xuất, nhưng nó lại là sản phẩm sao chép phi cơ hiệu ứng bề mặt “Hoàng Oanh” EK-12P do tập đoàn sản xuất khoa học TREK của Nga nghiên cứu và chế tạo. Theo truyền thông của Nga đưa tin, nhà thiết kế chính của tập đoàn sản xuất khoa học TREK là Karganov thời đó đã chỉ ra rằng giá của phi cơ hiệu ứng bề mặt “Hoàng Oanh” của Nga thấp hơn rất nhiều so với những sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, chỉ từ 1 triệu đến 1.5 triệu USD.
Trung Quốc dụ dỗ chuyên gia quân sự Nga trở thành “Nhân tài Hải Nam”
Căn cứ vào danh sách mời nhân tài do Hải Nam Anh Cách trình khai với Cục Quản lý Nhà nước về Chuyên gia Nước ngoài, cùng với “Văn bản phê duyệt mô hình thu hút nhân tài cao cấp kiểu chim di trú” của thành phố Hải Khẩu, Hải Nam Anh Cách đã mời một cách có hệ thống đầy đủ nhóm các chuyên gia nghiên cứu và chế tạo, lắp ráp, sửa chữa và phi công bay thử phi cơ hiệu ứng bề mặt từ Nga.
Ví như Alexander Andreev, cựu chuyên gia Bộ quốc phòng Liên Xô cũ, từng tổ chức nghiên cứu và chế tạo loại phi cơ T-101, T-411, và sản xuất phi cơ hiệu ứng bề mặt ở Nga, được Hải Nam Anh Cách mời làm thiết kế trưởng, kiêm kỹ sư trưởng.
Maksim Rozhkov, từng làm việc tại Trung tâm Khoa học sản xuất Hỏa tiễn Hàng không Vũ trụ Nga, nơi nghiên cứu và chế tạo tàu vũ trụ đầu tiên của thế giới, sau đó phụ trách chế tạo phi cơ hiệu ứng bề mặt ở Nga, đến năm 2013 được Hải Nam Anh Cách mời về phụ trách thiết kế kết cấu và chế tạo lắp ráp phi cơ hiệu ứng bề mặt.
Ivakaev Egor, chuyên gia về động cơ phi cơ, vào năm 2017 được Hải Nam Anh Cách mời về và phụ trách sửa chữa động cơ phi cơ hiệu ứng bề mặt.
Kovbaska Vladisla, trước đó đã tham gia vào lĩnh vực xử lý mối hàn cánh tàu ở Nga, vào năm 2013 được Hải Nam Anh Cách mời về.
Volchanin Andrei, cựu Kỹ sư Điện cơ của Quân đội Liên Xô, và trước đó đã tham gia xử lý lắp ráp phi cơ ở Nga, vào năm 2015 được Hải Nam Anh Cách mời về.
Ngoài toàn bộ quá trình nghiên cứu chế tạo sản xuất từ thiết kế, chế tạo sửa chữa động cơ cho đến xử lý mối hàn và lắp ráp, v.v., ngay cả phi công bay thử Hải Nam Anh Cách cũng dùng chính chuyên gia người Nga. Chỉ trong danh sách trình báo về việc mời nhân tài năm 2017, có thể thấy vì dự án phi cơ hiệu ứng bề mặt này mà Hải Nam Anh Cách đã mời về 6 phi công người Nga trong đó có Oleinikov Andre và Iurasov Evgeniii.
Thậm chí, Hải Nam Anh Cách còn chuẩn bị cho phi cơ không người lái, vào năm 2016 họ đã mời phi công cấp hai kiêm kỹ sư thiết kế và sản xuất phi cơ không người lái người Nga Selezen Aleksandr, đảm nhiệm cố vấn kỹ thuật cho hệ thống phi cơ hiệu ứng bề mặt không người lái.
Bí quyết mời thành công các chuyên gia Nga này của Hải Nam Anh Cách dường như chính là chi tiền.
Danh sách trình báo về việc mời nhân tài năm 2017 cho thấy, không tính tiền lương cho chuyên gia người Nga, mỗi năm tiền phụ cấp mà Hải Nam Anh Cách trả cho những chuyên gia này là 157 ngàn Nhân dân tệ cho mỗi người, trong đó tiền tiêu vặt mỗi năm của mỗi người là 29 ngàn Nhân dân tệ, Kỹ sư trưởng Alexander Andreev được trợ cấp tới 183 ngàn Nhân dân tệ mỗi năm.
Ngoài mức lương và phụ cấp khổng lồ ra, Hải Nam Anh Cách còn cung cấp cho các chuyên gia người Nga với chế độ đãi ngộ nghỉ dưỡng cực kỳ hậu đãi, như được nghỉ phép về Nga một tháng sau ba tháng làm việc, và có thể được về nước sớm nếu như hoàn thành xong lượng công việc được giao sớm, v.v.
Căn cứ theo các tài liệu này của tỉnh Hải Nam, có thể thấy được điều kiện đãi ngộ đối với nhân tài được mời về rất hấp dẫn này không phải là chế độ đãi ngộ đặc biệt của Hải Nam Anh Cách, mà là chính sách đãi ngộ nhân tài do Trung Quốc chế định ra.
Trong tài liệu này, các chuyên gia người Nga do Hải Nam Anh Cách mời về, những người được trở về Nga nghỉ ngơi 3 tháng ấy được định nghĩa là nhân tài “kiểu chim di cư”.
Hơn nữa, hàng năm Hải Nam Anh Cách còn nộp đơn trình báo về việc mời nhân tài lên Cục quản lý Nhà nước về Chuyên gia Nước ngoài của Trung Quốc và các cơ quan Ngoại vụ khác của tỉnh Hải Nam, thành phố Hải Khẩu, và xin tài trợ tài chính để bổ sung nguồn chi trả cho các chuyên gia thuê từ nước Nga.
Công nghệ quân sự của Nga thường xuyên bị đánh cắp, quan hệ Trung – Nga rất tế nhị
Cho dù Trung Quốc đề ra những đãi ngộ hậu hĩnh để thu hút các chuyên gia người Nga, hơn nữa những áp lực chế tài của các nước phương Tây cũng khiến cho Nga – Trung liên hợp lại với nhau, nhưng chính phủ Nga cũng không thể buông lỏng cảnh giác đối với Trung Quốc. Ví như trong việc xuất khẩu vũ khí tiên tiến, có hãng truyền thông nước ngoài bình luận rằng, nước Nga dường như có thái độ khác nhau với Trung Quốc và Ấn Độ.
Tháng 11/2014, Trung Quốc ký kết hợp đồng mua sắm hỏa tiễn phòng không S-400 trị giá 3 tỷ USD với Nga, và trở thành cái gọi là quốc gia đầu tiên xuất khẩu hệ thống hỏa tiễn S-400. Nhưng theo truyền thông Trung Quốc đại lục cho biết, mãi đến năm 2018, Trung Quốc mới nhận được bàn giao “xe phóng hỏa tiễn đạn đạo”, và cho đến nay vẫn chưa nhận được hỏa tiễn S-400.
Đối với việc giao hàng chậm tiến độ, chính phủ Nga giải thích rằng là do thời tiết tệ hại và do tình hình dịch bệnh, ấy vậy mà Ấn Độ đặt hàng S-400 của Nga trễ hơn Trung Quốc 4 năm, nhưng có thể nhanh nhất là tới tháng 9 sang năm sẽ nhận được hệ thống phòng không S-400 đầu tiên.
Theo truyền thông đưa tin, năm nay, sau khi xung đột giữa Ấn Độ và Trung Quốc gia tăng, tháng 6 Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ đã đến thăm Nga và thúc giục Nga nhanh chóng bàn giao các loại vũ khí đã được Ấn Độ đặt hàng như hỏa tiễn phòng không S-400, phía Nga cũng hứa hẹn sẽ kịp thời thực hiện hợp đồng.
Những năm gần đây, Tập Cận Bình vẫn luôn cố gắng có quan hệ thân thiết với nước Nga, hơn nữa hôm 22/10 ông Vladimir Putin cho biết, không loại trừ việc trong tương lai Nga – Trung sẽ trở thành một liên minh quân sự, nhưng quan hệ Nga – Trung vẫn ở trạng thái tế nhị.
Hôm 29/9/2020, chính phủ Nga đã bắt giữ một chuyên gia Nga bán thông tin tình báo khoa học kỹ thuật cơ mật cho Trung Quốc, báo chí cho biết người này có thể sẽ bị buộc tội phản quốc và phải đối mặt với bản án 12 năm tù trở lên. Hồi tháng 6/2020, Nga cũng bắt giữ một cựu Thượng tá hải quân Liên Xô cũ, và cáo buộc người này cung cấp cho Hải quân Trung Quốc tin tình báo về kỹ thuật định vị bằng sóng âm (sonar), v.v. Năm 2010 và 2016, Nga cũng đã bắt và xét xử nặng nhiều chuyên gia cung cấp tin tình báo khoa học kỹ thuật cho Trung Quốc.
Nhiều năm qua Trung Quốc vẫn luôn mua vũ khí trang bị của Nga, nhưng việc Trung Quốc sao chép và nhái theo kỹ thuật quân sự của đối tác là một vấn đề khó xử trong quan hệ hợp tác.
Tháng 5/2019, trong cuộc duyệt binh ở Quảng trường Đỏ kỷ niệm chiến thắng của Nga trong Thế chiến thứ hai, Nga đã mời quân đội Trung Quốc tham dự, nhưng điều khiến cho người ta lúng túng chính là truyền thông Nga đưa tin rằng hệ thống phòng không tầm ngắn “Armor-S1” của Nga xuất hiện trong cuộc diễn tập đã có bản sao tại Trung Quốc.
Truyền thông Nga cho hay, theo người phụ trách quân sự Nga, từ động cơ hàng không đến chiến đấu cơ, rồi đến hỏa tiễn phòng không, không có cái gì mà Trung Quốc không bắt chước theo, nhưng bởi vì không xin cấp bằng sáng chế độc quyền quốc tế, nên đối với việc này Nga đành bó tay.
Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin, những năm gần đây Trung Quốc đã mua các loại vũ khí tiên tiến như chiến đấu cơ SU-35 và hỏa tiễn phòng không S-400 của Nga, chẳng qua đều mua với số lượng vô cùng hạn chế, hành động này bị ngoại giới cho rằng mục đích của Trung Quốc là nhằm để mô phỏng theo.
Các phương tiện truyền thông quân sự của Nga đã đưa tin rằng, 95% vũ khí của Trung Quốc có nguồn gốc từ Nga, ví như J-11B được phát triển trên cơ sở của chiến đấu cơ SU-27, J-15 được phát triển trên cơ sở hàng không mẫu hạm SU-33, còn oanh tạc cơ H-6 cũng có nguồn gốc từ TU-16 của Liên Xô.