Trung Quốc kết án tử hình công dân Canada thứ tư với lý do liên quan tới ma túy
Trung Quốc vừa kết án tử hình thêm một công dân Canada với lý do liên quan tới ma túy. Đây là công dân Canada thứ 4 nhận án tử hình trong vòng chưa đầy 2 năm, sau khi quan hệ Trung – Canada rạn nứt sâu sắc vì Canada bắt giữ giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu của Huawei, một công ty công nghệ khổng lồ của Trung Quốc.
Ông Diệp Kiến Huy (quốc tịch Canada) đã bị Tòa án Trung cấp thành phố Phật Sơn, thuộc tỉnh Quảng Đông kết án hôm 7/8. Trong một tuyên bố ngắn gọn, tòa này cho biết, ông Diệp bị kết tội sản xuất và vận chuyển ma túy bất hợp pháp.
Một nghi phạm khác trong vụ án cũng bị tuyên án tử hình và 4 người khác bị kết án tù từ 7 năm đến chung thân. Các bản án tử hình tự động được chuyển đến tòa án tối cao của Trung Cộng để xem xét.
Mối quan hệ giữa Canada và Trung Quốc trở nên ngày càng căng thẳng sau khi Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu vào cuối năm 2018 tại sân bay Vancouver theo yêu cầu của Hoa Kỳ. Nước này yêu cầu dẫn độ bà Mạnh về Hoa Kỳ để kết tội gian lận trong các giao dịch của công ty Huawei với Iran. Bà Mạnh là giám đốc tài chính và là con gái của người sáng lập Huawei. Vụ bắt giữ bà Mạnh đã khiến Bắc Kinh phẫn nộ, họ gọi đây là một hành động chính trị nhằm cản trở Trung Quốc trỗi dậy thành một cường quốc công nghệ toàn cầu.
Ông Diệp bị kết án một ngày sau khi một công dân Canada khác là ông Từ Vĩ Hồng bị Tòa án Trung cấp thành phố Quảng Châu ở tỉnh Quảng Đông, tuyên án tử hình. Ông Robert Schellenberg, một công dân Canada khác, cũng bị cáo buộc buôn lậu ma túy và bị kết án tử hình trong một cuộc tái thẩm đột ngột ngay sau khi bà Mạnh bị bắt. Một công dân Canada khác nữa tên là Phạm Vỹ đã bị tuyên án tử hình hồi tháng 4/2019 do tham gia vào một vụ buôn lậu ma túy xuyên quốc gia.
Chính quyền Trung Quốc cũng bắt giữ cựu quan chức ngoại giao Canada Michael Kovrig và doanh nhân Canada Michael Spavor vài tuần sau vụ bắt giữ bà Mạnh, với những cáo buộc mơ hồ về vi phạm an ninh quốc gia. Để gây áp lực buộc Canada thả bà Mạnh, Trung Cộng cũng đã áp dụng các hạn chế đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Canada sang Trung Quốc, ví dụ như dầu hạt cải. Bà Mạnh hiện đang cư trú tại một trong những dinh thự của mình ở Vancouver dưới hình thức quản thúc tại gia.
Tuyên bố nói trên của tòa án không đưa thêm chi tiết về cáo buộc đối với ông Diệp và những người khác. Tuy nhiên, trang web của Yangcheng Evening News (Tin tối Dương Thành) có trụ sở tại thành phố Quảng Châu, ông Diệp và đồng phạm Lô Hán Xương đã âm mưu cùng những người khác sản xuất và vận chuyển ma túy trong khoảng thời gian từ tháng 5/2015 đến tháng 1/2016.
Tờ báo này đưa tin rằng cảnh sát đã thu giữ khoảng 218 kg tinh thể màu trắng trộn với thuốc kích thích MDMA tại một căn phòng mà 2 người sử dụng, và tìm thấy 9.84 g ma túy khác trong túi xách và nơi ở của ông Lô và những người khác.
Tương tự như nhiều quốc gia châu Á khác, Trung Quốc thường đưa ra các hình phạt đặc biệt hà khắc đối với các tội danh liên quan đến việc sản xuất và buôn bán ma túy. Việc Trung Quốc ngày càng trở nên giàu có và và đang chuyển mình thành một trung tâm thương mại thế giới (những năm gần đây) đã thu hút ngày càng nhiều người nước ngoài thâm nhập vào thị trường nội địa Trung Quốc để mua bán chất cấm.
Vào tháng 12/2009, doanh nhân người Anh gốc Pakistan Akmal Shaikh đã bị hành quyết sau khi bị kết tội buôn lậu heroin, bất chấp những lời kêu gọi khoan hồng với lý do ông này bị rối loạn tinh thần.
Người ta cho rằng, mỗi năm Trung Quốc hành quyết nhiều tội phạm hơn tất cả các quốc gia khác cộng lại. Mặc dù con số thực tế là một bí mật quốc gia, nhưng ước tính có khoảng 2,000 ca tử hình tại Trung Quốc mỗi năm.
Theo The Associated Press