Trung Quốc: Học viên Pháp Luân Công 59 tuổi qua đời sau 14 giờ bị giam giữ
Hồi sáng sớm ngày 28/03/2022, bà Ngưu Lan Vân (Niu Lanyun), một nữ học viên Pháp Luân Công, đã trèo qua cửa sổ xuống căn nhà cho thuê của mình nhưng nhanh chóng bị cảnh sát bắt đưa đi.
Khoảng 6 giờ sáng, một nhân chứng nhìn thấy bà Ngưu thòng dây trèo xuống từ tầng ba, nhưng sợi dây đã đứt trước khi bà xuống đất. Bà bị ngã, nhưng đã đứng dậy nhanh chóng. Một nhân chứng đã gọi xe cấp cứu, nhưng bà từ chối bất kỳ dịch vụ chăm sóc y tế nào. Ngay sau đó, một chiếc xe cảnh sát đến và một sĩ quan đã xô bà vào trong xe và đưa bà đi.
Có một đám bột mới nhào trong một cái bát trong phòng của bà, cho thấy rằng bà đang chuẩn bị bữa sáng của mình trước khi vội vã thoát ra ngoài bằng một sợi dây. Cảnh sát cũng bắt chủ nhà của bà đi.
Khoảng 8 giờ tối hôm đó, gia đình bà được thông báo rằng bà đã qua đời và được yêu cầu đến Nhà tang lễ Đại Đồng để xác nhận danh tính cho bà. Gia đình bà đã không nhận được lời giải thích nào về nguyên nhân bà tử vong. Bà qua đời chỉ sau 14 giờ bị cảnh sát giam giữ.
Quá bàng hoàng và đau buồn trước sự ra đi của bà, gia đình của bà Ngưu đã yêu cầu cảnh sát giải thích về hoàn cảnh bà thiệt mạng và để công lý được thực thi. Họ kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp chấm dứt ngay lập tức cuộc bức hại Pháp Luân Công đã diễn ra trong hơn 20 năm.
Trước đó, bà Ngưu đã bị đưa vào trại lao động hai lần, và bà đã bị tra tấn thậm tệ vì không chịu từ bỏ đức tin của mình.
Theo Minghui.org, bà Ngưu sinh năm 1963 và là một nhân viên bán hàng đã nghỉ hưu của một cửa hàng bán lẻ địa phương ở thành phố Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây. Bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công hồi tháng 04/1998 và không lâu sau, bệnh thấp khớp của bà đã biến mất.
Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn thiền truyền thống của Trung Quốc với năm bài tập có động tác khoan thai và các bài giảng đạo đức dựa trên các nguyên lý cốt lõi là chân, thiện, và nhẫn. Môn tu luyện này đã bị cấm ở Trung Quốc kể từ tháng 07/1999 theo lệnh của lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đương thời Giang Trạch Dân, vì ông ta lo sợ sự phổ biến của môn này.
Hàng triệu học viên Pháp Luân Công đã bị giam giữ trong các nhà tù, trại lao động, trung tâm giam giữ, và cơ sở tẩy não trên khắp cả nước, nơi họ thường xuyên bị tra tấn và chịu các hành vi ngược đãi khác. Những người tu luyện Pháp Luân Công cũng là nguồn cung cấp nội tạng chính cho ngành công nghiệp cấy ghép vì lợi nhuận được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn, một tòa án nhân dân độc lập kết luận (pdf).
Bà Ngưu hầu như thoát chết trong gang tấc trong hai lần bà bị giam giữ bất hợp pháp trong các trại lao động.
Từ tháng 01/2001 đến tháng 01/2002, bà Ngưu bị giam tại Trại lao động Nữ Sơn Tây vì đức tin của mình. Cảnh sát đã không cho bà ngủ và chích bà bằng roi điện. Một ngày nọ, bà từ chối làm việc khổ sai và bị một nữ sĩ quan vật xuống đất với lực quá mạnh khiến bà ngay lập tức bị chứng tiểu tiện không kiểm soát.
Bà đã tuyệt thực để phản đối sự tra tấn mà mình phải chịu đựng. Cảnh sát và bạn tù đã đánh đập và bức thực bà. Họ đã thêm các loại thuốc độc vào chất lỏng được sử dụng trong việc bức thực, khiến bà Ngưu ngay lập tức cảm thấy vô cùng khó chịu và cảm giác như thể đầu mình sẽ nổ tung.
Bà đã phải chịu đựng những hình thức ngược đãi khác, bao gồm cả việc bị nhốt trong phòng biệt giam và bị dội nước lạnh vào đầu vào mùa đông. Nhà chức trách tại trại lao động đã phải yêu cầu gia đình đưa bà trở về nhà vào năm 2002 vì sức khỏe của bà Ngưu suy sụp sau tất cả các cuộc tra tấn.
Mùa xuân năm 2005, bà lại bị cảnh sát bắt cóc khi bà đang nói chuyện với mọi người về việc Pháp Luân Công tốt như thế nào và Pháp Luân Công đang bị bức hại bởi ĐCSTQ ra sao. Cảnh sát đã nhốt bà vào Trại lao động Tân Điếm ở Thái Nguyên, thành phố thủ phủ của tỉnh Sơn Tây. Bà bị bức thực một dung dịch nước muối đậm đặc pha với thuốc độc. Bà cũng bị chích vào tĩnh mạch một thứ chất không xác định mỗi ngày.
Bà Ngưu Lan Vân đã bị tra tấn trong Trại lao động Tân Điếm trong suốt 70 ngày và thể trọng của bà đã giảm xuống còn 77 pound (35 kg). Bà đã được đưa đến bác sĩ để kiểm tra, người này nói rằng bà sắp tử vong. Trại lao động đã thông báo cho gia đình bà đến để đưa bà về nhà. Ba mươi ngày sau, cảnh sát trại lao động lại hợp tác với đồn cảnh sát Phố Tân Hoa để bắt cóc bà Ngưu một lần nữa. Họ đã tra tấn bà thêm 40 ngày trước khi bảo gia đình đưa bà về nhà.
Gia đình của bà Ngưu cũng bị cảnh sát địa phương sách nhiễu và liên tục đe dọa. Sáu ngày sau Tết Nguyên Đán năm 2021, bà Ngưu đã phải rời khỏi nhà để bảo vệ gia đình mình. Bà đã tìm được một căn nhà cho thuê trong cùng thành phố, và sống một mình ở đó trước khi qua đời.
Bà Ngưu không phải là học viên Pháp Luân Công duy nhất thiệt mạng cùng ngày mà họ bị bắt.
Vào khoảng 5 giờ sáng ngày 18/06/2020, Cục Công an huyện Phong Nhuận và đồn cảnh sát ở thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, đã bắt cóc khoảng 30 học viên Pháp Luân Công trong khu vực, trong đó có bà Hàn Ngọc Cần (Han Yuqin), 68 tuổi. Bà Hàn được tuyên bố đã tử vong vào khoảng 4 giờ chiều cùng ngày, theo báo cáo vào ngày 25/06/2020 của Minghui.org.
Bà Quách Chấn Hương (Guo Zhenxiang), một phụ nữ 82 tuổi ở thành phố Chiêu Viễn, tỉnh Sơn Đông, đã qua đời vài giờ sau khi bà bị bắt vào ngày 11/01/2019, theo Minghui.org.
Minghui.org là một trang web chuyên đưa tin về cộng đồng Pháp Luân Công trên toàn thế giới, với các tin tức trực tiếp về tình hình của các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
Cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ đã diễn ra từ năm 1999. Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, kể từ tháng 07/1999 cho đến nay, đã có hơn 4,700 trường hợp được ghi nhận về các học viên Pháp Luân Công bị thiệt mạng do bị tra tấn và ngược đãi trong trại giam của cảnh sát.
Số người thiệt mạng thực tế và số người tu luyện Pháp Luân Công bị bỏ tù được cho là cao hơn nhiều so với những gì đã được ghi nhận hiện nay do sự kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt của ĐCSTQ.
Bản tin có sự đóng góp của Lý Khiết Tư
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: