Trung Quốc hoàn tất việc khai triển hệ thống định vị BeiDou
Ngày 1/8, tờ nhật báo Hồ Nam đã đưa tin rằng hệ thống BeiDou sẽ cho phép Trung Quốc “có sức mạnh lớn hơn khi đối mặt với sự cạnh tranh quốc tế khốc liệt hơn bao giờ hết”, và “để nắm quyền lãnh đạo”. Tờ báo dự đoán rằng, một khi BeiDou được kết hợp với các công nghệ khác như mạng 5G và trí tuệ nhân tạo, sẽ tạo nên “sức mạnh không thể đo được” cho Trung Quốc, đồng thời tạo ra các ngành công nghiệp mới với “nhiều lợi ích kinh tế và xã hội” hơn.
Các chuyên gia đã cảnh báo về những mối đe dọa an ninh mà hệ thống này có thể gây ra đối với người dùng và các chính phủ khi ĐCSTQ khai triển nó.
Ngày 31/7, hệ thống định vị vệ tinh BeiDou đã chính thức được đưa vào hoạt động tại một buổi lễ ở Bắc Kinh, với sự tham dự của lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình và các quan chức cao cấp khác như Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia), phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, cơ quan quân sự đầu não của ĐCSTQ.
Trong cuộc họp thường nhật ngày 31/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) tuyên bố rằng hệ thống BeiDou đang được sử dụng tại hơn một nửa các quốc gia trên toàn thế giới.
Hệ thống BeiDou của chính quyền ĐCSTQ bắt đầu từ năm 1994, đã hoàn thành vào ngày 23/6 khi Trung Quốc phóng vệ tinh BeiDou-3 cuối cùng lên quỹ đạo. Năm 2018, hệ thống này đã bắt đầu cung cấp dịch vụ cho các quốc gia tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của ĐCSTQ. Kể từ năm 2013, dự án chính sách đối ngoại này đã đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng và các tuyến đường thương mại trên khắp thế giới khi Bắc Kinh tìm cách tăng cường sức mạnh chính trị của mình.
Theo truyền thông ĐCSTQ, tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, BeiDou có độ chính xác hơn so với hệ thống định vị toàn cầu (GPS) của đối thủ Hoa Kỳ. Tính đến quý 1, có hơn 70% smartphone ở Trung Quốc đang sử dụng BeiDou, theo Global Times.
Trong khi hệ thống BeiDou được sử dụng cho cả hoạt động dân sự và quân sự, Bắc Kinh đã phát triển hệ thống này chủ yếu để phục vụ mục đích quân sự, theo báo cáo năm 2015 của Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Hoa Kỳ – Trung Quốc (USCC), một cơ quan trực thuộc quốc hội Hoa Kỳ. Quân đội Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã xem sự phụ thuộc của mình vào các hệ thống dẫn đường của nước ngoài là một “lỗ hổng chiến lược”, báo cáo cho biết.
Hệ thống BeiDou được Bắc Kinh hỗ trợ theo chính sách công nghiệp “Made in China 2025”, một kế hoạch chi tiết để Trung Quốc thế chỗ các đối thủ toàn cầu và trở thành một cường quốc sản xuất công nghệ cao.
Trong một báo cáo ban hành năm 2016, Bộ Khoa học và Công nghệ Đài Loan đã phác thảo một số mối đe dọa do hệ thống BeiDou gây ra cho người dùng smartphone. Họ cảnh báo rằng Bắc Kinh có thể theo dõi, nghe lén và lấy trộm thông tin từ người dùng nếu thiết bị của họ bị cài sẵn phần mềm độc hại và kết nối với BeiDou.
Một số nhà sản xuất smartphone, như Samsung, Huawei, và Xiaomi, đã bắt đầu cung cấp BeiDou như một ứng dụng tùy chọn để thu tín hiệu vệ tinh.
Bộ Khoa học và Công nghệ Đài Loan kêu gọi các nhân viên chính phủ Đài Loan không sử dụng smartphone có kết nối với hệ thống BeiDou, để ngăn chặn khả năng trở thành mục tiêu bị tấn công của ĐCSTQ.
Trong một báo cáo độc lập công bố năm 2017, USCC cũng đã đưa ra cảnh báo tương tự.
USCC cho biết: “Khi được sử dụng rộng rãi, Beidou có thể trở thành một rủi ro an ninh khi cho chính quyền ĐCSTQ cơ hội theo dõi người dùng qua việc cài đặt phần mềm độc hại, rồi truyền qua tín hiệu định vị hoặc chức năng nhắn tin (thông qua kênh liên lạc vệ tinh).”
USCC cũng cảnh báo: “ĐCSTQ cũng có thể tấn công khả năng kết nối với GPS của đối thủ mà không làm gián đoạn khả năng hoạt động của chính mình.”
Báo cáo hồi tháng 1/2019 của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Hoa Kỳ cảnh báo rằng Bắc Kinh cũng có thể tác động đến các quốc gia khác bằng cách đưa ra các ưu đãi cho đối tác tham gia “Sáng kiến Vành đai và Con đường” để họ sử dụng hệ thống BeiDou.
Tác giả: Frank Fang