Trung Quốc hạ thủy hàng không mẫu hạm thứ ba, mệnh danh theo tên tỉnh gần Đài Loan
Chính quyền Trung Quốc đã hạ thủy hàng không mẫu hạm thứ ba vào ngày 17/06, đánh dấu bước tiến mới nhất trong hành trình hiện đại hóa quân đội của chế độ cộng sản này.
Trước đây được biết đến với tên gọi Type 003, chính quyền cộng sản Trung Quốc đã mệnh danh con tàu này là “Phúc Kiến” trong một buổi lễ khánh thành linh đình với rượu sâm panh, khói màu, và ruy băng. Cái tên Phúc Kiến liên quan đến tỉnh nằm ngay đối diện với Đài Loan qua Eo biển Đài Loan, và như một lời nhắc nhở về tham vọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong việc thống nhất hòn đảo tự quản này với đại lục.
Được phát triển từ năm 2015, Phúc Kiến ban đầu dự kiến sẽ ra mắt vào đầu tháng này khi bắt đầu Lễ hội Thuyền Rồng, nhưng đã bị trì hoãn không rõ lý do.
Đây là hàng không mẫu hạm hoàn toàn hiện đại đầu tiên của Trung Quốc. Trước nó là “Liêu Ninh”, một tàu Liên Xô được trang bị thêm, và “Sơn Đông”, một tàu đóng trong nước được thiết kế và bổ sung từ các bản vẽ cho Liêu Ninh.
Mặc dù con tàu này sẽ không hoạt động hoàn toàn cho đến năm 2024, nhưng nó có kích thước và công nghệ vượt trội hơn rất nhiều so với cả hai con tàu đi trước nó.
Phúc Kiến nặng hơn cả Liêu Ninh và Sơn Đông ước tính khoảng 20,000 tấn, theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS). Và nó gần giống với thiết kế hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ hơn là của Liên Xô hoặc Nga. Tuy nhiên, không giống như các hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ, Phúc Kiến không chạy bằng năng lượng hạt nhân mà sử dụng năng lượng thông thường.
Có lẽ điều quan trọng nhất là Phúc Kiến được trang bị hệ thống phóng phi cơ điện từ cho phép hàng không mẫu hạm này có thể khai thác nhiều loại phi cơ hơn với trọng tải nặng hơn và nhiều nhiên liệu hơn, đồng thời tự hào có sàn đáp độ dài tiêu chuẩn.
Thành tựu này có nghĩa là Trung Quốc cộng sản sẽ cùng với Hoa Kỳ và Pháp trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới khai triển một hàng không mẫu hạm với các hệ thống phóng như vậy.
Điều này cũng bảo đảm rằng Trung Quốc sẽ chỉ đứng sau Hoa Kỳ về số lượng hàng không mẫu hạm đang hoạt động. Hoa Kỳ hiện duy trì 11 hàng không mẫu hạm. Trong số 11 chiếc đó, USS Ronald Reagan là chiếc duy nhất đóng quân bên ngoài Hoa Kỳ, ở Nhật Bản.
Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình đã coi việc mở rộng và hiện đại hóa hàng loạt đối với quân đội Trung Quốc trở thành một phần cốt lõi trong quá trình cai trị của mình, và đội hàng không mẫu hạm ngày càng tăng của nhà cầm quyền này là một minh chứng cho điều đó. Việc ra mắt của hàng không mẫu hạm Phúc Kiến cũng diễn ra vào thời điểm xung đột quốc tế và mối quan hệ Trung-Mỹ đang chạm đáy lịch sử.
Tháng Sáu, Bộ trưởng Quốc phòng ĐCSTQ Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) đã đe dọa Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin về việc Đài Loan trên thực tế tiếp tục độc lập.
Ông Ngụy nói: “Nếu bất cứ ai dám chia cắt Đài Loan khỏi Trung Quốc, quân đội Trung Quốc sẽ không ngần ngại bắt đầu một cuộc chiến bất kể giá nào.”
Vụ việc xảy ra sau nhiều cảnh báo từ các quan chức quân sự hàng đầu của Hoa Kỳ rằng ĐCSTQ không chỉ chuẩn bị cho một cuộc xâm lược Đài Loan, mà còn thiết kế các hệ thống vũ khí với mục đích rõ ràng là vượt qua các lực lượng Mỹ và đẩy Hoa Kỳ ra khỏi Tây Thái Bình Dương.
Để đạt được mục tiêu đó, hải quân của ĐCSTQ hiện có hơn 360 tàu, và cũng có thể tập hợp hàng trăm tàu bổ sung tạo nên lực lượng dân quân hàng hải của Trung Quốc.
Hải quân Hoa Kỳ, trong khi đó, có ít hơn 300 tàu, với một số tàu dự kiến sẽ ngừng hoạt động trong những năm tới.
Năm ngoái (2021), ông Dakota Wood, một thành viên cao cấp của Heritage Foundation, nói rằng các quan chức thường cho rằng Hải quân Hoa Kỳ vượt trội hơn so với Trung Quốc vì số lượng tàu chiến tiên tiến mà nước này chỉ huy, chẳng hạn như các hàng không mẫu hạm tối tân.
Tuy nhiên theo ông Wood, quan niệm đó là một sai lầm, vì chỉ một phần nhỏ hạm đội toàn cầu của Hoa Kỳ có thể ứng phó với các cuộc khủng hoảng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ông Wood nói, “Thường thì quý vị sẽ nghe thấy sự so sánh rằng Hải quân Hoa Kỳ có số hàng không mẫu hạm bằng [bao nhiêu] quốc gia kế tiếp cộng lại, nhưng chỉ một phần trăm năng lực hải quân đó là khả dụng vào bất cứ thời điểm nào, và quý vị phải lấy con số đó mà đưa ra dự trù ở ngoại quốc.”
Chỉ có khoảng 60 chiến hạm Hoa Kỳ, trong đó có một hàng không mẫu hạm, từng được khai triển ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào bất kỳ thời điểm nào.
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.