Trung Quốc dùng ứng dụng COVID-19 để ngăn người gửi tiền biểu tình đòi quyền lợi
Chính quyền Trung Quốc đang sử dụng các biện pháp kiểm soát COVID-19 để ngăn không cho những người gửi tiền biểu tình đòi lại các khoản tiền tiết kiệm bị ngân hàng nông thôn đóng băng.
Một số người gửi tiền nói với The Epoch Times hôm 14/06 rằng mã sức khỏe trên ứng dụng COVID-19 của họ chuyển sang màu đỏ ngay sau khi họ quét mã vạch địa điểm tại Trịnh Châu, thành phố thủ phủ của tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc. Mã sức khỏe màu đỏ — dấu hiệu cho thấy người sở hữu có khả năng bị nhiễm COVID-19 — có nghĩa là người sở hữu mã đó bị cấm truy cập tất cả các địa điểm công cộng từ nhà vệ sinh công cộng đến cửa hàng hay ga tàu, và phải đối mặt với quy trình kiểm dịch bắt buộc tại các trung tâm cách ly tập trung.
Họ là một trong số hàng chục ngàn người gửi tiền ngân hàng đã đấu tranh để thu hồi tiền tiết kiệm của họ trong hơn hai tháng. Cuộc khủng hoảng này bắt đầu vào tháng Tư khi ít nhất bốn tổ chức cho vay ở Hà Nam đóng băng hoạt động rút tiền mặt, với lý do bảo trì hệ thống nội bộ. Nhưng các khách hàng cho biết cả phía ngân hàng lẫn quan chức này đều không cung cấp bất kỳ thông tin nào về lý do hay trì hoãn bao lâu, kích khởi một làn sóng người gửi tiền giận dữ đòi quyền lợi bên ngoài văn phòng của cơ quan quản lý ngân hàng ở Trịnh Châu vào tháng Năm.
Theo báo cáo, ước tính có khoảng 1 triệu khách hàng đã bị ảnh hưởng, khiến nhiều khoản tiết kiệm trong cuộc sống của cư dân bị đe dọa và bệnh nhân không thể chi trả cho dịch vụ chăm sóc y tế định kỳ.
Theo Sanlian LifeWeek, một tạp chí nhà nước, người gửi tiền đã bị thiệt hại ít nhất 39.7 tỷ nhân dân tệ (5.91 tỷ USD) .
Những người gửi tiền bị đối xử bất công trên khắp đất nước đã lên kế hoạch cho một cuộc biểu tình đòi quyền lợi khác tại Trịnh Châu hôm 13/06 để yêu cầu một câu trả lời, mặc dù các cuộc tập hợp trước đó phải đối mặt với sự im lặng từ chính phủ địa phương và bạo lực từ công an mặc thường phục.
Mã đỏ
Tuy nhiên, kế hoạch của họ lại bị cản trở khi mã sức khỏe của họ chuyển sang màu đỏ tại các ga xe lửa hoặc lối vào đường cao tốc của thành phố.
Mã sức khỏe màu đỏ là dấu hiệu cho thấy nguy cơ [lây nhiễm] cao nhất, nghĩa là người đó có kết quả xét nghiệm dương tính, ở gần bệnh nhân COVID-19 hoặc đã đến các khu vực có nguy cơ COVID cao trong 14 ngày qua. Những cư dân có mã đỏ phải đối mặt với một đợt cách ly tập trung dài hai tuần.
Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng hệ thống mã QR phân thành ba cấp độ với ba màu khác nhau. Hệ thống này sử dụng dữ liệu lớn và công nghệ di động để theo dõi hoạt động di chuyển của người dân như một phần của các biện pháp kiểm soát COVID-19 của họ. Cư dân phải cho xem mã sức khỏe màu xanh lá trên điện thoại di động đồng thời quét mã địa điểm ở mọi nơi mọi chỗ mà họ ghé đến.
Anh Lưu Dũng (Liu Yong, hóa danh), một người gửi tiền từ tỉnh Hà Bắc gần đó, đã lái xe đến Trịnh Châu với hy vọng lấy được tiền về hôm 12/06. Nhưng cuối cùng anh đã bị mắc kẹt trên đường cao tốc vì mã sức khỏe của anh chuyển sang màu đỏ khi anh quét mã địa điểm ở lối ra.
Anh Lưu có mã sức khỏe xanh cũng như kết quả xét nghiệm PCR âm tính khi rời quê.
Tuy nhiên, anh được đề nghị trở về nhà, khi đó công an đe dọa sẽ đưa anh đến trung tâm cách ly nếu anh từ chối.
Anh đã không thể ra khỏi thành phố khi mã sức khỏe của anh chuyển thành màu đỏ. Anh Lưu đã không thể nghỉ ngơi hoặc thậm chí sử dụng nhà vệ sinh tại trạm thu phí trên đường lái xe trở về Hà Bắc. Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times hôm 14/06, anh Lưu cho biết anh vẫn đang bị chặn tại một lối ra đường cao tốc dẫn về quê nhà của mình.
Không rõ có bao nhiêu người gặp phải vấn đề tương tự, nhưng một người trong cuộc nói với The Epoch Times rằng hàng trăm người gửi tiền trên khắp đất nước đã chia sẻ ảnh chụp màn hình mã đỏ của họ trong một cuộc trò chuyện nhóm trên WeChat, ứng dụng tin nhắn tức thời phổ biến của đất nước.
Một nhân viên giải quyết các yêu cầu của ủy ban y tế Zheng nói với The Epoch Times rằng họ đã nghe nói về các vấn đề liên quan đến mã sức khỏe và đã báo cáo vấn đề này cho các bộ phận liên quan.
Một khách hàng khác của ngân hàng, Lâm Dĩnh (Li Yin, hóa danh), cho biết cô và ba người gửi tiền khác nhận thấy mã sức khỏe của họ chuyển sang màu đỏ khi quét mã địa điểm Trịnh Châu từ xa hôm 12/06. Họ đã thử nghiệm ứng dụng tại nhà của mình ở Nội Mông, một tỉnh phía bắc Trung Quốc cách Trịnh Châu 550 dặm (880 km).
Nhưng cô Lâm cho biết chồng của bạn cô, người không liên quan đến các khoản tiền gửi bị đóng băng, sau khi quyét mã QR thì không thấy mã sức khỏe chuyển màu, làm tăng thêm suy đoán rằng họ nằm trong danh sách mục tiêu của nhà chức trách.
“Họ [các quan chức] giống như những tên cướp,” một khách hàng thứ ba của ngân hàng bị công an chặn lại tại ga xe lửa Trịnh Châu hôm 12/06 và được yêu cầu rời đi.
“Chúng tôi đều là những người gửi tiền hợp pháp … Tại sao chúng tôi thậm chí không thể nhận được một lời giải thích?”
‘Còng tay kỹ thuật số’
Các báo cáo về trải nghiệm của người gửi tiền trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã được lan truyền rộng rãi trên tiểu blog Weibo hôm 14/06, và gây xôn xao dư luận.
Tin tức này làm dấy lên lo ngại rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đã sử dụng các biện pháp hạn chế COVID-19 để tăng cường kiểm soát xã hội. Các luật sư và nhà hoạt động nhân quyền trước đây đã nói với The Epoch Times rằng nhà cầm quyền này đã lạm dụng các ứng dụng mã sức khỏe để ngăn cản việc đi lại của họ.
Ông Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), một cựu biên tập viên tờ Thời báo Hoàn Cầu của ĐCSTQ, đã viết trong một bài đăng cảnh báo rằng việc sử dụng các mã y tế với mục đích khác ngoài phòng chống đại dịch sẽ gây nguy hại cho thẩm quyền của chế độ và sự ủng hộ của công chúng.
“Thật là đáng sợ”, một người dùng bình luận. “Nếu mã sức khỏe bị lạm dụng … thì chúng ta không khác nào đang bị khóa trong những chiếc còng tay kỹ thuật số. Từ giờ ai cũng thành tù nhân, và có thể bị ngăn chặn ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào.”
Cô Dorothy Li là phóng viên của The Epoch Times có trụ sở tại Âu Châu.