Trung Quốc đứng đầu thế giới về việc bỏ tù các ký giả trong năm thứ ba liên tiếp
Theo Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), chế độ cộng sản ở Trung Quốc vẫn đứng đầu bảng xếp hạng toàn cầu về các quốc gia bỏ tù các ký giả trong năm thứ ba liên tiếp.
Nhóm vận động có trụ sở tại New York cho biết trong báo cáo thường niên công bố hôm 09/12 rằng tính đến ngày 01/12, ít nhất 50 nhân viên truyền thông đã bị bỏ tù ở Trung Quốc. Năm ngoái, con số này là 48 người.
Ông Joel Simon, giám đốc điều hành của nhóm này, cho biết trong một tuyên bố: “Bỏ tù các ký giả vì đã đưa tin là dấu hiệu của một chế độ độc tài.”
CPJ đã đề cập đến việc danh sách này không gồm những người không phải là phóng viên có “mối liên kết lâu dài với giới truyền thông,” chẳng hạn như 11 cư dân Trung Quốc bị bỏ tù sau khi cung cấp tài liệu cho Epoch Times Hoa ngữ.
Cả 11 người này, hầu hết trong số họ đều ở độ tuổi 20, đã bị truy tố hồi tháng Tư vì đã gửi các hình ảnh và thông tin về những ngày đầu của đại dịch COVID-19 cho ấn phẩm này. Những bức ảnh đó tiết lộ những gì đang diễn ra ở Bắc Kinh trong thời gian đầu phong tỏa của họ, nhưng đã thách thức cách đưa tin về đại dịch mà chế độ cộng sản này thúc đẩy.
Tháng Bảy năm ngoái, 11 người này đã bị bắt vì tội danh “gây gổ và gây rối,” một cáo buộc mà chế độ này thường sử dụng để nhắm vào những người bất đồng chính kiến, theo luật sư của họ. Nhưng khi hầu tòa vào tháng Mười, nhóm này đã phải đối mặt với một cáo buộc liên quan đến đức tin của họ — Pháp Luân Công — một môn tu luyện tinh thần đã bị chính quyền này bức hại nghiêm trọng trong hơn hai thập niên qua.
Hôm thứ Năm (09/12), CPJ đã lưu ý rằng việc giam giữ họ là “một dấu hiệu đáng ngại về những nỗ lực của Trung Quốc trong việc kìm hãm sự bàn luận trên phương tiện truyền thông.”
Mặc dù việc chế độ này “không ngừng giam giữ các ký giả không phải là vấn đề mới,” nhưng đây là lần đầu tiên CPJ đưa các ký giả bị giam giữ tại Hồng Kông vào danh sách của họ. Các nhà nghiên cứu cho rằng kết quả này là do luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt hồi tháng 06/2020, nhằm trừng phạt bất cứ điều gì mà chế độ cộng sản này cho là lật đổ, ly khai, khủng bố, hoặc thông đồng với các lực lượng ngoại quốc.
Mục tiêu gây sự chú ý nhất là ông trùm truyền thông Jimmy Lai (Lê Trí Anh). Người sáng lập tờ báo ủng hộ dân chủ Apple Daily đã bị đóng cửa, hiện đang ngồi tù vì tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ hồi năm 2019. Hôm 09/12, ông Lê cũng bị kết án vì tham gia vào một buổi lễ năm 2020 kỷ niệm vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Ông phải chịu mức án tối đa 5 năm tù cho việc làm này. Ông trùm truyền thông này cũng phải đối mặt với các cáo buộc riêng biệt theo luật an ninh quốc gia.
CPJ lưu ý rằng số lượng ký giả bị bỏ tù trên khắp thế giới đã đạt mức cao mới, với 293 người bị bỏ tù vào năm 2021, so với 280 người của năm trước đó.
“Đây là năm thứ sáu liên tiếp CPJ ghi nhận số lượng kỷ lục các ký giả bị bỏ tù trên khắp thế giới,” ông Simon cho biết trong tuyên bố. “Con số này phản ánh hai thách thức không thể tách rời — các chính phủ kiên quyết kiểm soát và quản lý thông tin, và họ ngày càng trơ trẽn trong nỗ lực làm như vậy.”
Miến Điện (còn gọi là Myanmar) đứng sau Trung Cộng, với 26 phóng viên bị bỏ tù, sau đó là Ai Cập, với 25 người bị giam giữ.
Tổ chức này đã viết về ký giả của The Epoch Times ở Nigeria, ông Luka Binniyat, người đã bị bắt hồi tháng 11/2021 vì đưa tin về cuộc đàn áp những người theo Cơ Đốc Giáo ở nước này.
Tính đến hôm 01/12, nhóm này đã thống kê được 24 ký giả đã bị sát hại trên toàn thế giới trong năm nay vì công việc của họ.
CPJ cho biết, Mexico “vẫn là quốc gia chết chóc nhất ở Tây bán cầu đối với các ký giả, với 3 người đã bị sát hại vì đưa tin, và động cơ của 6 vụ sát hại khác vẫn đang được điều tra.”
Cô Dorothy Li là một phóng viên của The Epoch Times tại Âu Châu.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: