Trung Quốc đưa ra bốn ‘lằn ranh đỏ’ cho ông Biden, yêu cầu Hoa Kỳ gỡ bỏ thuế quan và các lệnh trừng phạt
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi Hoa Kỳ đáp ứng bốn yêu cầu từ chế độ của ông Tập Cận Bình tại Diễn đàn Lanting, một hội nghị video do Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức hôm 22/02.
Các yêu cầu này bao gồm: chấm dứt sự hỗ trợ cho Đài Loan, Hồng Kông, Tân Cương và Tây Tạng; nối lại đối thoại Hoa Kỳ-Trung Quốc; chấm dứt thuế quan đối với các sản phẩm Trung Quốc và các biện pháp trừng phạt đối với các doanh nghiệp Trung Quốc; và xóa bỏ tất cả các hạn chế đối với các cơ quan thông tấn và tổ chức văn hóa của Trung Quốc như Viện Khổng Tử.
Sau khi Tổng thống (TT) Joe Biden tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống [Hoa Kỳ], lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình và các quan chức ngoại giao cao cấp của ông đã thúc giục Hoa Kỳ thay đổi chính sách với Trung Quốc và chỉ trích phía Hoa Kỳ đơn phương và giữ thành kiến với Trung Quốc.
“Nói chúng tôi đơn phương là hoàn toàn sai sự thật,” ông Dư Mậu Xuân (Miles Yu), cựu cố vấn cao cấp về chính sách Trung Quốc của cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “American Thought Leaders” của The Epoch Times. “Thách thức Trung Quốc là thách thức toàn cầu, là thách thức toàn cầu số một của chúng tôi … Chúng tôi [đã vận dụng rất nhiều nỗ lực] để thành lập liên minh đa phương đó … để tạo nên một liên minh đa phương nhằm ứng phó với thách thức Trung Quốc.”
Bốn ‘lằn ranh đỏ’ của Trung Quốc
Ông Vương tuyên bố tại hội nghị rằng chế độ độc đảng toàn trị cộng sản là một hệ thống dân chủ, và Hoa Kỳ đã hiểu sai về Trung Quốc trong những năm qua.
Ông Vương sau đó đã nêu ra bốn đề nghị cho chính phủ mới của Hoa Kỳ như là điều kiện tiên quyết cho “mối bang giao lành mạnh Trung Quốc-Hoa Kỳ.”
“Hãy chấm dứt những hành vi sai trái và những bài diễn văn dung túng hoặc thậm chí là ủng hộ những kẻ ly khai độc lập tại Đài Loan,” ông Vương tuyên bố trong yêu cầu đầu tiên. “Hãy ngừng can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc liên quan đến Hồng Kông, Tân Cương và Tây Tạng.”
Đài Loan là một khu vực với chính phủ được bầu cử, hệ thống lập pháp và hệ thống tư pháp, cũng như quân đội, tiền tệ của riêng mình, v.v. Tuy nhiên, Bắc Kinh coi đây là một tỉnh ly khai và thường xuyên can thiệp vào những nỗ lực gia nhập cộng đồng quốc tế của Đài Loan.
Trung Cộng bị quốc tế lên án vì đã vi phạm lời hứa về việc duy trì chính sách “một quốc gia, hai chế độ” tại Hồng Kông cho đến năm 2047 bằng việc áp đặt luật an ninh quốc gia vào ngày 30/06/2020. Tại Tân Cương, Trung Cộng tiếp tục giam giữ hàng triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung, trong khi ở Tây Tạng, chế độ này tra tấn người dân vì đức tin của họ và phá hủy di sản văn hóa của họ.
Yêu cầu thứ hai từ ông Vương là nối lại đối thoại Hoa Kỳ-Trung Quốc.
Thứ ba là chấm dứt các thuế quan áp thêm lên các sản phẩm của Trung Quốc, dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với các doanh nghiệp và tổ chức của Trung Quốc, đồng thời hỗ trợ Trung Quốc trong việc phát triển công nghệ.
Trong những thập kỷ qua, Trung Cộng đã tiến hành một chiến dịch toàn diện nhằm có được các công nghệ tiên tiến từ Hoa Kỳ. Một số lượng lớn gián điệp Trung Quốc đã bị giam giữ và thậm chí bị kết án tại Hoa Kỳ sau khi họ đánh cắp các mẫu, thiết kế và tài liệu mật từ các phòng thí nghiệm, nhà máy và quân đội. Trong khi đó, các quan chức Hoa Kỳ cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ gián điệp do công nghệ Trung Quốc gây ra, vì luật pháp Trung Quốc buộc các công ty phải làm việc với các cơ quan tình báo khi được yêu cầu.
Yêu cầu thứ tư của ông Vương là xóa bỏ mọi hạn chế đối với các tổ chức giáo dục, văn hóa, tin tức và đối ngoại của Trung Quốc.
Chính phủ cựu TT Trump đã nêu đích danh một số tổ chức của Trung Quốc, chẳng hạn như các cơ quan truyền thông nhà nước và Trung tâm Viện Khổng Tử Hoa Kỳ (CIUS Center) là phái bộ ngoại giao, nhìn nhận vai trò của những tổ chức này là các cơ quan của Trung Cộng. Những tổ chức này là một phần của hệ thống tuyên truyền của Trung Cộng hoặc Ban Công tác Mặt trận Thống nhất nhằm thúc đẩy các lợi ích của Trung Cộng ở nước ngoài.
Phản ứng của Hoa Kỳ
Tham vụ báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki đã hồi đáp bài diễn văn của ông Vương trong cuộc họp báo hôm 22/02, “Vào khoảng thời gian tổng thống có cuộc trò chuyện với Chủ tịch Tập, chúng tôi tin rằng mối bang giao với Trung Quốc là một mối bang giao cạnh tranh mạnh mẽ.”
Bà Psaki đã nhắc lại rằng các quan chức của TT Biden sẽ phối hợp “với các đối tác và đồng minh của chúng tôi trên khắp thế giới, tại Âu Châu, các đối tác khác trong khu vực, cũng như với các đảng viên Dân Chủ và Cộng Hòa trong Quốc hội” để giải quyết mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc.
Bà cho biết bà hiện không có bất kỳ cập nhật nào liên quan đến thuế quan.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price cũng đã trả lời yêu cầu của ông Vương vào hôm 22/02, “Tôi nghĩ những bình luận của ông Vương phản ánh xu thế tái diễn liên tục của Bắc Kinh trong việc tránh các cáo buộc về các hành vi ‘kinh tế săn mồi,’ sự thiếu minh bạch và không tuân thủ các thỏa thuận quốc tế cũng như đàn áp nhân quyền phổ quát của Trung Cộng.”
Hôm 07/02, TT Biden cho biết trên kênh CBS: “Sẽ có sự cạnh tranh gay gắt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Và tôi sẽ không làm theo cách mà ông ấy [Tập Cận Bình] biết và đó là bởi vì ông ấy cũng đang gửi đi các tín hiệu.”
Theo phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Emily Horne, về vấn đề Tân Cương, TT Biden tin rằng Trung Cộng đã phạm “tội ác diệt chủng“ và “tội ác chống lại nhân loại” chống lại người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ—một chỉ định đã được chính phủ cựu TT Trump tuyên bố một ngày trước lễ nhậm chức tổng thống [của ông Biden].
Cho đến nay, vẫn chưa có thông tin rõ ràng về chính sách của TT Biden đối với vấn đề Đài Loan, Biển Đông và các lệnh trừng phạt đối với các doanh nghiệp Trung Quốc.
Do Nicole Hao thực hiện
Hạo Văn biên dịch
Xem thêm: