Trung Quốc đối mặt với vấn đề an ninh lương thực Thực phẩm có thể trở nên khan hiếm, đe dọa bất ổn dân sự
Những cải cách nông nghiệp mới của ông Tập Cận Bình nghe rất giống với các chính sách thời Mao. Giống như một ván cờ vậy, nó liên quan đến việc sắp đặt nhân lực và các nguồn lực, lập kế hoạch tăng sản lượng lương thực và dự trữ bao nhiêu cho tương lai, ai sẽ nhận những nguồn lực nào, và ai sẽ được Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ưu ái.
Các chính sách nông nghiệp của Mao đã giết chết 30 triệu người. Ông Tập có thể sẽ làm tốt hơn, nhưng chỉ là nhờ thực phẩm nhập cảng từ Pháp, Úc, Hoa Kỳ, Hà Lan và New Zealand.
Năm 2020, do hậu quả của đại dịch, lũ lụt và một số yếu tố bên ngoài khác, Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực khi giá lương thực tăng vọt. Trong khi một số phương diện nhất định của nền kinh tế đại dịch năm nay tốt hơn, Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với những vấn đề tương tự mang tính hệ thống, đó là quốc gia có dân số đông và không đủ đất canh tác – ít hơn khoảng 60% diện tích đất canh tác trên đầu người so với hầu hết các quốc gia khác. Trong khi đó, dân số không chỉ tăng mà nói chung còn trở nên sung túc hơn, nhu cầu dùng nhiều thịt hơn và nhiều thực phẩm hơn.
ĐCSTQ đã cảnh báo công dân của mình rằng giá năng lượng tăng vọt sẽ làm giảm nguồn cung phân bón, tác động tiêu cực đến an ninh lương thực. Bắc Kinh có kế hoạch phân bổ nguồn cung cấp hóa chất và nguyên liệu thô cho các nhà sản xuất phân bón nhằm bảo đảm nguồn cung không cạn kiệt. Trung Quốc sử dụng lượng phân bón trung bình cao gấp 4 lần so với toàn cầu, vô cùng có hại cho môi trường và đe dọa sức khỏe con người.
Trên toàn cầu, giá phân bón đang tăng do thời tiết khắc nghiệt và các nhà máy sản xuất ngừng hoạt động, cũng như vì nhu cầu từ Trung Quốc. Riêng Trung Quốc, đã chiếm 30% lượng tiêu thụ phân bón của thế giới. Nông dân đang bị ảnh hưởng nặng nề, và ĐCSTQ dự đoán tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn. Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) đang đàn áp thẳng tay vấn đề tích trữ và nâng giá urê. Mặc dù được Đảng ưu ái, các nhà sản xuất urê đang gặp khó khăn vì họ sử dụng than đá, phải tuân theo các cuộc đàn áp ô nhiễm của Bắc Kinh.
Bất chấp những nỗ lực tốt nhất của Trung Quốc, họ vẫn phụ thuộc nhiều vào việc nhập cảng lúa mì và các thực phẩm khác. Nhập cảng thực phẩm của Trung Quốc là 170 tỷ, cao hơn gấp đôi quy mô xuất cảng của họ là 76 tỷ USD.
Thông tấn nhà nước China Daily duy trì một trang web về “Tư tưởng Tập Cận Bình.” Trang này bao gồm những câu chuyện với các tiêu đề như “Ông Tập bình luận về thể thao,” “ông Tập kêu gọi chuyển giao vững chắc ở Afghanistan,” “Cam kết về khí hậu của ông Tập” và những câu chuyện khác. Gần đây, đã có một đợt thúc đẩy liên quan đến cải cách nông nghiệp, quảng bá hỗ trợ của ông Tập đối với nông dân. Giờ đây khi nguồn cung cấp lương thực của Trung Quốc đang bị đe dọa, thì ĐCSTQ đang cố gắng đưa người dân ở nông thôn vào kế hoạch phát triển kinh tế của họ.
Một trong những video tuyên truyền trên trang Tư tưởng Tập Cận Bình có tên “Tập Cận Bình tự hào đã là một Nông dân,” cho thấy ông Tập gặp gỡ một gia đình trồng cà phê ở Costa Rica. Những người Costa Rica này nhận xét rằng ông ấy khiêm tốn như thế nào và ông ấy tự hào như thế nào về lịch sử làm nông dân của mình. Một video tuyên truyền khác giải thích cách thức mà ông Tập và ĐCSTQ đã tạo ra, các hệ thống quản lý nông nghiệp đã được tạo ra dưới dạng ứng dụng điện thoại di động mà nông dân có thể sử dụng để hiện đại hóa trang trại của họ. ĐCSTQ đặt ra một mục tiêu chính thức là đến năm 2035, tất cả các khu vực phải đạt được hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.
Hiện đại hóa chỉ là một hợp phần trong các cuộc cải cách ruộng đất nông thôn của ĐCSTQ. Cũng giống như thời Mao, nông dân Trung Quốc vẫn phải tuân theo hệ thống trách nhiệm theo hợp đồng hộ gia đình. Nông dân không thể sở hữu đất đai mà họ canh tác trên đó. Thay vào đó, đất đai thuộc sở hữu của các hợp tác xã, với vai trò giao quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình đủ điều kiện.
Bắc Kinh nhấn mạnh rằng quốc gia này phải duy trì “lằn ranh đỏ” là 120 triệu ha đất canh tác được trồng lương thực lâu dài, để đất nước có thể tự chủ. ĐCSTQ có kế hoạch sử dụng công nghệ, chẳng hạn như các giống biến đổi gen, để cải thiện năng suất cây trồng. Đảng cũng sẽ bao cấp cho nông dân để trồng ngũ cốc. Mặt khác, “lằn ranh đỏ” này cũng nhắc nhở rằng người dân ở nông thôn sẽ buộc phải sống ở nông thôn để tiếp tục trồng trọt trên các mảnh ruộng đó.
Bộ trưởng Nông nghiệp Đường Nhân Kiện (Tang Renjian) đã công bố kế hoạch “canh tân nông thôn,” bao gồm cả việc chuyển nhượng và cho thuê đất nông thôn. Các biện pháp này nhằm thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, ổn định nền kinh tế, và giúp hàng trăm triệu nông dân vốn không thể lên thành phố làm việc trong thời gian bị phong tỏa. Trước đại dịch, một gia đình nông thôn trung bình kiếm được khoảng một phần ba số tiền mà những người đồng hương của họ sống ở thành phố kiếm được. Đây là lý do tại sao gần 300 triệu cư dân ở nông thôn di cư đến các thành phố để tìm việc làm mỗi năm.
Những lời hứa của ông Tập trong việc cải thiện rất nhiều cho nông dân xuất phát từ sự lo sợ thiếu lương thực hơn là cam kết chính đáng nhằm tăng đáng kể sự sung túc cho những người làm nông nghiệp. Thay đổi hệ thống trách nhiệm hộ gia đình và các chương trình phục hồi nông thôn khác sẽ không lấp đầy được khoảng trống này, cũng như không thể chấm dứt mong muốn rời bỏ trang trại và làm việc trong các nhà máy ở các thành phố. Và cho dù điều đó có xảy ra, thì Trung Quốc sẽ thiếu khoảng 300 triệu công nhân nhà máy.
Năm 2020, ông Tập đã thúc đẩy chiến dịch “vét sạch đĩa.” Năm nay, để chống lại tình trạng thiếu lương thực tiềm tàng, ĐCSTQ đã áp dụng một chiến dịch tuyên truyền và kiểm duyệt nghiêm ngặt, nhồi nhét các thông điệp về việc tránh lãng phí lương thực. Các nền tảng video cũng bắt đầu xóa các “chương trình ăn uống” và phạt những người dùng tìm kiếm các từ khóa nhất định như “chương trình ăn uống” hoặc “ăn uống cạnh tranh.”
Đầu tháng này, Trung Quốc đã tổ chức một hội nghị về giảm thất thoát và lãng phí lương thực. Sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và hạn chế vận chuyển đã gây ra sự gia tăng lãng phí thực phẩm, đặc biệt là nông sản dễ hư hỏng. Theo China Daily, khoảng 25% thực phẩm sản xuất ở Trung Quốc bị thất thoát hoặc lãng phí. Trong thời gian phong tỏa do COVID-19, lương thực bị hỏng trên đồng vì không thể thu hoạch hoặc bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển, vốn mất nhiều thời gian hơn bình thường vì các hạn chế vận chuyển hoặc thiếu tài xế. Các thực phẩm khác bị hỏng khi các nhà máy xử lý bị đóng cửa.
Mối đe dọa về tình trạng thiếu lương thực đủ để ĐCSTQ nuốt nghẹn niềm kiêu hãnh của họ và giao dịch với kẻ thù. Bất chấp các tranh chấp thương mại khác với Úc, Trung Quốc đã mua trước gần 2.2 triệu tấn lúa mì của Úc. Trong khi đó, Trung Quốc giảm mạnh nhập cảng than của Úc và thuế quan vẫn có hiệu lực đối với rượu và lúa mạch của Úc.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải của Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, người đã viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc” và “Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc.”
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: