Trung Quốc đối mặt với lạm phát đình trệ do chính sách của Trung Cộng
Các nền kinh tế Trung Quốc dường như đang hướng đến một trong những điều kiện tồi tệ nhất có thể: Lạm phát đình trệ. Và nguyên nhân là do việc hoạch định chính sách kém cỏi của Trung Cộng.
Sản lượng sản xuất giảm, và Trung Quốc đang gặp khó khăn bởi có ít đơn đặt hàng mới hơn cho quý tới, cũng như mất điện, thiếu lương thực, phong tỏa do COVID-19 tiếp diễn, hạn chế biên giới chặt chẽ hơn, thị trường bất động sản chậm lại, và nợ rất lớn.
Lạm phát đình trệ, còn được gọi là suy thoái-lạm phát, xảy ra khi cả lạm phát và thất nghiệp đều cao, và tăng trưởng kinh tế chậm lại. Đây là một tình huống đặc biệt khó giải quyết đối với các chính phủ bởi các chính sách mở rộng, chẳng hạn như chi tiêu tài khóa và lãi suất thấp hơn, được sử dụng để chống lại thất nghiệp và một nền kinh tế chậm lại sẽ làm lạm phát trầm trọng thêm. Trái lại, các chính sách điều chỉnh, chẳng hạn như tăng lãi suất, hạn chế chi tiêu và đầu tư của chính phủ, sẽ làm giảm lạm phát, nhưng lại cũng sẽ làm chậm nền kinh tế, làm tăng thất nghiệp.
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) báo cáo dự báo rằng tăng trưởng GDP dự kiến năm 2021 chỉ ở mức 4.9%. Tăng trưởng sản xuất công nghiệp giảm xuống 3.1% trong tháng Chín. Nền kinh tế đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi tiềm ẩn vụ vỡ nợ 300 tỷ USD của Evergrande, khoản nợ này đã lây lan sang toàn bộ lĩnh vực bất động sản cũng như phần còn lại của nền kinh tế. Việc phân bổ năng lượng và chi phí nguyên liệu thô tăng cao đã tạo ra lực cản cho ngành sản xuất. Sự thúc đẩy về khí hậu của Bắc Kinh đã làm giảm các hoạt động khai thác, khiến giá cả hàng hóa như than đá tăng lên, tiếp tục làm chậm lại hoạt động sản xuất.
Với việc xuất cảng và đầu tư giảm, Trung Cộng đang cố gắng khuyến khích người tiêu dùng trong nước với tư cách là động lực của nền kinh tế. Nhưng đối mặt với tỷ lệ tiết kiệm cao của Trung Quốc, lạm phát gia tăng, tiếp tục phong tỏa và những bất ổn, người dân không muốn chi tiêu.
Hoạt động công xưởng của Trung Quốc có xu hướng đi xuống trong 3 tháng qua, do giá nguyên liệu thô cao và nhu cầu nội địa ở mức trung bình. Giá tại nhà xưởng, giá của các sản phẩm có sẵn tại nhà xưởng, đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong một phần tư thế kỷ. Điều này có nghĩa là chi phí nguyên liệu, linh kiện, và các yếu tố đầu vào khác đang tăng lên nhanh chóng, khiến sản phẩm trở nên đắt đỏ hơn trước khi lên kệ tại các cửa hàng bán lẻ.
Chỉ số Mua hàng chính thức của nhà Quản lý (PMI) của ngành sản xuất, một thước đo sức khỏe cơ bản của ngành sản xuất Trung Quốc, đang bị rút lại. Một biện pháp phụ theo dõi các đơn đặt hàng mới đã cho thấy một mô hình suy giảm tương tự, có nghĩa là sự phục hồi vẫn chưa xảy ra. Một chỉ số khác, chỉ số PMI tổng hợp, bao gồm cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đã giảm nghiêm trọng, từ tháng Chín đến tháng Mười.
Các chỉ số sản lượng đã đạt mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ, trong khi chỉ số giá cả đầu ra đang tăng. Điều này có nghĩa là các nhà máy đang sản xuất ít hàng hóa hơn và những hàng hóa đó hiện nay đắt đỏ hơn trước. Sản lượng giảm dẫn đến thất nghiệp gia tăng, trong khi giá cả cao hơn là bằng chứng của lạm phát. Cùng với nhau, đây là một ví dụ cơ bản về lạm phát đình trệ. Thông thường, một quốc gia có thể chi tiêu để thoát khỏi tình trạng thất nghiệp, và việc khuyến khích người dân chi tiêu sẽ tạo ra công ăn việc làm. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, giá cả tăng cao và nền kinh tế tăng trưởng chậm lại đang khiến nhu cầu của người tiêu dùng bị kiểm soát. Một cuộc khảo sát gần đây của Trung tâm Thông tin Logistics Trung Quốc đã phát hiện ra rằng khoảng 2/3 số công ty xác định tình trạng thiếu hụt nhu cầu là thách thức lớn nhất của họ.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói với CCTV rằng chính phủ cần đưa ra các quyết định chính sách để giải quyết các vấn đề kinh tế hiện tại, nhưng chưa thực sự vạch ra những gì ông hoặc chính phủ trung ương sẽ làm, ngoài việc kêu gọi các nhà chức trách bảo đảm rằng lương thực vẫn có sẵn và dự trữ đầy đủ để sử dụng trong tương lai.
Giá rau bán buôn tăng chóng mặt. Tình trạng mất điện đã khiến một số nhà máy chế biến phải ngừng sản xuất lạc. Các loại cây trồng khác không thể chế biến được vì mất điện bao gồm ngô và đậu tương. Ngoài ra, việc thiếu ngũ cốc làm thức ăn chăn nuôi đã khiến giá thịt tăng đến mức cực đoan. Để bảo tồn thực phẩm, theo thông tấn Thời báo Toàn cầu của nhà nước, Trung Cộng đã thiết lập “chiến dịch đĩa sạch,” một kế hoạch hành động với 28 bước, bao gồm thúc giục các nhà hàng và căng tin cung cấp các khẩu phần nhỏ hơn và “giám sát việc mua và sử dụng thực phẩm.”
Ông Lý cũng đã nói với công chúng rằng hãy tích trữ những thứ cần thiết, mặc dù Bắc Kinh sau đó đã đưa ra một tuyên bố thanh minh bảo đảm với mọi người rằng thực phẩm đang rất dồi dào.
Ngoài tình trạng thiếu hụt, Trung Quốc đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nợ mà nguyên nhân chủ yếu là do các công ty quốc doanh Trung Quốc gây ra. Nhìn chung, đất nước này dường như đang quay lưng lại với nền kinh tế thị trường và chuyển sang nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước với lợi tức đầu tư thấp và nợ cao.
Viện Peterson về Kinh tế Quốc tế đã theo dõi tỷ lệ tổng tín dụng mà ngân hàng nhà nước của Trung Quốc đang đưa ra đối với khu vực công cộng so với khu vực tư nhân. Có một xu hướng ổn định là khu vực công được cấp tỷ lệ tín dụng lớn hơn, trong đó năm 2016, năm cuối cùng có loại dữ liệu này, các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc đã cung cấp 83% tín dụng của họ cho các công ty được nhà nước sở hữu hoặc kiểm soát.
Ngoài ra, Viện Peterson cũng phát hiện ra rằng từ năm 2012 đến 2018, tài sản của các công ty nhà nước tăng hơn 15% mỗi năm, cao hơn gấp đôi so với mức tăng GDP của Trung Quốc, cũng như gấp đôi tốc độ tăng tài sản của khu vực tư nhân. Trong khoảng thời gian này, tỷ suất sinh lợi của các công ty nhà nước và công ty do nhà nước kiểm soát đã giảm xuống, tuy nhiên, các công ty này được ưu đãi tiếp cận các khoản vay ngân hàng và thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước. Tài sản của các pháp nhân nhà nước này tăng cùng tốc độ với nợ phải trả của họ. Điều này cho thấy rằng tín dụng và vốn không được phân bổ cho các công ty mang lại lợi nhuận cao nhất, mà là cho những công ty được Trung Cộng hỗ trợ.
Kể từ năm 2019, Trung Cộng đã gia tăng ảnh hưởng của mình đối với các doanh nghiệp khu vực tư nhân bằng cách buộc họ duy trì một chi bộ Đảng bao gồm các quan chức chính phủ. Vào tháng 09/2019, các quan chức của Đảng đã được bổ nhiệm vào 100 công ty chỉ riêng ở Hàng Châu. Một số cái tên hàng đầu là Alibaba, Geely Holdings và Wahaha. Theo một cuộc khảo sát của Institut Montaigne, tính đến năm 2021, 48% doanh nghiệp tư nhân được khảo sát đã có một đơn vị Đảng, trong khi cuộc khảo sát tương tự cho thấy 92% trong số 500 doanh nghiệp tư nhân hàng đầu của Trung Quốc có đơn vị Đảng. Kể từ năm 2018, tất cả các công ty niêm yết trong nước bắt buộc phải thành lập đơn vị Đảng.
Thêm một ví dụ về vấn đề kinh tế do Trung Cộng tạo ra là cuộc khủng hoảng lão hóa của Trung Quốc. Quy mô lực lượng lao động của Trung Quốc đạt đỉnh vào năm 2015, và việc nới lỏng chính sách một con, đầu tiên cho phép sinh hai và sau đó là ba con, dường như không tương quan với sự bùng nổ số sinh. Và ngay cả khi có sự gia tăng mạnh về số ca sinh hiện nay, thì sẽ còn nhiều năm nữa những đứa trẻ mới ra đời đó có thể thay thế tất cả những người nghỉ hưu và thực sự bắt đầu mở rộng lực lượng lao động. Do đó, xu hướng hiện nay là số lượng lao động đang giảm dần.
Hầu hết các tai ương kinh tế của Trung Quốc là do Trung Cộng đưa ra các quyết định chính sách gây tác hại. Các quy định của chính phủ về các công ty internet đã gây ra hàng trăm tỷ USD đầu tư bị thất thoát. Việc giảm doanh thu trong lĩnh vực sản xuất là do các chính sách về khí hậu và sử dụng năng lượng của chính phủ. Xuất cảng giảm là do chính phủ áp đặt các biện pháp cấm vận và đóng cửa cảng. Tình trạng thiếu lương thực là kết quả của các chính sách năng lượng sai lầm. Và tất cả những yếu tố này dẫn đến nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, và lạm phát. Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với một ví dụ điển hình về lạm phát đình trệ, và Trung Cộng là nguyên nhân.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
“Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải của Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, người đã viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc” và “Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc.”
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: