Trung Quốc dỡ bỏ thuế nhập cảng đối với than, Nga có thể được lợi
Đường sắt Trung Quốc-Nga mới hoàn thành, tìm cách thúc đẩy thương mại năng lượng trong bối cảnh các lệnh trừng phạt gia tăng
Cuộc chiến Nga-Ukraine đã gây ra những hạn chế đáng kể đối với nguồn cung năng lượng toàn cầu vì nhiều quốc gia từ lâu đã phụ thuộc vào xuất cảng than, dầu, và khí đốt của Nga.
Hôm 26/04, Bộ Tài chính Trung Quốc tuyên bố sẽ dỡ bỏ thuế nhập cảng đối với tất cả các loại than, bắt đầu từ hôm 01/05 đến hôm 31/03/2023. Các nhà phân tích cho rằng sự thay đổi chính sách này có thể mang lại nhiều lợi ích cho Nga khi Liên minh Âu Châu và Nhật Bản gần đây đã quyết định cấm nhập cảng than từ Nga.
Mức thuế nhập cảng hiện tại dao động từ 3% đến 6%, tùy thuộc vào loại than. Đối với than antraxit và than cốc, chủ yếu được sử dụng trong sản xuất thép, thuế quan sẽ được cắt giảm xuống 0 từ mức 3% hiện tại. Bộ này cho biết trong một tuyên bố, thuế suất đối với các loại than sẽ được cắt giảm xuống 0% từ mức 5% đến 6% hiện nay.
Các mỏ than của Trung Quốc đã tăng tốc sản xuất do giá năng lượng toàn cầu tăng vọt sau cuộc xung đột Nga-Ukraine. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, các tỉnh và khu vực sản xuất than lớn của Trung Quốc đã mở rộng năng lực sản xuất để tăng nguồn cung.
Năm 2021, Trung Quốc nhập cảng 323.33 triệu tấn than, chiếm khoảng 8% tổng lượng than tiêu thụ của nước này. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng Ba năm nay, nhập cảng than của Trung Quốc đã giảm 24.2% do giá toàn cầu đã tăng vọt, văn phòng cho biết.
Vào tháng Tư, Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và các nước khác đã quyết định cấm sử dụng than của Nga, càng làm trầm trọng thêm nguồn cung khan hiếm trên thị trường than toàn cầu.
Hôm 08/04, EU đã thông qua gói biện pháp hạn chế thứ 5 đối với Moscow, bao gồm lệnh cấm nhập cảng đối với tất cả các dạng than của Nga với thời hạn 120 ngày. Ngoài ra, các nhà khai thác vận chuyển hàng hóa đường bộ của Nga và Belarus cũng sẽ bị cấm làm việc tại EU, và các tàu mang cờ Nga sẽ bị cấm vào các cảng của EU.
Ngay sau các biện pháp mới của EU, Hoa Kỳ, và Nhật Bản, cùng với những quốc gia khác, cũng đã công bố lệnh cấm đối với than của Nga. Khi việc tìm kiếm các nguồn than thay thế đã trở thành ưu tiên hàng đầu, các quốc gia trên toàn thế giới đã đổ xô mua nguyên liệu này.
CNBC đưa tin, theo dữ liệu từ công ty vận tải biển Âu Châu Braemar ACM, trong tháng Ba, Âu Châu đã nhập cảng 7.1 triệu tấn than nhiệt dùng để phát điện và sưởi ấm, tăng 40.5% so với cùng thời kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ tháng Ba năm 2019. Nhập cảng than nhiệt từ Colombia tăng 47.3% so với cùng kỳ năm ngoái, Hoa Kỳ tăng 30.3% và nhập cảng từ Nam Phi cũng tăng đáng kể trong số đó.
Trong khi đó, vào tháng Ba, nhập cảng than của Nhật Bản cũng tăng 15% so với một năm trước đó.
Chiến lược đối phó với giá than tăng cao của Trung Quốc
Hôm 18/4, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đã cảnh báo “việc tăng giá trong lĩnh vực than là bất hợp pháp,” nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo đảm ổn định giá trên thị trường than trong nước và ổn định sản lượng nhiệt điện than.
Một tuần sau, Bắc Kinh đa tuyên bố cắt giảm thuế nhập cảng than xuống 0.
Một nhà nghiên cứu kinh tế vĩ mô tại Mạng Thông tin Kinh tế Trung Quốc, ông Điền Thạc (Tian Shuo), nói với truyền thông nhà nước Trung Quốc Sina News rằng chính sách thuế quan bằng 0 sẽ bảo đảm rằng nguồn cung năng lượng của Trung Quốc vẫn ổn định trong bối cảnh giá than cao trong lịch sử.
Các nguồn nhập cảng than hàng đầu của Trung Quốc vào năm 2021 bao gồm Indonesia, Nga, Mông Cổ, Hoa Kỳ, Canada, và Nam Phi.
Úc là nguồn cung cấp than nhập cảng lớn nhất của Trung Quốc cho đến năm 2019. Để trả đũa Úc về một số vấn đề – từ việc Úc kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của COVID-19 đến quyết định chặn Huawei khỏi việc khai triển mạng 5G của Úc – Bắc Kinh thực tế đã gần như cấm nhập cảng than từ Úc kể từ tháng 12/2020 như một phần trong nỗ lực gây sức ép với Canberra.
Indonesia kể từ đó trở thành nguồn nhập cảng than lớn nhất của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã chuyển sang sử dụng nguồn than bị mắc kẹt của Úc trong bối cảnh suy thoái năng lượng gần một năm sau đó. Theo Reuters đưa tin, vào tháng 10/2021, họ đã giải phóng than của Úc khỏi kho ngoại quan bất chấp lệnh cấm nhập cảng không chính thức kéo dài gần một năm đối với nhiên liệu này khi cố gắng giảm bớt cuộc khủng hoảng điện quốc gia do thiếu hụt than.
Theo số liệu hải quan chính thức, Trung Quốc đã nhập cảng 8.5 triệu tấn than luyện cốc trong hai tháng đầu năm nay, 1/5 trong số đó đến từ than của Úc trước đó bị mắc kẹt tại các cảng của Trung Quốc. Trong số 8.5 triệu than cốc nhập cảng, 26% đến từ Hoa Kỳ và 22% từ Nga. Do đại dịch, nhập cảng than luyện cốc từ Mông Cổ đã giảm đáng kể, chỉ chiếm khoảng 13%.
Trong khi đó, theo Sina News, Indonesia đã đình chỉ xuất cảng than vào tháng Một do lượng mưa dai dẳng, khiến nhập cảng than nhiệt của Trung Quốc giảm 25% so với cùng thời kỳ năm ngoái trong hai tháng đầu năm nay.
Một nhà kinh doanh than ở Bắc Kinh nói với Reuters trong một báo cáo hôm 28/04 rằng: “Việc cắt giảm thuế quan sẽ không có tác động gì đối với nhập cảng than của Indonesia, vì thuế suất đã ở mức 0, và không có tác động nào đối với than của Úc do lệnh cấm nhập cảng.”
Các nhà phân tích: Nga có thể là bên hưởng lợi chính
Báo cáo này cho rằng Nga có thể là nước hưởng lợi chính từ việc cắt giảm thuế quan của Trung Quốc.
Một thương nhân tại Ấn Độ nói với S&P Global trong một báo cáo hôm 28/04: “Tôi cho rằng đây là một bước đi táo bạo, chủ yếu là để có được thêm than từ Nga, vốn đang được giảm giá khá tốt. Nhưng về mặt giá cả, chúng có thể sẽ vẫn ở mức cao do sự biến động trên thị trường trên toàn thế giới.”
Reuters đưa tin, sau thông báo của Âu Châu về lệnh cấm nhập cảng than của Nga, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 29/04 cho biết nhu cầu than đang ở mức cao và than của Nga dành cho Âu Châu sẽ được chuyển hướng sang các thị trường khác nếu EU từ chối. Nhưng ông Peskov không đề cập đến một quốc gia cụ thể nào để xuất cảng.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), năm 2021, Nga xuất cảng 262 triệu tấn than, 90% trong số đó là than nhiệt, chủ yếu được sử dụng để sản xuất điện. Trong tổng lượng than xuất cảng, hơn 30% xuất sang Âu Châu và hơn 50% xuất sang Á Châu-Thái Bình Dương.
Trung Quốc nhập cảng gần 25% tổng lượng than xuất cảng của Nga; Đức, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, và Ba Lan chiếm 24%; Theo số liệu của EIA, Hàn Quốc, Nhật Bản, và Đài Loan chiếm 22%.
Vào đầu tháng Hai, Trung Quốc và Nga đã ký một thỏa thuận kéo dài nhiều năm, một hợp đồng trị giá 20 tỷ USD để Trung Quốc nhập cảng 100 triệu tấn than từ Nga.
Khi các quốc gia phương Tây lên án cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, Bắc Kinh đã kiềm chế không chỉ trích trực tiếp Moscow và tiếp tục cho phép các công ty Trung Quốc mua dầu và than của Nga. Một số công ty Trung Quốc đã sử dụng nội tệ để mua than của Nga vào tháng Ba, với những chuyến hàng đầu tiên đến vào tháng Tư, theo báo cáo của Bloomberg trích dẫn công ty tư vấn Fenwei Energy Information Service của Trung Quốc.
Thời báo Hoàn cầu do nhà nước Trung Quốc điều hành đã tán dương kim ngạch thương mại Trung-Nga tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khối lượng giao dịch 38.2 tỷ USD.
Ông Bạch Minh (Bai Ming), Phó giám đốc Học viện Hợp tác Kinh tế và Thương mại Quốc tế Trung Quốc, nói với Global Times hôm 13/04 rằng sự tăng trưởng này phù hợp với xu hướng gần đây là Trung Quốc nhập cảng nhiều sản phẩm năng lượng hơn từ Nga để hình thành nhiều kênh nhập cảng năng lượng.
Ông Bạch nói: “Với các đường ống dẫn năng lượng đang được xây dựng giữa hai quốc gia cũng như sự thuận tiện về địa lý, xu hướng Trung Quốc sẽ mua nhiều sản phẩm năng lượng hơn từ Nga.”
Đường sắt Trung Quốc-Nga mới sẽ mở cửa cho thương mại năng lượng
Trung Quốc đã nhập cảng các sản phẩm năng lượng của Nga từ các cảng phía đông của nước này qua Biển Nhật Bản và eo biển Triều Tiên.
Tuy nhiên, trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, các công ty vận tải biển quốc tế đã tránh vận chuyển các sản phẩm năng lượng của Nga, dẫn đến việc các nhà nhập cảng than Trung Quốc gặp khó khăn trong việc tìm tàu hàng sẵn sàng vận chuyển than của Nga. Và chỉ một phần nhỏ than của Nga được vận chuyển qua đường sắt.
Theo Thời báo Hoàn Cầu, truyền thông của chính quyền Trung Quốc, Nga đã hoàn thành việc xây dựng đoạn cầu đường sắt Trung-Nga đầu tiên hôm 27/04 và dự kiến sẽ thông xe trong vòng một tháng.
Báo cáo này cho biết, cây cầu mới dài 4.5 dặm nhằm mở rộng hợp tác kinh tế và thương mại song phương giữa Trung Quốc và Nga “trong bối cảnh những thách thức toàn cầu ngày càng tăng”, và bổ sung thêm rằng Nga có kế hoạch sử dụng tuyến đường này để xuất cảng quặng sắt, than, khoáng sản, phân bón, và các sản phẩm gỗ sang Trung Quốc.
Cô Anne Zhang là nhà văn của The Epoch Times với chủ đề tập trung vào các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô bắt đầu viết cho ấn bản tiếng Trung vào năm 2014.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: