Trung Quốc điều tra Starbucks về nguyên liệu hết hạn, nhắm vào Hoa Kỳ
Starbucks đã đóng cửa hai cửa hàng ở phía Đông Trung Quốc hôm 13/12, vài giờ sau khi phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin hai cửa hàng này sử dụng nguyên liệu hết hạn sử dụng.
Dư luận trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc nhanh chóng chỉ trích các sản phẩm của Starbucks, vốn đắt hơn các thương hiệu nội địa của Trung Quốc nhưng chất lượng tốt và hương vị ngon hơn.
Theo một nhà bình luận Trung Quốc, đây là trường hợp mới nhất mà chính quyền Trung Quốc sử dụng hệ thống tuyên truyền của mình để tấn công một doanh nghiệp ngoại quốc.
“Không còn nghi ngờ gì nữa, vụ scandal này của Starbucks là một chiến dịch được dàn xếp mà chính quyền Trung Quốc đang sử dụng để bày tỏ sự tức giận đối với chính phủ Hoa Kỳ vì đã tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh”, ông Đường Tĩnh Viễn (Tang Jingyuan), nhà phân tích các vấn đề Trung Quốc sinh sống tại Mỹ, nói với The Epoch Times hôm 14/12. “[Bắc Kinh] chọn Starbucks vì thương hiệu này rất nổi tiếng ở Trung Quốc.”
Starbucks đã công bố báo cáo tài chính năm 2021 của mình vào ngày 28/10, trong đó thương hiệu Mỹ này cho biết “doanh số bán hàng cùng cửa hàng tại Trung Quốc đã tăng 17%, nhờ vào mức tăng 19% của các giao dịch có thể so sánh và phiếu chi trung bình giảm 2%” trong năm nay. Starbucks có 5,300 cửa hàng tại hơn 200 thành phố ở Trung Quốc.
Ông Đường giải thích chi tiết về chiến lược tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc chống lại Starbucks.
“Họ [chính quyền Trung Quốc] đã chọn phương tiện truyền thông nhà nước ở Bắc Kinh để đưa tin về vụ scandal này đồng thời cử các phóng viên từ Bắc Kinh đến Vô Tích, một thành phố cách đó hơn 830 dặm, để làm điều tra viên bí mật. Chính quyền này muốn họ làm điều đó một cách âm thầm, để người dân địa phương không biết họ đang làm gì,” ông Đường nói. “Sau khi tờ Báo Bắc Kinh (Beijing News) phát hành video, họ đã sử dụng tất cả các bộ máy tuyên truyền để phát sóng và quảng bá video này trên khắp đất nước.”
“Mọi người đều biết rõ rằng bộ máy kiểm duyệt của Trung Quốc không quảng cáo nội dung không đáp ứng nhu cầu của nhà cầm quyền. Nói cách khác, [nó] không thể được nhìn thấy rộng rãi ở Trung Quốc,” ông Đường nói.
Hồi tháng Chín, trong khi Giám đốc Tài chính của đại công ty viễn thông Trung Quốc Huawei Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou) đang chờ điều trần tại một tòa án Canada về việc có nên dẫn độ bà đến Hoa Kỳ vì cáo buộc có quan hệ kinh doanh với Iran hay không, thì chính quyền Trung Quốc đã phạt Canada Goose, một công ty chuyên sản xuất [áo khoác] làm từ lông thú (lông vũ, lông tơ chim) của Canada, 70,700 USD vì sử dụng lông vịt trộn với lông ngỗng. Vào đầu tháng Mười Hai, [cổ phiếu của] Canada Goose đã bị giảm 14% trên thị trường chứng khoán sau khi chính quyền Trung Quốc chỉ trích chính sách hoàn lại tiền của thương hiệu này ở Trung Quốc.
Hồi tháng Ba, Nike, công ty quần áo Thụy Điển H&M, và một số thương hiệu ngoại quốc khác đã chứng kiến doanh số bán hàng của họ giảm sau khi họ từ chối sử dụng bông từ khu vực Tân Cương, nơi chính quyền Trung Quốc đang bức hại người Duy Ngô Nhĩ trong các trại lao động cưỡng bức.
Những bàn tán của cư dân mạng Trung Quốc
Sau khi Báo Bắc Kinh đăng một video hôm 12/12 — do các phóng viên quay lén — lên nền tảng mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, các nhà kiểm duyệt Trung Quốc đã quảng bá video, tạo điều kiện cho video này đạt hơn 3.14 triệu lượt xem chỉ trong vòng một ngày.
Một số cổng thông tin và trang web tin tức cũng đăng lại video này, khiến tổng lượt xem đạt hơn 270 triệu trong 24 giờ và gây phẫn nộ cho một lượng lớn người xem.
“Starbucks thật là có dã tâm khi sử dụng nguyên liệu hết hạn. Sản phẩm của họ rất đắt tiền”, cư dân mạng Trung Quốc Kana bình luận trên Weibo, với 9,565 lượt thích trong một ngày.
Hổ Khứu (Huxiu), một trang web tin tức nổi tiếng của Trung Quốc chuyên nhắm vào các đối tượng độc giả thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu, đã đăng một bài báo vào ngày 14/12 với tiêu đề “Starbucks độc ác! Tất nhiên, chúng tôi sẽ không tha thứ”, để chỉ trích Starbucks.
Vào ngày 13 và 14/12, cơ quan quản lý giám sát thị trường ở tỉnh Hồ Nam miền trung Trung Quốc và tỉnh Sơn Đông miền đông Trung Quốc đã nhanh chóng tiến hành điều tra các cửa hàng Starbucks ở địa phương của họ bằng cách thuê người quay phim để phát sóng toàn bộ quá trình đó. Các cửa hàng Starbucks này không sử dụng các nguyên liệu đã hết hạn sử dụng.
Scandal của Starbucks
Các phóng viên của Báo Bắc Kinh đã nộp đơn xin làm nhân viên bán hàng tại hai cửa hàng Starbucks ở Vô Tích, tỉnh Giang Tô, và được nhận vào làm việc hồi tháng Mười và tháng Mười Một.
Sau đó, họ quay một video bằng cách sử dụng camera giấu kín. Trong đoạn video được công bố, các phóng viên bí mật này đã ghi lại cảnh đồng nghiệp của họ tự ý đổi ngày hết hạn của kem, cacao vụn, matcha, trà đen và trà đào khi các nguyên liệu này sắp hết hạn.
Sau khi đoạn video này được phát hành, Starbucks Trung Quốc đã đưa ra một thông cáo vào ngày 13/12, cho biết hai cửa hàng này đã đóng cửa và đang có sự điều chỉnh. Công ty sẽ đào tạo lại tất cả nhân viên ở Trung Quốc để tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, và sẽ sắp xếp nhiều đợt kiểm tra hơn trong tương lai.
Thông cáo viết, “Chúng tôi thành thật xin lỗi và sẽ tích cực cải thiện chất lượng dịch vụ. Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với cuộc điều tra này và chân thành yêu cầu sự theo dõi của công chúng và giới truyền thông.”
Bà Nicole Hao là một phóng viên sinh sống tại Hoa Thịnh Đốn. Bà chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Trước khi gia nhập Epoch Media Group hồi tháng 07/2009, bà từng là giám đốc sản phẩm toàn cầu cho một doanh nghiệp đường sắt ở Paris, Pháp.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: