Trung Quốc điều 42 chiến đấu cơ, 8 tàu đáp trả sau khi Tổng thống Đài Loan gặp Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ
Hôm thứ Bảy (08/04), Trung Quốc được cho là đã điều 42 chiến đấu cơ và 8 tàu hải quân tới Đài Loan trong một hành động trả đũa cuộc gặp mặt của nhà lãnh đạo Đài Loan với Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) ở California.
Quân đội Đài Loan đã phát hiện phi cơ và tàu Trung Quốc vào khoảng 11 giờ sáng (giờ địa phương), trong đó 29 phi cơ được phát hiện băng qua “đường trung tuyến bắc, trung, nam của Eo biển Đài Loan”, Bộ Quốc phòng nước này cho biết.
Bộ này cho biết 29 phi cơ nói trên “đã cố gắng gây sức ép lên chúng tôi” bằng cách bay vào Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) của Đài Loan, một khu vực mà phi cơ ngoại quốc được nhận dạng trước khi tiến vào không phận lãnh thổ của một quốc gia.
“Chúng tôi lên án một hành động phi lý gây nguy hiểm cho an ninh và ổn định khu vực như vậy”, bộ này cho biết trong một tuyên bố đăng trên Twitter.
Sáng sớm cùng ngày, Đài Loan đã phát hiện 13 chiến đấu cơ và 3 tàu của Trung Quốc ở gần hòn đảo này lúc 6 giờ sáng (giờ địa phương), trong đó 4 phi cơ được phát hiện vượt qua đường trung tuyến của Eo biển Đài Loan và ADIZ phía tây nam của Đài Loan.
Đài Loan phản ứng bằng cách khai triển phi cơ, tàu hải quân, và hệ thống hỏa tiễn trên bộ để giám sát các hoạt động của quân đội Trung Quốc.
ĐCSTQ đưa ra ‘cảnh báo nghiêm trọng’ bằng các cuộc tập trận mới
Điều này xảy ra khi quân đội của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hôm thứ Bảy tuyên bố rằng họ sẽ khai triển cuộc tuần tra và tập trận sẵn sàng chiến đấu diễn ra liên tục trong ba ngày mang tên “Kiếm sắc Liên hợp” xung quanh đảo Đài Loan, bao gồm cả hoạt động tuần tra cảnh vệ.
Trong một tuyên bố, Đại tá Thi Nghị (Shi Yi) cho biết các cuộc tập trận này sẽ được tiến hành trong khu vực Eo biển Đài Loan và “tiến đến các phần phía bắc và phía nam của Đài Loan, và không phận phía đông Đài Loan theo kế hoạch” từ ngày 08 đến ngày 10/04.
“Đây là lời cảnh báo nghiêm trọng đối với việc lực lượng ly khai Đài Loan câu kết với các thế lực bên ngoài để khiêu khích, và là hành động cần thiết để bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ,” ông Thi nói.
Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông bộ của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) — cánh vũ trang của ĐCSTQ — cho biết cuộc tập trận này sẽ tập trung vào “khả năng giành quyền kiểm soát trên biển, kiểm soát trên không, và kiểm soát thông tin dưới sự hỗ trợ của hệ thống tác chiến liên hợp.”
Bắc Kinh tiến hành cuộc tập trận này chỉ một ngày sau khi Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn trở về sau chuyến thăm mười ngày tới Hoa Kỳ, tại đây bà đã gặp ông McCarthy.
ĐCSTQ đã phản đối gay gắt bất kỳ hình thức tiếp xúc và liên lạc chính thức nào giữa các quan chức Hoa Kỳ và Đài Loan, đồng thời đe dọa sẽ thực hiện “các biện pháp đối phó cương quyết” nếu bà Thái và ông McCarthy gặp nhau.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Đài Loan cáo buộc ĐCSTQ sử dụng chuyến thăm Hoa Kỳ này của bà Thái như một cái cớ để tiến hành các cuộc tập trận quân sự “gây tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, và an ninh khu vực.”
Bộ này cho biết họ sẽ đối phó với các cuộc tập trận này “một cách bình tĩnh, lý trí, và nghiêm túc” để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia của mình mà không tìm cách leo thang xung đột hoặc kích khởi bất hòa.
Bắc Kinh đã tổ chức các cuộc tập trận mô phỏng chiến tranh xung quanh Đài Loan sau chuyến thăm tới Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện đương thời Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) hồi tháng 08/2022, và hạn chế liên lạc giữa quân đội với quân đội với Ngũ Giác Đài.
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Vedant Patel đã làm rõ rằng các chuyến quá cảnh của lãnh đạo cao cấp Đài Loan ở Hoa Kỳ không phải là chuyến thăm cấp nhà nước, mà là “riêng tư và không chính thức”.
“Mọi tổng thống Đài Loan đều đã quá cảnh Hoa Kỳ. Tổng thống Thái Anh Văn đã quá cảnh Hoa Kỳ sáu lần kể từ khi nhậm chức năm 2016. Đây sẽ là lần quá cảnh thứ bảy của bà ấy,” ông Patel nói với các phóng viên vào ngày 29/3.
Đài Loan khước từ lệnh thanh sát tàu của ĐCSTQ
Bắc Kinh cũng tiến hành một cuộc tuần tra chung kéo dài ba ngày và thanh sát các tàu ở vùng biển xung quanh hòn đảo tự trị này sau chuyến thăm Hoa Kỳ của bà Thái, điều mà chính phủ Đài Loan đã từ chối thực hiện.
Cơ quan an toàn hàng hải Phúc Kiến của Trung Quốc cho biết hoạt động này bao gồm “thanh sát tại chỗ” đối với các tàu chở hàng trực tiếp và tàu xây dựng ở Eo biển Đài Loan “để bảo đảm an toàn cho việc điều hướng tàu thuyền và bảo đảm sự hoạt động an toàn và trật tự của các dự án trọng điểm trên biển.”
Cục Hàng hải và Cảng Đài Loan đã đưa ra bản kháng nghị chính thức phản đối mạnh mẽ hành động này của Bắc Kinh, trong đó kêu gọi các công ty vận tải từ chối hoạt động thanh sát như vậy và thông báo cho lực lượng bảo vệ bờ biển Đài Loan nếu họ cần hỗ trợ.
Cục này cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Năm (06/04) rằng: “Điều đó sẽ tạo ra những trở ngại đối với các trao đổi bình thường giữa hai bờ eo biển, và chúng tôi sẽ buộc phải thực hiện các biện pháp tương ứng.”
“Kết quả là, phía đại lục phải chịu trách nhiệm về các công cụ phái sinh tiếp theo, đây không phải là điều mà hai bên mong muốn,” cục này nói thêm.
Bản tin có sự đóng góp của Andrew Thornebrooke và Reuters
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times