Trung Quốc điều 18 máy bay chiến đấu đến gần Đài Loan trong chuyến thăm của phái viên Hoa Kỳ
Vào hôm thứ Sáu (18/9), trong một cuộc phô trương lực lượng lớn bất thường, quân đội Trung Quốc đã cử 18 máy bay bao gồm cả máy bay chiến đấu vượt eo biển Đài Loan trong lúc một phái viên Hoa Kỳ tổ chức một ngày họp kín trên hòn đảo tự quản mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Ông Keith Krach, Thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ, người phụ trách danh mục đầu tư tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường, đã tổ chức hội đàm với Bộ trưởng Kinh tế và Phó Thủ tướng Đài Loan. Ông cũng đã gặp gỡ các lãnh đạo doanh nghiệp trong bữa trưa và dùng bữa tối với Tổng thống Thái Anh Văn vào cuối ngày thứ Sáu.
Để đáp lại chuyến thăm của ông Krach, Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông bộ thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã tổ chức các cuộc diễn tập chiến đấu gần Eo biển Đài Loan. Đây là cuộc diễn tập thứ 2 của quân đội Trung Quốc trong tháng Chín nhằm đe dọa những người ủng hộ sự tồn tại độc lập của hòn đảo này.
Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết hai máy bay ném bom và 16 máy bay chiến đấu từ Trung Quốc đã tiến vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Đài Loan cho biết họ đã cử các máy bay phản lực để đáp lại và theo dõi chuyển động của các máy bay Trung Quốc.
Ông Nhậm Quốc Cường, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc gọi cuộc tập trận là “hợp pháp và hành động cần thiết được thực hiện để đối phó với tình hình hiện nay ở bên kia Eo biển Đài Loan nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ”.
Trong một thông báo ngắn gọn trên blog của mình, Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông bộ cho biết các cuộc tập trận ở Eo biển Đài Loan có sự tham gia của các đơn vị lực lượng hải quân và không quân nhằm đánh giá khả năng thực hiện các hoạt động chung của họ.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng bảo vệ động thái này. Phát ngôn viên Uông Văn Bân của Bộ này cho biết Trung Quốc có “ý chí kiên định, hoàn toàn tự tin và đủ khả năng để ngăn chặn mọi sự can thiệp từ bên ngoài và các hành động ly khai của các lực lượng đòi độc lập Đài Loan.”
Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ và cực lực phản đối bất kỳ hình thức tiếp xúc chính thức nào giữa các quốc gia khác và nền dân chủ trên hòn đảo tự trị này.
Chuyến đi của ông Krach theo sau chuyến thăm hồi tháng 8 của Bộ trưởng Y tế Hoa Kỳ Alex Azar, quan chức cấp cao nhất trong Nội các Hoa Kỳ đến thăm kể từ khi Hoa Kỳ chuyển quan hệ chính thức từ Đài Loan sang Trung Quốc vào năm 1979.
Đây là một trong một loạt các động thái của chính phủ Trump nhằm tăng cường các mối quan hệ với Đài Loan, bao gồm cả việc tăng cường bán các loại vũ khí và hỗ trợ hòn đảo này tham gia các diễn đàn quốc tế.
Trước khi ông Krach đến, vào hôm thứ Tư (16/9), bà Kelly Craft – đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc, đã ăn trưa với quan chức hàng đầu của Đài Loan tại New York, trong một cuộc gặp mà bà gọi là lịch sử.
Hôm thứ Bảy, ngày 19/9, ngày cuối cùng của chuyến thăm, ông Krach cũng sẽ tham dự lễ tưởng niệm cựu Tổng thống Lý Đăng Huy (Lee Teng-hui), người đã dẫn dắt hòn đảo chuyển đổi sang dân chủ và đã qua đời ở tuổi 97 hồi tháng Bảy.
Các nhà phân tích cho rằng phản ứng của quân đội Trung Quốc là một thông điệp rõ ràng đối với Hoa Kỳ để dừng lại những gì họ đang làm, vì phía Trung Quốc đã có những hành động tương tự khi Bộ trưởng Y tế Hoa Kỳ đến thăm hồi tháng Tám.
“Tôi nghĩ người Trung Quốc đang sử dụng công cụ này để cố gắng và ngăn chặn mối quan hệ kiểu tính chất ngoại giao giữa Mỹ và Đài Loan. Nó rất rõ từ phía họ”, Alfred Wu – phó giáo sư tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore cho biết.
Những căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh đã trở nên leo thang trong vấn đề về đại dịch virus corona, thương mại, công nghệ, Hồng Kông và Biển Đông.
Tần suất các cuộc tập trận của Trung Quốc gần Đài Loan gợi lại cuộc khủng hoảng lớn gần đây nhất giữa họ vào năm 1995–1996. Vào lúc đó, trong cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp đầu tiên của Đài Loan, với nỗ lực nhằm đe dọa cử tri, Trung Quốc đã bắn các tên lửa ở gần hòn đảo và tổ chức các buổi diễn tập chiến tranh. Những hành động đó phần lớn được xem là đã phản tác dụng.
Đài Loan cho biết, trong các buổi diễn tập chiến tranh hơn hai ngày vào tuần trước, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã xâm nhập không phận của họ và đó là một “sự khiêu khích nghiêm trọng đối với Đài Loan và một mối đe dọa sống còn đối với hòa bình và ổn định khu vực.”
Các hành động như vậy của quân đội Trung Quốc đe dọa toàn bộ khu vực, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế phản ứng lại.
Trung Quốc ngày càng dựa vào các mối đe dọa quân sự và cô lập ngoại giao để gây sức ép với Đài Loan. Điều đó xảy ra sau sự thất bại rõ ràng trong các nỗ lực nhằm lôi kéo hơn 23 triệu dân của hòn đảo này với viễn cảnh thống nhất chính trị theo khuôn khổ “một quốc gia, hai chế độ” được sử dụng ở Hồng Kông, trong khi đa số người Đài Loan ủng hộ việc duy trì nguyên trạng độc lập của hòn đảo.
Bất chấp tần suất của các cuộc tập trận, các nhà phân tích cho rằng điều đó không có nghĩa là chiến tranh sắp xảy ra.
“Tín hiệu từ Bắc Kinh rất, rất rõ ràng, nhưng có phải điều đó có nghĩa là một màn dạo đầu cho chiến tranh không? Không, còn xa mới có điều đó”, ông Lin Chong-Pin, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Đài Loan cho biết.
Sau sự đắc cử vào năm 2016 của bà Thái, Trung Quốc đã cắt liên lạc với chính phủ Đài Loan. Trong năm nay, bà Thái đã tái đắc cử với tỷ lệ ủng hộ lớn và Đảng Dân Tiến của bà vẫn duy trì thế đa số trong cơ quan lập pháp.