Trung Quốc: Dịch bùng phát tại nhiều nơi, Thượng Hải phong tỏa thành phố
Gần đây, Trung Quốc lại hứng chịu một làn sóng COVID-19 mới và đã lây lan sang hơn 10 tỉnh và khu vực. Thượng Hải và nhiều nơi khác đã tiến hành phong tỏa. Vài ngày trước, phóng viên của Epoch Times đã phỏng vấn một số cư dân ở các khu vực bùng dịch và hỏi thăm tình hình dịch bệnh tại địa phương.
Theo một báo cáo từ Ủy ban Y tế Quốc gia, Trung Quốc đã ghi nhận 21 ca mắc mới kể từ 0 giờ đến 24 giờ ngày 20/10. Trong số đó, có 8 ca mắc nhập cảnh (6 ca ở Thượng Hải, 1 ca ở Hà Nam và 1 ca ở Quảng Đông), và 13 ca trong nước (5 ca ở Cam Túc, 4 ca ở Ninh Hạ, 2 ca ở Nội Mông và 2 ca ở Hồ Bắc). Ngoài ra có thêm 27 ca mắc không triệu chứng, trong đó 20 ca nhập cảnh và 7 ca trong nước (3 ca ở Vân Nam, 2 ca ở Hà Bắc, 1 ca ở Hồ Nam và 1 ca ở Quý Châu). Do hệ thống giám sát dịch bệnh của ĐCSTQ không minh bạch, nên dữ liệu thực tế vẫn cần phải xác minh thêm.
Bệnh viện số 6 Thượng Hải bị phong tỏa
Vào ngày 21/10, tại kênh thông báo dịch bệnh, một cư dân mạng gửi tin nhắn hỏi: “Bệnh viện số 6 Thượng Hải đã phong tỏa rồi sao? Tình hình ra sao rồi?” Và câu trả lời của văn phòng Thượng Hải như sau: “Nhận thông tin tỉnh khác thông báo hợp tác điều tra, thực hiện theo các yêu cầu của nhà nước và thành phố về việc phòng ngừa và kiểm soát, sàng lọc nhân sự và môi trường liên quan, thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát tương ứng”. Có người dân trách móc: “Trả lời có cũng như không! Vô trách nhiệm! Chuyện này mà cũng có thể đưa ra làm trò đùa sao?”
Vào ngày 21/10, cô Lâm (bí danh) nói với Epoch Times rằng vào tối ngày 20/10, cô bị giữ lại trong đại sảnh khu cấp cứu bệnh viện số 6 Thượng Hải vì đưa mẹ đến khám bệnh. Cô phải nằm trên sàn đất ngủ qua đêm.”
Cô Lâm cho biết: “Lúc đó khoảng 6-7 giờ tối, không nói rõ nguyên nhân liền lập tức phong tỏa. Sau đó chúng tôi không được ra ngoài nữa. Tự ai người đó lo, chỉ biết ngồi trên băng ghế của bệnh viện. Trời lúc đó đổ mưa, tôi nhìn thấy một người đi qua liền hỏi anh ta xem có người phụ trách khu vực này không. Lúc đó tôi nói với anh ta là, tôi đưa mẹ đến đây khám bệnh, mẹ tôi mà cứ ngồi cả đêm trên băng ghế bệnh viện như vậy chắc chắn không thể chịu đựng nổi. Đến khoảng ba giờ sáng bệnh viện mới phát nệm và mền thì chúng tôi mới có thứ trải xuống sàn. Đêm qua đã test COVID-19 một lần, hôm nay lại test thêm lần nữa. Hai lần test COVID tôi đều đã làm xong.”
Cô Lâm nói rằng bệnh viện không giải thích lý do tại sao phải phong tỏa: “Đêm qua mọi người đều không được phép ra ngoài, bất kể anh là ai. Không báo là có ca mắc hay ca nghi mắc, nói năng không rõ ràng. Họ chỉ nói, đã có thông báo trực tiếp, vì bệnh viện tạm thời đóng cửa.”
“Về phương diện phòng dịch, mọi người cách nhau rất gần. Đêm qua không phát khẩu trang, đầu giờ sáng nay cũng không thấy gì. Sau đó, tôi gọi đến đường dây nóng của thành phố phản ánh tình hình, một tiếng sau họ mới phát khẩu trang. Khẩu trang đã phát được một lượt trong hôm nay”, cô Lâm nói.
“Tất cả các bác sĩ và y tá đều mặc quần áo bảo hộ. Tối hôm qua, lúc mới đầu họ cũng không có ăn mặc như thế. Bây giờ về cơ bản là họ đều mặc quần áo bảo hộ. Các bác sĩ cũng bị giữ hết trong bệnh viện, tất cả mọi người đều đang đợi lệnh.”
Cô Lâm nói rằng tính đến lúc nhận phỏng vấn vào ngày 21/10, bệnh viện số 6 Thượng Hải vẫn chưa gỡ bỏ phong tỏa.
Vào ngày 21/10, phóng viên của Epoch Times cũng đã phỏng vấn hai chủ cửa hàng cạnh bệnh viện số 6 Thượng Hải. Một người cho biết bệnh viện số 6 đã bị phong tỏa vào ngày hôm đó: “Đúng là phong tỏa rồi. Hôm nay cửa bệnh viện đều đóng cả, cũng không thấy một ai. Không biết nguyên nhân cụ thể. Các cửa hàng xung quanh vẫn đang hoạt động bình thường.”
Người còn lại cũng xác nhận việc Bệnh viện số 6 Thượng Hải bị phong tỏa. Ông cho biết: “Phong tỏa từ chiều hôm qua. Tất cả các cửa đều đóng kín. Các bác sĩ, bệnh nhân và hộ tá đều bị giữ lại ở bên trong. Bình thường người trong bệnh viện đến quán chúng tôi ăn cơm. Nhưng giờ chẳng thấy ai đến nữa, cũng không có ai đặt cơm. Tôi không biết nguyên nhân cụ thể, chắc là vì có dịch bệnh. Đến giờ vẫn chưa mở cửa trở lại. Đường xá xung quanh đều không bị phong tỏa, chỉ có bệnh viện bị cấm túc thôi.”
Phóng viên của Epoch Times đã gọi điện đến Bệnh viện số 6 Thượng Hải vào ngày 21 để hỏi về việc phong tỏa. Tuy nhiên số của tổng đài không có người bắt máy, còn số của phòng thiết bị có một nhân viên nam tiếp điện thoại nhưng không trả lời câu hỏi của phóng viên.
Bệnh viện số 2 Cam Túc bị phong tỏa
Cam Túc cũng nằm trong những nơi bùng phát dịch, một số bệnh viện tại địa phương đã bị phong tỏa. Vào ngày 21, phóng viên của Epoch Times cũng đã gọi điện đến Bệnh viện số 2 Cam Túc để hỏi về tình hình phòng chống dịch bệnh. Một nhân viên nam đã trả lời điện thoại.
Anh ta nói: “Có người dương tính với COVID-19 khi test nhanh tại bệnh viện. Người này đã được chuyển đến bệnh viện chuyên dụng. Ngoại trừ việc test COVID, tất cả các hoạt động khác của bệnh viện đều ngừng lại, bao gồm cả dịch vụ cấp cứu và ngoại trú. Tất cả chúng tôi đang chờ thông báo lúc nào hoạt động trở lại.”
Nhiều khu vực ở Hồ Bắc và Lan Châu bị phong tỏa
Một chủ cửa hàng gần khách sạn Trác Việt ở thành phố Thiên Môn, Hồ Bắc nói với phóng viên Epoch Times rằng khu vực này đang tiến hành đợt phong tỏa mới do dịch bệnh, khách sạn của ông cũng đã đóng cửa. Ông nói: “Vì đoàn người du lịch có người mắc thuê phòng ở khách sạn, nên cần đóng cửa khách sạn. Tất cả các cửa hàng xung quanh cũng đã đóng cửa.”
Theo Phòng Giáo dục thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc, gần đây thành phố này phát hiện ca mắc mới nên công tác phòng chống dịch bệnh tại học đường đang gặp thách thức lớn. Bắt đầu từ ngày 21/10/2021, tất cả các trường trung học và tiểu học (mẫu giáo) và các cơ sở đào tạo ngoài trường ở Lan Châu sẽ ngừng các hoạt động giảng dạy. Các trường cao đẳng, dạy nghề thực hiện quản lý khép kín.
Một phóng viên của Epoch Times đã gọi điện đến Văn phòng Giáo dục thành phố Lan Châu vào ngày 21/10 để hỏi về việc phong tỏa, nhưng không ai trả lời.
Do Tôn Vân, Hồng Ninh, Cố Hiểu Hoa thực hiện
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: