Trung Quốc đánh thuế 200% đối với rượu vang xuất khẩu của Úc
Vào cuối tuần này, Bộ Thương mại Bắc Kinh (MOC) sẽ áp mức thuế từ 100 đến 200% đối với rượu vang nhập khẩu của Úc như một phần của cuộc điều tra “chống bán phá giá” đang diễn ra đối với ngành này.
MOC vào thứ Sáu (27/11) tuyên bố “các phán quyết sơ bộ” cho thấy đã có sự bán phá giá “đáng kể” rượu vang nhập từ Úc vào thị trường Trung Quốc.
“Việc bán phá giá có ảnh hưởng trực tiếp đến các thiệt hại trong thực tế, và chính phủ quyết định thực hiện các biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với các sản phẩm trên từ ngày 28/11/2020 (thứ Bảy tuần này)”, thông báo trên trang web của MOC nêu rõ.
“Tỷ lệ ký quỹ cho mỗi công ty là 107,1 đến 212,1%”, theo thông báo.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp David Littleproud nói với ABC: “Chúng tôi đang cố gắng đánh giá lý do đằng sau quyết tâm áp dụng các mức thuế này.”
“Đó là lý do tại sao chúng tôi nhanh chóng làm việc với ngành công nghiệp [rượu vang], các quan chức của tôi và các quan chức DFAT ở Bắc Kinh để hiểu rõ hơn và có thể thích ứng được với quyết định này… chúng tôi cảm thấy là khá tàn nhẫn và thành thật mà nói, là không thuyết phục với bất cứ lý do nào mà ai đó đưa ra cho chúng tôi sau đó”.
MOC đã công bố cuộc điều tra ban đầu vào tháng 8, cáo buộc rằng các nhà sản xuất rượu của Úc cố tình bán rẻ rượu tại nước này với giá thấp hơn thị trường (thậm chí thấp hơn giá thành sản xuất), và “bán phá giá” sản phẩm này vào Trung Quốc một cách hiệu quả để đánh chìm các nhà sản xuất rượu trong nước. Cuộc điều tra dự kiến sẽ kết thúc vào năm sau.
Thủ tướng Scott Morrison ngay lập tức bác bỏ các cáo buộc sau khi nó được công bố cho các phóng viên: “Chúng tôi hoàn toàn không chấp nhận bất kỳ ý kiến nào nói rằng đã xảy ra việc bán phá giá rượu vang Úc ở Trung Quốc.”
Ông nói: “Không có cơ sở nào chống lại những tuyên bố liên quan đến ngành công nghiệp rượu vang Úc hoặc trợ cấp hoặc những điều tương tự”.
Ông Morrison cũng đưa ra quan điểm rằng rượu vang Úc có giá trung bình cao thứ hai ở Trung Quốc trong nửa đầu năm 2020, sau rượu vang New Zealand.
Các thương hiệu rượu vang của Úc, chẳng hạn như Penfolds, được người tiêu dùng và khách du lịch Trung Quốc đánh giá cao. Penfolds nổi tiếng đến mức nó đã phải cạnh tranh với một thương hiệu nhái tên là Benfords.
Ông Salvatore Baodas, Phó giáo sư tại Đại học Sydney, đã thẳng thừng đánh giá về động thái mới nhất của Bắc Kinh.
Ông nói với The Epoch Times: “Những mức thuế trừng phạt mới này cho thấy thực sự chẳng có ích lợi gì khi ký kết các thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, như Hiệp định Thương mại Tự do Trung Quốc-Úc và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực vừa mới hoàn thành”.
Trung Quốc chiếm 37% xuất khẩu rượu vang của Úc và là thị trường lớn nhất của nước này.
Các bộ trưởng Úc đã lưu ý những khó khăn trong việc liên lạc với những người đồng cấp Trung Quốc để thảo luận về các vấn đề, và đã xem xét thông qua Tổ chức Thương mại Thế giới để có một giải pháp.
Động thái mới nhất từ Bắc Kinh tiếp bước một loạt các biện pháp đang được áp dụng đối với các mặt hàng xuất khẩu của Úc sang nước này, bao gồm thịt bò, lúa mạch, rượu vang, than, bông, tôm hùm và các ngành công nghiệp gỗ.
Các đòn tấn công thương mại diễn ra ngay sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne kêu gọi một cuộc điều tra về nguồn gốc của COVID-19, khiến Đại sứ Trung Quốc Cheng Jingye tại Canberra chỉ trích mạnh mẽ.