Trung Quốc đang tích trữ các mặt hàng chiến lược phần lớn do Hoa Kỳ cung cấp
Trung Quốc dường như đang “miệt mài tích trữ”, dự trữ các mặt hàng chiến lược từ vi mạch bán dẫn, khoáng sản đến ngũ cốc và bông. Trong các giao dịch mua toàn cầu, Hoa Kỳ là một trong những nhà cung cấp lớn nhất của quốc gia này.
Bắc Kinh đã đang tích trữ vi mạch bán dẫn. Các chuyên gia trong ngành tin rằng việc Trung Quốc tích trữ trên toàn quốc đóng một vai trò trong tình trạng thiếu hụt vi mạch bán dẫn toàn cầu. Trên thực tế, hồi tháng Tám, Cục Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường của Trung Quốc đã tiến hành một cuộc điều tra về hoạt động tích trữ và các hoạt động đầu cơ khác khi chính quyền nhận thấy hoạt động này làm gián đoạn thị trường của chính mình.
Tình trạng này cũng khiến Bộ Thương mại Hoa Kỳ yêu cầu các nhà sản xuất chất bán dẫn lớn trên toàn cầu cung cấp dữ liệu bán hàng của họ hồi tháng Chín. Thông tin mà Bộ tìm kiếm bao gồm ba khách hàng mua nhiều sản phẩm nhất từ các hãng này trong ba năm qua là ai. Một số nhà phân tích cho biết Hoa Thịnh Đốn cần dữ liệu đó để tìm ra mức độ mà Trung Quốc tích trữ gây ra tình trạng khan hiếm vi mạch bán dẫn.
Trung Quốc bắt đầu tích trữ vi mạch bán dẫn từ năm 2019 khi chính phủ Tổng thống Trump áp đặt các lệnh trừng phạt lên đại công ty viễn thông Huawei. Lo sợ mình có thể là người tiếp theo, các công ty Trung Quốc mà phần nhiều trong số đó đều do nhà nước điều hành, đã mua một số lượng lớn vi mạch bán dẫn đủ để đáp ứng nhu cầu của họ trong vài năm tới.
Là quốc gia hàng đầu về sản xuất xe điện (EV), Trung Quốc đang tích cực tìm nguồn cung cấp coban, một kim loại chủ chốt để sản xuất pin EV, từ hải ngoại. Trong năm năm qua, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã mua hầu hết các mỏ sản xuất coban của Congo, nơi sản xuất 2/3 nguồn cung của thế giới.
Tính đến năm ngoái, 15 trong số 19 mỏ ở Congo đã thuộc sở hữu của các công ty Trung Quốc hoặc do họ tài trợ, theo một bài báo gần đây của New York Times. Bắc Kinh đã cấp vốn cho những kẻ háu ăn — “Các công ty đó đã nhận được ít nhất 12 tỷ USD tiền cho vay và các khoản vốn khác từ các tổ chức được nhà nước hậu thuẫn, và có khả năng sẽ thu hút hàng tỷ dollar nữa,” bài báo này cho biết.
Xu hướng mua coban của Trung Quốc bắt đầu từ khi đại công ty khai thác mỏ Freeport-McMoRan thuộc sở hữu của Hoa Kỳ bán hai kho dự trữ coban lớn của mình ở Congo cho một tập đoàn Trung Quốc được chính phủ hậu thuẫn. Bài báo cho biết thêm: Thương vụ bán này “đã đánh dấu chấm hết của bất kỳ sự hiện diện khai thác coban lớn nào của Hoa Kỳ ở nước này.”
Trong lĩnh vực nông sản, kho dự trữ của Trung Quốc cũng hoành tráng không kém. Thống kê của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho thấy Trung Quốc hiện nắm giữ gần một nửa dự trữ toàn cầu về ngô và các loại ngũ cốc chính khác.
Giao dịch mua ngũ cốc của Trung Quốc đã tăng mạnh vào đầu năm nay. Nhập cảng ngô và cao lương lần lượt tăng bốn và năm lần so với một năm trước. Dự kiến dự trữ ngô, gạo, và lúa mì của Trung Quốc sẽ lần lượt đạt 69%, 60% và 51% vào nửa đầu năm 2022.
Hoa Kỳ và Brazil đã bán một phần đáng kể hàng hóa nông nghiệp cho Trung Quốc. Xuất cảng đậu nành và các sản phẩm làm từ đậu nành của Hoa Kỳ trong niên vụ 2020-2021 đạt mức cao nhất mọi thời đại là 74.76 triệu tấn, với 2/3 trong số đó được chuyển đến Trung Quốc.
Trung Quốc cũng đang mua bông của Hoa Kỳ trên quy mô lớn. Xuất cảng bông hàng tuần của Hoa Kỳ sang Trung Quốc trong tháng 10 đã tăng 1/3 so với năm ngoái, kéo dự trữ bông của Hoa Kỳ xuống mức thấp nhất trong năm nay. Mặc dù người ta dự đoán Hoa Kỳ sẽ gặt hái được vụ mùa bông trong năm nay, nhưng việc này có thể đến muộn hơn nhiều so với bình thường do nhiệt độ xuống thấp hơn. Giá bông vì thế mà tăng vọt.
Tại hội nghị công tác kinh tế trung ương của Trung Quốc hồi đầu tháng này, Bắc Kinh đã xác định việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa chính như nông sản và khoáng sản là một trong năm vấn đề quan trọng cần chuẩn bị giữa những thách thức toàn cầu.
Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình nói tại hội nghị này rằng Trung Quốc phải thiết lập một “đường cơ sở chiến lược” để bảo đảm hoạt động tự cung tự cấp các mặt hàng chủ đạo, vì việc bảo đảm nguồn cung các sản phẩm chính sẽ giúp thúc đẩy nghị trình dài hạn của đất nước.
Các nhà phân tích cho rằng căng thẳng với Hoa Kỳ và các đồng minh như Úc, một nước xuất cảng lương thực lớn khác sang Trung Quốc, có thể thúc đẩy chế độ cộng sản này tăng đáng kể lượng dự trữ lương thực.
Trong thời gian gần đây, Bắc Kinh ngày càng nhấn mạnh đến vấn đề “an ninh lương thực”. Nhưng bà Andrea Durkin, thành viên cao cấp về nông nghiệp và thực phẩm toàn cầu tại Hội đồng Chicago về các Vấn đề Toàn cầu, cho biết trong một ghi chú hồi tháng Tám rằng lượng lương thực lớn nằm trong tầm kiểm soát của Trung Quốc “cũng có nghĩa là lượng dự trữ sẵn có để bảo đảm cho an ninh lương thực toàn cầu rộng lớn bị vơi đi nhiều hơn”.
Bà nói thêm: “Sự không rõ ràng về quy mô và chất lượng của các kho dự trữ cũng đặt ra câu hỏi ngỏ về việc Trung Quốc cần bao nhiêu để duy trì nguồn dự trữ ‘đầy đủ’”.
ĐCSTQ không minh bạch trong việc báo cáo dự trữ chiến lược của mình, và hồ sơ mua bán quốc tế cũng như ước tính của nhóm thương mại chỉ có thể cung cấp một phần bức tranh về nội dung chính xác trong kho dự trữ của chế độ này.
Một số chuyên gia đã cảnh báo rằng chế độ Trung Quốc có thể vũ khí hóa các kho dự trữ khổng lồ của mình.
Bắc Kinh muốn “giám sát các lực lượng thị trường vốn đe dọa sức mạnh của kho dự trữ chiến lược,” ông Christopher Vassallot thuộc chương trình Trung Quốc và Thái Bình Dương của Trung tâm Vì Lợi ích Quốc gia viết hồi tháng 11. “Nếu quy mô thị trường của Trung Quốc cho phép các nhà kinh doanh hàng hóa của họ có sức ảnh hưởng toàn cầu, và việc quản lý từ trên xuống đối với kho dự trữ làm tăng sức mua, thì việc giám sát theo quy định hoạt động để bảo đảm họ sẽ nỗ lực cho các mục tiêu của nhà nước”.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: